Kiểm soát chặt nợ công, kéo giảm nợ xấu

30/10/2014 05:55 GMT+7

Trước thực trạng đáng quan ngại về nợ xấu và nợ công tại phiên họp Chính phủ ngày 29.10, Thủ tướng yêu cầu phải kiểm soát nợ công trong giới hạn an toàn và bằng mọi giải pháp nhanh chóng giảm nợ xấu xuống 3% trong năm 2015.

Các ngân hàng không phản ánh hết rủi ro trong cho vay khách hàng - Ảnh: Ngọc Thắng
Các ngân hàng không phản ánh hết rủi ro trong cho vay khách hàng - Ảnh: Ngọc Thắng

Đỉnh nợ công vào năm 2016

Truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tại phiên họp báo cuối giờ chiều 29.10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết Thủ tướng và các thành viên Chính phủ nhận định tình hình KT-XH tháng 10 và 10 tháng của năm 2014 tiếp tục chuyển biến tích cực, kết quả đạt được là khá toàn diện theo hướng ổn định, vững chắc.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2014 là 5,8% có thể đạt được và nhiều khả năng đạt cao hơn; lạm phát được kiểm soát thấp hơn chỉ tiêu đề ra, khoảng 4%. Kết quả này tạo nền tảng để kinh tế đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2015 (mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2015 trình QH là 6,2%), bảo đảm thực hiện mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2011 - 2015.

Liên quan đến áp lực nợ công, Thủ tướng nêu rõ nợ công của quốc gia hiện trong giới hạn cho phép theo quy định của Chiến lược nợ công (không vượt quá 65% GDP). Theo đánh giá, đỉnh nợ công quốc gia sẽ đạt mức 64,9% vào năm 2016 và giảm dần, đến năm 2020 còn 60,2%. Thủ tướng cho biết tuyệt đại đa số nợ công (chiếm 98%) là để chi cho đầu tư phát triển.

Để đảm bảo an toàn nợ công, Thủ tướng yêu cầu phải sử dụng tiền vay có hiệu quả; cân đối ngân sách dành cho trả nợ; cơ cấu lại nợ theo hướng lành mạnh hơn để có các khoản vay với thời hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn, không làm thay đổi tổng nợ cũng như nghĩa vụ nợ. 

Nợ xấu phải giảm xuống 3%

Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên: ĐBQH Phạm Huy Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vietinbank) trên nghị trường cho rằng nợ xấu hiện nay không phản ánh đúng thực chất, số liệu chưa chính xác và giải pháp xử lý nợ chỉ mang tính chất kỹ thuật; đơn cử trường hợp của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN (VAMC) chỉ như một “nhà kho” chứa nợ..., Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) VN Nguyễn Thị Hồng nói sở dĩ nợ xấu “vênh” số liệu là do một con số được cung cấp bởi các NH và một là do NHNN đánh giá. Các NH báo cáo 9 tháng nợ xấu chiếm 3,8% tổng dư nợ; còn NHNN đánh giá là 5,43%.

Theo bà Hồng, các NH không phản ánh hết những rủi ro trong cho vay khách hàng, còn NHNN để điều hành được chính xác chính sách đã xác định nợ bằng các tiêu chuẩn quốc tế, khả năng trả nợ thực sự của khách hàng. Ví dụ, một khoản nợ xấu tại một NH, nếu khách hàng này đi vay tại NH khác không được tổ chức tín dụng tính vào thì NHNN vẫn coi đó là nợ xấu. Hay các khoản nợ được cơ cấu lại nhiều lần, NHNN vẫn đưa vào nhóm nợ xấu…

Nhìn chung, theo bà Hồng, nợ xấu đang được xử lý bằng nhiều giải pháp như các NH phải trích lập dự phòng rủi ro; bán, thanh lý tài sản qua VAMC… Hiện tại, riêng VAMC đã mua được 95.000 tỉ đồng sau 10 tháng hoạt động, bán ra thu về 4.000 tỉ đồng. Bà Hồng cũng cho rằng: “VAMC ra đời trong bối cảnh “đói” vốn, chỉ có 500 tỉ đồng, không có điều kiện tài chính nên phải dùng trái phiếu đặc biệt mua nợ. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn thanh khoản để xử lý khi các NH được phép dùng trái phiếu này tái cấp vốn nên không thể ví như một nhà kho chứa nợ xấu”.

Trước đó, chủ trì phiên họp Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo NHNN tiếp tục lộ trình xử lý nợ xấu, giảm nợ xấu từ mức 5,43% giữa tháng 9.2014 xuống còn dưới 3% vào cuối năm 2015 như mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tạo hành lang pháp lý và công cụ cho VAMC làm tốt hơn việc xử lý nợ xấu, không dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu. Theo số liệu, từ khi triển khai Đề án xử lý nợ xấu trong hệ thống NH năm 2012 đến tháng 10.2014, cả nước đã giảm tỷ lệ nợ xấu từ 17% xuống còn 5,43%; giảm từ khoảng 460.000 tỉ đồng xuống còn 252.000 tỉ đồng (giảm 54,3%).

Ông Hà Văn Thắm bị bắt vì không khắc phục được sai phạm

Liên quan đến việc cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT NH TMCP Đại Dương (OceanBank), tại phiên họp báo, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết khi Thanh tra NHNN phát hiện có dấu hiệu bất ổn đã thông báo lại cho ông Thắm chuẩn bị khắc phục để đưa NH hoạt động tốt hơn. Thế nhưng, sau đó ông Thắm không khắc phục được nên Thanh tra NHNN đề nghị cơ quan điều tra tiến hành xem xét, khởi tố. Vừa qua, Viện KSND tối cao phê chuẩn dùng biện pháp ngăn chặn bắt giam ông này. Tội danh của ông Thắm là vi phạm quy định trong cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. 

“Quan điểm của Chính phủ đối với các vi phạm trong lĩnh vực kinh tế là tạo điều kiện để khắc phục. Khi nào không khắc phục được mới dùng biện pháp ngăn chặn khi cần thiết, đó là trách nhiệm của cơ quan bảo vệ pháp luật. Quan điểm của Chính phủ không hình sự hóa quan hệ kinh tế khi thấy không cần thiết. Hiện cơ quan điều tra đang tiến hành và sẽ có kết luận trong thời gian tới”, ông Nên nói.

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, trong quá trình thực hiện việc giám sát, thanh tra đối với các tổ chức tín dụng nói chung và OceanBank nói riêng đã phát hiện ra một số sai phạm trong hoạt động tín dụng của NH này và cá nhân ông Hà Văn Thắm. NHNN yêu cầu OceanBank khắc phục sau thanh tra. Tiếp đó, trong quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng, năm 2013 NHNN đã phê chuẩn đề án tái cơ cấu của OceanBank, yêu cầu NH này thực hiện phương án đó. Nhưng quá trình thanh tra tái cơ cấu, Thanh tra NHNN thấy rằng OceanBank chưa khắc phục được sai phạm, lại phát sinh sai phạm khác có yếu tố cần phải xử lý hình sự. 

Anh Vũ

Anh Vũ

 >> Cục nợ công
>> Nợ công có thể đã chạm mức giới hạn
>> Giam lỏng' nợ xấu
>> Nợ xấu cản trở kinh tế phục hồi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.