Nam bộ tiếp tục đối mặt với triều cường

19/10/2014 09:00 GMT+7

Theo ông Nguyễn Minh Giám, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, từ nay đến cuối năm 2014 và đầu năm 2015, Nam bộ còn nhiều kỳ triều cao nữa.

Nguy cơ thiếu nước ở ĐBSCL


Nhiều tuyến đường ở TP.HCM mênh mông nước trong kỳ triều cường rằm tháng 9 âm lịch vừa qua - Ảnh: Diệp Đức Minh

Trong kỳ triều cường rằm tháng 9 vừa qua, nhiều tuyến đường ở TP.HCM đã biến thành sông khi đỉnh triều tại trạm Phú An (trên sông Sài Gòn) chạm mức lịch sử 1,68 m (lúc 18 giờ 30 tối 10.10) và đặc biệt tại trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) đã vọt lên mức cao nhất từ trước đến nay: 1,70 m (mức cao nhất năm 2013 là 1,65 m). Thông thường, đỉnh triều ở trạm Nhà Bè thấp hơn trạm Phú An vài centimét, nhưng kỳ triều cường vừa qua lại cao hơn. Liệu có phải do nhiều khu vực trũng thấp ở nội thành nay đã được san lấp mặt bằng, không còn chỗ chứa, nên đã dồn nước ra ngoại thành, dẫn đến đỉnh triều cao lịch sử như vừa qua? Ông Giám cho rằng, cần phải có những nghiên cứu mới có thể khẳng định điều này đúng hay không. Tuy nhiên, có nguyên nhân do đỉnh triều ở biển Đông tại Vũng Tàu trong kỳ triều cường rằm tháng 9 vừa qua cao hơn cùng kỳ năm ngoái 6 cm (năm ngoái 4,22 m; năm nay 4,28 m).

Cũng theo ông Giám, trong kỳ triều cường vừa qua, các hồ ở thượng nguồn hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai có xả nước, nhưng lưu lượng không đáng kể; mưa tại chỗ cũng hầu như không có và gió đông bắc cũng không đủ mạnh, không ảnh hưởng nhiều đến khu vực Nam bộ. Nếu như có tác động của tổ hợp các yếu tố: triều cường + xả lũ + mưa lớn tại chỗ + gió đông bắc thổi mạnh, thì đỉnh triều sẽ còn cao hơn. Chỉ riêng yếu tố gió đông bắc dồn nước từ ngoài biển vào sông, đỉnh triều có thể dâng cao thêm từ 5 - 10 cm tùy theo cường độ gió.

Trong khi triều cường tăng vọt, thì lũ đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư vừa có cảnh báo, mực nước thượng nguồn sông Mê Kông hiện đang xuống và đầu nguồn sông Cửu Long đều dưới báo động (BĐ) 1, thấp hơn  TBNN cùng thời kỳ, dẫn đến nguy cơ mặn xâm nhập sớm và thiếu nước ngọt trong mùa khô tới. Mực nước cao nhất ngày 14.10, trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,09  m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,78 m - đều thấp nhiều so với mức BĐ 1. Tại Tân Châu, mức BĐ 1 là 3,5 m; BĐ 2 là 4m và BĐ 3 là 4,5 m. Tại Châu Đốc, mức BĐ 1 là 3m; BĐ 2 là 3,5 m và BĐ 3 là 4 m. Trong những ngày tới, mực nước sông Cửu Long tiếp tục xuống. Dự báo ngày 19.10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 2,9 m; tại Châu Đốc ở mức 2,65 m. Trong những tháng cuối năm, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống dần ở mức thấp hơn TBNN cùng thời kỳ từ 0,2 - 0,4 m.

Vì sao lũ năm nay thấp như vậy? Ông Giám cho rằng, theo quy luật, năm nào số lượng cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện nhiều trên biển Đông và đổ bộ vào VN, thì lũ ở ĐBSCL sẽ lên cao. Năm nay rất ít bão ảnh hưởng đến VN, tới giờ này có 3 cơn bão trên biển Đông (năm ngoái đến giữa tháng 10 có 11 cơn bão), do vậy lượng nước mưa đổ xuống vùng thượng nguồn sông Mê Kông ít. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho mực nước đầu nguồn sông Cửu Long năm nay ở mức thấp như vậy.

Mai Vọng

>> TP.HCM: Nhiều địa điểm ngập nặng do triều cường dâng cao
>> Nam bộ đối mặt với kỳ triều cường lớn
>> TP.HCM: Triều cường lên cao 1,65 m trong 3 ngày tới
>> Triều cường tại TP.HCM có thể lên 1,5 m

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.