Làm thương hiệu cho di sản thế giới

18/10/2014 05:25 GMT+7

Xây dựng hình ảnh cho riêng mình, đồng thời vẫn hòa đồng trong một chiến dịch lớn với các di sản thế giới khác - chuyên gia di sản UNESCO, chuyên gia truyền thông quốc tế đã chia sẻ với nhà quản lý di sản thế giới ở VN trong hội thảo Quảng bá di sản thế giới diễn ra tại Hà Nội ngày 17.10.

 Bài chòi là nét văn hóa đặc sắc của di sản thế giới Hội An  - Ảnh: Vương Anh
Bài chòi là nét văn hóa đặc sắc của di sản thế giới Hội An  - Ảnh: Vương Anh

Tránh thuyết minh khô cứng về di sản

TS Dương Bích Hạnh, Văn phòng UNESCO bắt đầu câu chuyện quảng bá di sản bằng một lời thách đố: ai sẽ hiểu được những lời hướng dẫn sau của một hướng dẫn viên. Đó là những lời hướng dẫn vô cùng khoa học, chính xác đến từng chân tơ kẽ tóc: “Quá trình lắng đọng trầm tích là quá trình trong đó hạt vật chất nhỏ bé bị dòng chảy của nước tách ra khỏi những khoáng chất mẹ và lắng xuống tạo thành các lớp tại một khu vực nào đó trong lòng suối...”. Những lời giới thiệu này, theo TS Dương Bích Hạnh, đã mắc lỗi về thuyết minh di sản.

Lỗi đó, theo bà Hạnh, không bắt nguồn từ kiến thức khoa học, bởi thuyết minh về sự hình thành trầm tích này hoàn toàn đúng. Chỉ có điều, với đối tượng khách tham quan hang động, họ không phải học sinh bị buộc phải nghe để trả bài, nên cách giới thiệu này hoàn toàn không hấp dẫn. Khách du lịch ở điểm di sản văn hóa thế giới này chắc chắn sẽ bỏ đi. Bà Hạnh đặc biệt thích thú khi nói đến một thuyết minh khác về trầm tích: “Nước bào mòn các hòn đá thành bụi, bụi lắng xuống thành trầm tích. Còn những hòn đá kia nhẵn đến mức khi ném xuống đất có thể nhảy lên rất cao”. Cũng là thuyết minh, nhưng câu chuyện hòn đá nhảy hấp dẫn hơn nhiều.

Nhưng những bài thuyết minh về các di sản văn hóa thế giới tại VN thường mắc lỗi bài giảng như vậy. Nó ngồn ngộn thông tin về số liệu, sự kiện nhưng lại thiếu diễn giải về ý nghĩa. Chắc chắn năm xây dựng, số người xây dựng một công trình kiến trúc như thành nhà Hồ quan trọng. Song điều quan trọng hơn là ý nghĩa phòng thủ của tường thành đó. Câu chuyện của khẩu thần công đầu tiên do người Việt chế ra để bảo vệ thành còn giá trị hơn nhiều những con số khô khan về lượng khối đá dựng thành.

Tạo dựng hình ảnh đẹp cho di sản để truyền thông quảng bá

Không chỉ bàn chuyện làm thế nào để bài thuyết minh khiến người nghe yêu mến di sản hơn, hội thảo còn bàn đến việc tạo dựng hình ảnh đẹp cho di sản để truyền thông quảng bá. “Chúng tôi rất cần bài viết di sản nhưng phải kèm hình ảnh đẹp. Còn các anh chị khi gửi ảnh thì hoặc xấu hoặc dung lượng rất nhỏ. Thường thì tạp chí phải cho người tổ chức chụp”, bà Trần Mai Anh - Trưởng ban Biên tập tạp chí Heritage nói.

Hội thảo Quảng bá di sản thế giới còn nói đến câu chuyện quảng bá dài lâu mà TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho rằng, mỗi di tích nên có chiến lược quảng bá ít nhất trong 20 năm.

Để có được chiến lược quảng bá như vậy, một giải pháp kỹ thuật cũng được đưa ra là sử dụng dạng thức “trưng bày ảo” trên các trang web. Đại diện của Công ty An Thu đã giới thiệu những phiên bản ảo của nhiều di sản UNESCO tại VN. Công ty đã dùng máy móc hiện đại để quét hình 3D của các di sản này rồi đưa vào lưu trữ. Vị đại diện này cho rằng, ngoài tác dụng lưu tư liệu, hình ảnh ảo còn giúp thu hút sự quan tâm của công chúng.

Tuy nhiên, để có chiến lược dài 20 năm và hơn nữa, ông David Robinson - chuyên gia cao cấp, Tập đoàn truyền thông quốc tế QUO, cho rằng cần có một nhận diện giá trị riêng cho di sản thế giới tại VN. Chẳng hạn, ông đề nghị nhận diện các di sản này bằng “sức hút của bản sắc”. Slogan này sau đó sẽ được in lên trên toàn bộ hình ảnh các khu di sản, kèm theo logo của UNESCO cho các di sản văn hóa thế giới. Như thế, khi nhìn thấy các nhận diện chung này trên nhiều kênh thông tin hình ảnh, công chúng sẽ nhớ tới di sản, muốn đi thăm di sản nhiều hơn.

Ông cũng lưu ý, thông tin hình ảnh này cần được đăng trên các trang đơn lẻ của di sản theo cách dẫn đường link lẫn nhau. Trong đó, đặc biệt lưu ý chỉ dẫn cụ thể như khoảng cách tới sân bay, bến xe, các dịch vụ như ẩm thực, may mặc, bệnh viện... Có như thế, khách mới dễ dàng tìm đến di sản. Nó cũng sẽ giúp chia sẻ lượng khách tại những di sản nhiều khách cho di sản ít khách vì có địa điểm không thuận lợi.

Ông David Robinson cũng đặc biệt lưu ý việc kết nối đối tác. Mỗi di sản đều cần xác định rõ đối tượng của mình, làm thế nào để phát triển dịch vụ tương ứng. Chẳng hạn, Huế là nơi thu hút rất nhiều người đã đi làm, hoặc người có tuổi. Như vậy, có thể phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị. Việc cân đối các khu nghỉ dưỡng, quần thể tổ chức hội nghị do đó cũng cần được hoạch định. Hoặc với Phong Nha, Kẻ Bàng rất nên đẩy mạnh du lịch mạo hiểm.

Học kinh nghiệm của người Anh

Ban quản lý Phong Nha - Kẻ Bàng cũng chia sẻ một cách làm thương hiệu đã được nhiều nhà khoa học ở Hội Hang động Hoàng gia Anh tư vấn. Ngay sau khi tìm thấy các hang động kỳ vĩ, họ đã mời các hãng thông tấn, kênh truyền hình nước ngoài lớn như BBC, CNN, NHK... đến đưa tin. Họ cũng mời rất nhiều tạp chí thám hiểm nước ngoài tới viết bài. Giờ đây, tour mạo hiểm khám phá hang Sơn Đoòng tại đây đã kín chỗ đến hết năm 2015. Giá của mỗi khách cho tour này là 3.000 USD. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng tính toán sao để không rơi vào tình trạng do quảng bá mà khách đến quá nhiều, quá ngưỡng có thể phục vụ”, đại diện Ban quản lý Phong Nha - Kẻ Bàng nói.

Trinh Nguyễn

>> Di sản có cần 'mô hình chung'?
>> Cảnh báo xâm hại hang di sản ở Hạ Long
>> Nên giao quyền khai thác di sản cho tư nhân
>> Tràng An trở thành di sản thế giới 'kép 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.