Nên giao quyền khai thác di sản cho tư nhân

28/07/2014 09:00 GMT+7

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp du lịch mong muốn dịch vụ sẽ được nâng cao nếu các điểm đến là danh thắng, di sản của VN được giao cho tư nhân nhưng lo ngại tình trạng độc quyền khai thác.

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp du lịch mong muốn dịch vụ sẽ được nâng cao nếu các điểm đến là danh thắng, di sản của VN được giao cho tư nhân nhưng lo ngại tình trạng độc quyền khai thác.

Nên giao quyền khai thác di sản cho tư nhân
Có nên giao danh thắng như vịnh Hạ Long cho tư nhân quản lý hay không đang là câu hỏi cần được trả lời một cách nghiêm túc - Ảnh: D.Đ.Minh

 Không nên độc quyền

“Vịnh Hạ Long đang được khai thác một cách đơn điệu”, ông Phan Đình Huê, chuyên gia du lịch, thẳng thắn nhận xét. Theo ông, du khách đến vịnh Hạ Long chỉ ngủ một đêm trên tàu hoặc sáng đi rồi chiều về lại Hà Nội. Môi trường xã hội lẫn môi trường tự nhiên ở vịnh Hạ Long cũng không tốt, khi tại bến tàu thường xuyên xảy ra tình trạng tranh giành khách đi tàu, nạn bán hàng rong chèo kéo du khách trên vịnh từ lâu không được xử lý và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Ngoài chèo thuyền kayak (một loại thuyền nhựa nhỏ chèo trên vùng nước êm), các dịch vụ mang tính trải nghiệm như thể thao trên vịnh, câu cá, lặn biển… không phát triển. Đặc biệt, việc tiếp thị vịnh Hạ Long ra nước ngoài trong thời gian qua vẫn chủ yếu “hữu xạ tự nhiên hương”.

 

Các doanh nghiệp này cạnh tranh nhau về chất lượng dịch vụ, giá cả nhưng vẫn phải bảo tồn được di sản theo quy định của nhà nước. Ai yếu, ai nghiệp dư sẽ bị đào thải. Khi không còn gánh trên vai gánh nặng kinh doanh, nhà nước sẽ tập trung vào việc hoạch định chính sách, quy chế quản lý di sản tốt hơn hiện nay

Ông Phan Đình Huê - chuyên gia du lịch

Ông Phan Xuân Anh, Tổng giám đốc Công ty du ngoạn Việt, một đơn vị chuyên đón khách tàu biển đến VN, kể trong buổi làm việc với hãng tàu nước ngoài, đối tác hỏi tình trạnh bán hàng ép khách trên tàu ở vịnh Hạ Long đã được xử lý như thế nào? Ông Anh không thể giải thích, bởi thực tế chuyện này tồn tại từ nhiều năm qua. Người bán hàng rong được phép lên tàu vì họ đã mua được quyền bán hàng, vì thế để có chi phí trả cho khoản tiền đó, họ luôn ép khách mua hàng bằng mọi cách, thậm chí bưng cả rổ hàng đặt lên đùi khách cho đến khi mua mới thôi. Hiện nay trên vịnh có hơn 1.000 chiếc đò hoạt động và hơn 400 tàu thuyền phục vụ khách ngủ đêm, nhưng không ai quản lý được chất thải được thải ra từ những tàu thuyền này.

Từ những bất cập trong khai thác vịnh Hạ Long hiện tại, cả ông Huê và ông Anh đều ủng hộ có một sự thay đổi đột phá trong kinh doanh, quản lý vịnh.

Ông Huê cho rằng, giao cho tư nhân quyền khai thác là tốt. “Nhà nước không nên “ôm” cả việc vừa quản lý vừa kinh doanh". Tuy nhiên, để tránh độc quyền về giá, về dịch vụ… có thể xảy ra nếu giao cho một công ty, ông Huê đề xuất nên giao cho nhiều công ty cùng khai thác thông qua đấu thầu. Vịnh Hạ Long là một quần thể rộng lớn trên mặt biển, nên có thể chia ra một số gói thầu, được phân thành từng khu vực và nên giới hạn ở mức 20 - 30 năm. "Các doanh nghiệp này cạnh tranh nhau về chất lượng dịch vụ, giá cả nhưng vẫn phải bảo tồn được di sản theo quy định của nhà nước. Ai yếu, ai nghiệp dư sẽ bị đào thải. Khi không còn gánh trên vai gánh nặng kinh doanh, nhà nước sẽ tập trung vào việc hoạch định chính sách, quy chế quản lý di sản tốt hơn hiện nay”, ông Huê phân tích.

Nhưng cũng đừng vô tội vạ

Trên thực tế, việc giao cho tư nhân quản lý, khai thác di sản được nhiều nước thực hiện. Ở Campuchia, chính phủ nước này từ lâu đã giao cho một doanh nghiệp tư nhân khai thác cụm đền Angkor. Công ty này trả cho nhà nước một "cục" tiền rồi sau đó thu tiền vé, và từ nhiều năm nay đã khai thác cụm đền Angkor rất hiệu quả.

Trước đây, du khách vào các đền Angkor thường hay trốn vé, công ty đã tiến hành chụp hình khách mỗi khi mua vé để kiểm soát người vào ra. Người bán hàng rong được tập trung tại một khu vực, đứng sau sợi dây chặn ngang mà không được phép vượt qua để tiếp cận du khách. Đặc biệt, khách người Campuchia và cả người Campuchia ở nước ngoài được miễn vé vào cửa tham quan đền đài Angkor.

Đồng tình với xu hướng giao cho tư nhân khai thác danh thắng và cùng quản lý với nhà nước, nhưng ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt, cũng không khỏi lo ngại bởi ở Ninh Bình, doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường tham gia khai thác khu danh thắng Tam Cốc - Bích Động, Tràng An đã liên tục tăng giá vé tham quan vô tội vạ. Theo phản ánh của báo chí gần đây, Xuân Trường hưởng tới 90% phí danh lam, trong tổng số 150.000 đồng tiền vé/khách thì 80.000 đồng là phí danh lam. Xuân Trường còn in vé áp dụng cho phí danh lam, phí chở đò trong khu hang động sinh thái Tràng An và vé xe điện chùa Bái Đính theo mẫu của Cục Thuế tỉnh Ninh Bình nhưng không đăng ký phát hành theo quy định. Vé trông giữ xe ô tô tại khu sinh thái Tràng An và phí danh lam, phí chở đò dọc Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đơn vị này chưa in theo mẫu của Cục Thuế tỉnh hướng dẫn nhằm giảm nguồn thu để tiền nộp ngân sách theo tỷ lệ ít đi. Thực trạng này theo chúng tôi là hoàn toàn dễ điều chỉnh nếu cơ quan quản lý nghiêm túc can thiệp.

Theo ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty du lịch Việt, lãng phí tài nguyên du lịch ở VN hiện nay là rất lớn. Vì thế, VN cần tổ chức một hội thảo quốc tế về vấn đề nên giao cho tư nhân quản lý, khai thác di sản, danh thắng như thế nào cùng với nhà nước để đem lại hiệu quả tốt nhất nhân chuyện Bitexo đề nghị tỉnh Quảng Ninh được quyền khai thác vịnh Hạ Long trong 50 năm.

Không giao toàn quyền quản lý

Vừa qua tỉnh Quảng Ninh đã họp với Tập đoàn Bitexco để nghe báo cáo đề án Nâng cao chất lượng khai thác dịch vụ vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Trong đó Bitexco đề nghị được nhượng quyền thu phí vịnh Hạ Long và Bái Tử Long trong vòng 50 năm, với cam kết nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đầu tư, khai thác hiệu quả di sản này. Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh, đến thời điểm hiện tại tỉnh vẫn chưa đưa ra quyết định gì với đề xuất của doanh nghiệp.

N.Trần Tâm

>> Ngắm Di sản thế giới tại Nhật Bản từ Hà Nội
>> Cần trân trọng di sản của tiền nhân
>> Tràng An trở thành di sản thế giới 'kép
>> Tràng An chính thức trở thành Di sản hỗn hợp văn hóa - thiên nhiên thế giới
>> Hang động bích họa 36.000 năm tuổi trở thành di sản thế giới
>> Đề nghị công nhận lễ hội vía Bà là di sản văn hóa phi vật thể

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.