340 nhân viên Shanghai Husi sẽ bị sa thải

22/09/2014 16:25 GMT+7

(TNO) Tập đoàn OSI (Mỹ) ngày 22.9 tuyên bố sa thải 340 nhân viên của Shanghai Husi, một công ty con của OSI tại Trung Quốc, theo AP.

(TNO) Tập đoàn OSI (Mỹ) ngày 22.9 tuyên bố 340 nhân viên của Shanghai Husi, một công ty con của OSI tại Trung Quốc, sẽ bị sa thải. Shanghai Husi bị buộc tội bán thịt bò và thịt gà quá hạn cho McDonald’s, KFC và các chuỗi nhà hàng lớn khác, theo AP.

>> Trung Quốc: Nhà máy Husi 'giả mạo' cả ngày sản xuất in trên sản phẩm 

Shanghai Husi sa thải 340 nhân viên
Công ty thực phẩm Shanghai Husi - Ảnh: Reuters

Công ty thực phẩm Shanghai Husi bị điều tra từ khi một đài truyền hình ở Thượng Hải (Trung Quốc) hồi tháng 7 phát hiện Shanghai Husi đã tái đóng gói và bán thịt cũ. Sáu nhân viên Shanghai Husi bị bắt hồi tháng 8 do tình nghi sản xuất sản phẩm dưới chuẩn.

Chủ của Shanghai Husi, tập đoàn OSI có trụ sở ở Aurora, thuộc bang Illinois (Mỹ), cho biết sẽ sa thải 340 nhân viên tại Shanghai Husi. Một số lượng nhỏ nhân viên sẽ được giữ lại khi quá trình điều tra vẫn đang tiếp diễn. Website của Shanghai Husi cho biết công ty này tuyển dụng khoảng 500 nhân viên.

“Trong 2 tháng qua, Shanghai Husi đã phải nếm trải những thiệt hại đáng kể về khách hàng và tài chính. Rất ít khả năng việc sản xuất sẽ sớm được nối lại”, OSI nói trong một thông báo.

Vụ bê bối đã khiến người tiêu dùng Trung Quốc lo lắng và làm gián đoạn hoạt động của các thương hiệu thức ăn nhanh.

An toàn sản phẩm là vấn đề nhạy cảm khác thường ở Trung Quốc trong một thập niên qua, trong đó trẻ sơ sinh, bệnh nhân và những người khác đã mắc bệnh do sữa bột, thuốc và các sản phẩm giả hoặc pha tạp khác.

Chủ của KFC,  hãng Yum Brand, và McDonald’s cho biết họ đã ngừng sử dụng sản phẩm của Husi.

Burger King, Starbucks, chuỗi nhà hàng pizza Papa John’s International và chuỗi cửa hàng bánh sandwich Dicos đã rút lại sản phẩm có thành phần đến từ các nhà cung cấp làm ăn với Husi.

OSI đã công bố kế hoạch lập một “trung tâm kiểm soát chất lượng” ở Thượng Hải và cho biết sẽ chi 10 triệu nhân dân tệ (1,61 triệu USD) cho một chiến dịch giáo dục về an toàn thực phẩm.

KFC đã cắt đứt mọi quan hệ với OSI ở Trung Quốc, Mỹ và Úc.

McDonald’s, đã mua thịt của OSI ở Mỹ từ thập niên 1950, than phiền rằng họ cảm thấy bị lừa, nhưng cho biết vẫn hợp tác với OSI.

Trùng Quang

>> Tai tiếng thịt bẩn ở Trung Quốc
>> Vụ 'Tai tiếng thịt bẩn ở Trung Quốc': Bắt 6 người  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.