Không để người Việt mang tiếng xấu - Kỳ 6: Thiếu tự trọng khi thưởng thức nghệ thuật

16/08/2014 09:05 GMT+7

Để chuông điện thoại reo, mang trẻ nhỏ đi xem kịch người lớn, lên sân khấu tặng quà khi nghệ sĩ đang biểu diễn... là những hành vi phản cảm của không ít người khi thưởng thức các chương trình nghệ thuật.

>> Không để người Việt mang tiếng xấu - Kỳ 5: Phải bắt đầu từ thế hệ trẻ
>> Không để người Việt mang tiếng xấu - Kỳ 4: Thói hay... chê
>> Không để người Việt mang tiếng xấu - Kỳ 3: Bi kịch tiệc tùng
>> Không để người Việt mang tiếng xấu - Kỳ 2: Thói xấu của du học sinh Việt
>> Không để người Việt mang tiếng xấu - Kỳ 1

 Ca sĩ Tuấn Vũ đang trình diễn vẫn có người lên tặng hoa  - Ảnh: Ngọc Thắng
Ca sĩ Tuấn Vũ đang trình diễn vẫn có người lên tặng hoa  - Ảnh: Ngọc Thắng

Phải dừng chương trình vì tiếng máy chụp hình

Tại buổi họp báo giới thiệu đêm trình diễn của một trong những dàn nhạc hàng đầu thế giới tại Hà Nội, thay vì những lời nói xã giao như thường lệ, một quan khách của đại sứ quán phát biểu bắt đầu bằng nỗi lo sợ: “Tôi thực sự rất ái ngại sẽ có những tiếng chuông điện thoại, những ánh đèn flash làm ảnh hưởng tới nghệ sĩ. Tôi cầu xin các bạn đừng để điều đó xảy ra”.

Vậy nhưng, giống như nhiều chương trình hòa nhạc khác, lời cầu xin của ông trở thành… vô vọng. Không gian của thánh đường nghệ thuật không ít lần bị phá vỡ bởi những tiếng chuông điện thoại kêu réo, tiếng người lớn nói chuyện ồn ào, tiếng trẻ con la hét... Người viết nhớ cách đây hai năm, trong đêm trình diễn của dàn nhạc đẳng cấp thế giới Berliner Symphoniker tại Hà Nội, nhạc trưởng Lior Shambada nhiều lần nhíu mày khó chịu khi liên tục nghe thấy âm thanh “tạch, tạch” phát ra từ những chiếc máy ảnh. Nhưng dường như những tay máy (cố tình) không nhận ra, đến nỗi vị nhạc trưởng không thể kiên nhẫn thêm, ông quyết định dừng chương trình lại ít phút để nhắc nhở.

Mang trẻ con đi xem kịch người lớn

Buổi ra mắt vở kịch tâm lý xã hội “gắn mác” dành cho người lớn, các bậc phụ huynh vẫn vô tư đưa con đi theo. Nhìn thấy một cặp vợ chồng đi cùng hai con nhỏ, người viết quay lại hỏi sao lại đưa trẻ con đi xem kịch người lớn, người mẹ trả lời ráo hoảnh: “Để con ở nhà chẳng có ai trông, mà lại xin được 4 vé mời nên tiện cho đi luôn”. Vở kịch bắt đầu, phía dưới hai đứa trẻ thi nhau nói chuyện léo nhéo, rồi nhai bánh kẹo rau ráu. Đến lúc trên sân khấu có cảnh hai người ôm hôn nhau, hai đứa trẻ ngẩn ngơ thắc mắc không hiểu chuyện gì đang xảy ra thì bà mẹ mới chịu đưa con ra ngoài.

Lại có chuyện buồn... cười ra nước mắt. Trên sân khấu, diễn viên đang nhập tâm lột tả nỗi đau khổ của nhân vật, phía dưới khán giả cũng lặng im chìm vào cảm xúc, thì bỗng ở đâu vang lên tiếng cười trẻ con khanh khách. Sắc mặt của diễn viên đột nhiên thay đổi, may là diễn viên kịp định thần lại và diễn tiếp.

Vô tư lên sân khấu tặng hoa, dúi tiền

Hiếm nơi nào như ở VN, có rạp chiếu phim cứ trước mỗi suất chiếu lại phát clip nhắc nhở khán giả giữ trật tự, tắt điện thoại khi xem phim. Vậy mà, có lúc người ta vẫn nghe thấy tiếng người nói chuyện điện thoại át cả tiếng nhân vật trên phim. Người bên cạnh chỉ biết chép miệng ngao ngán. Lại còn chuyện nhiều chương trình ca nhạc được tổ chức xô bồ. Ca sĩ đang say sưa hát thì bỗng ở đâu một khán giả chạy lên sân khấu bê bó hoa tặng, rồi lấy tiền dúi vào tay để... thưởng.

 Khán giả chen lấn xin chữ ký ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng  - Ảnh: Ngọc Thắng
Khán giả chen lấn xin chữ ký ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng  - Ảnh: Ngọc Thắng

Những thói xấu này bắt nguồn từ đâu? Thực ra, nhiều người Việt vẫn giữ thói quen thưởng thức nghệ thuật miễn phí, tức là chỉ đi xem khi có giấy mời. Lại có nhiều người sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng mua vé để nghe nhạc hàn lâm, chỉ có điều đi để cho oai, được cái tiếng “thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao”, được chụp tấm ảnh tự sướng đưa lên Facebook với thiên hạ mà thôi. Cũng có người đi xem cùng bạn cùng bè cho… vui. Số còn lại, những người đi xem với tâm thế thưởng thức nghệ thuật như một nhu cầu thỏa mãn bản thân thì chưa nhiều.

Ngày xưa người Việt thường hay nghe hát, xem diễn ở đình làng, góc chợ, thích thì đến xem, không thích thì bỏ đi, người ngồi người đứng, người vừa xem vừa trò chuyện rôm rả, người chạy ra cho tiền. Đó là những nếp quen tồn tại trong sinh hoạt đời sống và văn hóa của người Việt trong suốt nhiều thế kỷ. Có lẽ chúng ta vẫn đang chật vật tiếp nhận “văn hóa nhà hát” du nhập từ phương Tây nhưng cần phải thay đổi để phù hợp với nếp sống văn minh.

Đi trễ, xin mời về !

Những thói xấu của khán giả Việt đã tạo thành vệt đen trong mắt người nước ngoài.

Bởi thế không phải là vô cớ mà trong buổi ra mắt vở kịch All my sons (Tất cả đều là con tôi), dự án phối hợp giữa Đại sứ quán Mỹ và Nhà hát Tuổi Trẻ, phía đại sứ quán đã đưa ra yêu cầu: Không cho khán giả vào nhà hát khi vở diễn đã bắt đầu và khán giả tuyệt đối không được mang trẻ em đi kèm.

Những yêu cầu này được thực hiện rất nghiêm ngặt. Cánh cổng nhà hát khóa chặt, khiến rất nhiều người đành ngậm ngùi đứng ngoài dù đi muộn một vài phút. Nhờ vậy trong buổi diễn hôm đó, nghệ sĩ và cả khán giả mới được thăng hoa giữa không gian nghệ thuật thật sự nghiêm túc.

Ý KIẾN

Dạy đạo đức từ nhỏ

Ai cũng biết dạy đạo đức và ý thức khi còn nhỏ là dễ nhất, bậc tiểu học rất quan trọng. Còn kiến thức thì nên tập trung ở những cấp học cao hơn. Nhưng ở VN thì có lẽ ngược lại, nhìn các cháu cấp tiểu học đi học với cái cặp to đùng thấy mà thương.

Học
(gvtranvanhocbr@yahoo.com)

Người lớn phải làm gương

Dạy trẻ biết sống thật thà, trung thực nhưng tiếp xúc với người lớn thường thấy việc dối trá, tranh giành mọi lúc mọi nơi từ chuyện hằng ngày như xếp hàng khi mua vé, mua hàng tới việc chạy chọt đủ thứ trên đời thì làm sao trẻ lớn lên sống thật thà, trung thực được?

NNBICH
(nnbichjsc@gmail.com)

Cần cả xã hội chung tay

Chỉ chú tâm giáo dục thế hệ trẻ không thôi thì có lẽ không đủ, vì đây là một vấn đề chung nên toàn xã hội phải cùng làm. Yếu tố xã hội theo tôi đóng vai trò chủ đạo. Nhà nước phải có luật đúng đắn, tạo điều kiện để thực hiện, người dân phải có ý thức trách nhiệm cộng đồng thì mới có thể thành công được. Về lâu dài, người dân tự quản lý vấn đề này là cách thức tốt nhất, ví dụ như ở Đức hay nhiều nước khác trên thế giới hiện nay.

Anh Vũ
(anh-vu@gmx.de)

Phải làm từ bây giờ

Phải bắt đầu từ việc xác định các giá trị. Nếu thế hệ đi trước xấu xí, tệ hại thì đừng hy vọng thế hệ sau tốt đẹp hơn. Còn  lâu! Phải làm từ bây giờ.

Đỗ Văn Sơn
(sdovanson@yahoo.com.vn)

Đề xuất xác đáng,thiết thực

Tác giả đã phân tích và đưa ra những đề xuất xác đáng, rất thiết thực. Mong rằng từ những bài viết này, Báo Thanh Niên sẽ có cách phát động phong trào xây dựng tính cách đẹp cho người Việt. Đồng thời nên phổ biến và tăng cường các bài báo có nội dung tương tự nhằm góp phần thúc đẩy các cơ quan nhà nước tiếp thu và quan tâm đến việc xây dựng các thể chế cần thiết cho việc tạo ra nếp sống mới cho người Việt.

Hai Cua
(trexanhxanh@ymail.com)

Tấn Tú
 (tổng hợp)

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.