Không để người Việt mang tiếng xấu - Kỳ 3: Bi kịch tiệc tùng

13/08/2014 02:20 GMT+7

“Vui lòng mang theo thiệp mời khi đến dự. Trang phục trang trọng. Thiệp dành cho 1 người. Không kèm theo trẻ em”.

“Vui lòng mang theo thiệp mời khi đến dự. Trang phục trang trọng. Thiệp dành cho 1 người. Không kèm theo trẻ em”.

Người dân xả rác bừa bãi sau khi dự lễ ở chùa Phúc Khánh (Hà Nội) - Ảnh: Ngọc Thắng
Người dân xả rác bừa bãi sau khi dự lễ ở chùa Phúc Khánh (Hà Nội) - Ảnh: Ngọc Thắng

Tôi từng nhận một thiệp mời có in những dòng chữ như trên bằng tiếng Anh và Việt của một thương hiệu nổi tiếng. Sở dĩ thiệp mời phải in bằng hai thứ tiếng vì ngoài khách ta còn có khách Tây. Họ mời đến một nhà hàng sang trọng, có trải thảm đỏ, không gian lộng lẫy giống như Hollywood trao giải Oscar vậy.

Sau khi kết thúc chương trình, tôi mới hiểu ra tại sao nhà tổ chức phải ghi câu “Không kèm theo trẻ em” trong thiệp mời. Đó là chương trình dành cho người lớn, vì sản phẩm được giới thiệu trong buổi tiệc là một loại rượu chứ nào phải sữa tươi và các show diễn phục vụ quan khách cũng không phù hợp với thiếu niên nhi đồng. Ấy vậy mà một số bậc cha mẹ vô tư dắt con nhỏ đến dự, rồi để con chạy lăng quăng, la hét ầm ĩ - điều mà lẽ ra không nên xảy ra.

Và tôi thông cảm cho nhà tổ chức buổi tiệc tối hôm đó vì số lượng khách đến dự đã vượt quá số người được mời. Nhà hàng phải kê thêm một số bàn (đồng nghĩa với việc nhà tổ chức phải chi thêm một số tiền) cho những vị khách đến trễ hoặc… không mời mà tới. Có thể nhiều người đã không nhìn thấy câu “Thiệp dành cho 1 người”, hoặc cũng có thể đọc thấy rồi nhưng… coi như không, vẫn 1 kèm 1 (chồng dắt thêm vợ, vợ mang chồng theo, bạn gái đi với bạn trai, bồ bịch đi với nhau…) thậm chí 1 kèm 2 (hai vợ chồng kèm theo đứa con) hoặc 2 kèm 1 (2 chàng rủ thêm 1 người bạn) đến dự tỉnh queo. Làm ăn ở VN lâu ngày hầu như doanh nghiệp nước ngoài nào cũng ít nhất một lần trải qua “kinh nghiệm thương đau”, “cắn răng chịu đựng” trong những trường hợp như vừa kể.

Cái câu “Vui lòng mang theo thiệp mời khi đến dự” bao hàm nhiều ý nghĩa. Trước hết, đó là việc tổng kết số khách đến tham gia chương trình so với số thiệp đã phát ra, để biết được sự quan tâm của khách đối với công ty mình. Thứ hai, thường những chương trình như vậy đều có quà tặng cho khách, mỗi thiệp mời sẽ được ban tổ chức trao cho 1 phiếu nhận quà lúc đến dự và khách đưa lại cho tổ tiếp tân để nhận 1 phần quà lúc ra về. Phần này coi vậy chứ cũng nhức cái đầu không thua gì chuyện buộc phải kê thêm bàn ghế. Có lần dự một buổi họp mặt nhân dịp xuân về tết đến, cô bạn phụ trách quan hệ đối ngoại của công ty tổ chức buổi gặp gỡ thành khẩn xin lỗi tôi và một vài đồng nghiệp về chuyện… hết quà tặng! Cô méo mặt giải thích về sự cố xảy ra ngoài ý muốn rằng có một số “khách không mời mà đến” đã chủ ý tranh thủ về trước để nhận quà… Chuyện phát phiếu nhận quà tuy có vẻ không được “văn minh” cho lắm nhưng nó rất cần thiết trong việc giúp nhà tổ chức đỡ bối rối trong thời buổi vàng thau lẫn lộn, thật giả khó lường.

Ở buổi tiệc nói trên, ai cũng ăn mặc tao nhã, đẹp, nhất là quý bà quý cô, không khác gì đi dự tiệc cưới. Trong một không gian sang trọng và lịch thiệp như vậy, nếu ăn mặc lôi thôi lếch thếch thì chắc cũng “chẳng chết thằng Tây nào”, nhưng nó sẽ biến bạn thành một kẻ “lập dị”, “hổng giống ai”. “Trang phục trang trọng”, có lẽ đây là điều duy nhất được khách khứa chấp hành nghiêm túc theo thư mời. Nhưng chừng ấy thôi làm sao bù đắp cho những khiếm khuyết mà người ta yêu cầu, in rõ ràng lên thiệp? Suy cho cùng, ăn mặc sang trọng cũng chưa chắc đã là một người văn minh, giống như bạn ngồi trong một chiếc siêu xe đời mới mà lại cố tình vượt đèn đỏ vậy.

Những thói quen bị “dị ứng”

Một hướng dẫn viên du lịch (xin giấu tên) sau nhiều năm trong nghề đã liệt kê những hành vi khi ăn uống của người Việt hay bị người nước ngoài “dị ứng”:

- Không chịu dùng muỗng, nĩa chung để lấy thức ăn mà cứ điềm nhiên chọc đũa, muỗng của mình vào phần thức ăn chung.

- Ăn ít, bỏ phí nhiều. Chưa có thói quen gói thức ăn thừa đem về nhà sử dụng tiếp.

- Vứt bừa xương xẩu, giấy lau xuống sàn nhà.

- Nói to và nhiều trong khi ăn.

- Dễ dàng quát mắng, nạt nộ nhân viên phục vụ khi chưa được phục vụ vừa ý.

L.K
(ghi) 

Ý KIẾN

Dứt khoát phải xử nặng

Thói quen xấu của người Việt suy cho cùng được hình thành từ 2 nguyên nhân: thiếu ý thức tự giác và xã hội thực thi pháp luật chưa nghiêm. Nơi các thành phố lớn được xem là văn minh mà ở ngã ba, ngã tư nếu không có công an thì cứ 10 người sẽ có khoảng 3 đến 5 người vượt đèn đỏ. Thanh thiên bạch nhật còn vậy, huống hồ những chỗ không có ai thì mức độ vi phạm còn nghiêm trọng hơn. Ngoài việc tuyên truyền giáo dục thường xuyên, dứt khoát phải có chế tài và xử phạt thật nặng, bất kể người đó là ai.

Nguyễn Văn Thảo
(thaoxuanthien1@gmail.com)

Mỗi người nên tự thay đổi

Để có được ý thức của một công dân trong cộng đồng và ngoài xã hội cần phải có một nền tảng giáo dục và đạo đức. Đọc bài báo, tôi cảm thấy quá xấu hổ vì lâu nay mình cũng quá xuề xòa. Mong rằng từ đây, mọi người hãy bắt đầu thay đổi bản thân của chính mình theo chiều hướng tốt, rồi đến gia đình mình, bạn bè và người thân quen của mình. “Góp gió thành bão”. Chúng ta cùng chung tay xây dựng lại hình ảnh người VN đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Hãy làm một người Việt hiện đại đáng được tôn trọng ở mọi lúc, mọi nơi chứ không phải “hổ thẹn” như hiện nay.

Lê Minh
(leminhvn_man@yahoo.com.vn)

Giáo dục hành vi từ nhà trường

Theo tôi thì ngay bây giờ chúng ta phải xem việc giáo dục về nhân cách, đạo đức, ý thức về hành vi ứng xử cho học sinh trong nhà trường là bắt buộc và cực kỳ quan trọng. Phải dạy cho các em học những điều nhỏ nhặt trước khi làm điều gì lớn hơn.

Antonio Le
(antonioletran@gmail.com)

Người lớn phải làm gương

Thói quen thường được hình thành trong một thời gian dài. Trẻ em nhìn gương ba mẹ, người lớn xung quanh và anh chị để bắt chước. Ba mẹ vứt rác ngoài đường thì con cũng vứt rác, ba mẹ khạc nhổ lung tung thì con cũng khạc nhổ. Vì vậy, từ cha mẹ đến xã hội và nhà trường phải bắt đầu loại bỏ những điều đơn giản như vậy.

Minh Doan
(vnsummerrain@yahoo.com)

Phải biết tự trọng

Chúng ta có rất nhiều đức tính tốt như tiết kiệm, cần cù siêng năng, sống đạo đức... nhưng cái tốt ngày càng dần rời xa. Thanh niên ngày nay một số tiếp thu từ gia đình truyền thống nên vẫn giữ được nền nếp, một số tiếp thu văn minh nước ngoài có chọn lọc vẫn là niềm đáng tự hào. Nhưng có không ít “con sâu làm rầu nồi canh”, chúng ta phải tìm mọi cách để khắc phục “điểm yếu” của người Việt. Tôi mong mọi người VN hãy biết sống có trách nhiệm với bản thân, dân tộc và tổ quốc mình. Nếu cả cộng đồng quyết tâm thì sẽ làm được, hãy biết tự trọng để người Việt không xấu nữa.

Châu Mỹ
(chaungocmy@gamil.com.vn)

Lê Công Sơn
(thực hiện)

Đoàn Xuân Hải

>> Người Việt xấu xí - tại sao?
>> Người Việt đang rất xấu - Kỳ 2: Thói xấu của du học sinh Việt
>> Người Việt đang rất xấu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.