Nước cờ sai lầm của Trung Quốc

24/05/2014 09:00 GMT+7

Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) vào vùng biển Việt Nam là một tính toán sai lầm, lợi bất cập hại.

 
Giàn khoan Hải Dương-981 đang gây bất lợi tức thời lẫn về lâu dài cho chính Trung Quốc - Ảnh: News.cn

>> Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị pháp lý với Hoàng Sa và Trường Sa
>> Tàu kiểm ngư tiến sâu, gây áp lực buộc Trung Quốc sớm rút giàn khoan
>> Trung Quốc bắn thử nghiệm tên lửa ngay khi đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam
>> Vụ giàn khoan Hải Dương-981: Mỹ ủng hộ Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Mong muốn có hòa bình nhưng phải đảm bảo được toàn vẹn lãnh thổ


Clip: Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam tiếp tục đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép (VTV)

Đó là nhận định được đưa ra trong bài viết trên trang tin Asia Sentinel, có trụ sở tại Hồng Kông. Theo bài viết, bước đi đơn phương, phi pháp nói trên không chỉ ảnh hưởng quan hệ với VN mà còn khiến Trung Quốc (TQ) phải gánh chịu làn sóng chỉ trích của cộng đồng quốc tế đồng thời càng khắc sâu “nỗi sợ về hiểm họa TQ” tại Đông Nam Á.

Theo bài viết, khả năng giàn khoan Hải Dương-981 tìm thấy dầu tại khu vực đang hạ đặt trái phép rất mong manh. Trong khi đó, chuyên gia Yenling Song của Công ty Platts Energy (Singapore) cho biết Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đang phải bỏ ra 328.000 USD (gần 7 tỉ đồng)/ngày để duy trì hoạt động của giàn khoan. Vì thế, vị trí đặt giàn khoan được chọn vì lý do chính trị nhiều hơn là kinh tế. Mặt khác, Asia Sentinel khẳng định sẽ không có tòa án quốc tế nào chấp nhận việc giàn khoan Hải Dương-981 hiện diện trong vùng biển VN là bằng chứng cho tuyên bố chủ quyền của TQ đối với Hoàng Sa.

Chia rẽ ASEAN bất thành

Tác giả bài viết, ông Bill Hayton, phóng viên Đài BBC phụ trách địa bàn VN trong giai đoạn 2006 - 2007, chỉ ra rằng sau khi TQ gây hấn với Philippines liên quan tới bãi cạn Scarborough năm 2012, Hội nghị ASEAN tại Campuchia vào tháng 7 năm đó đã không thể đưa ra thông cáo chung. Theo ông, TQ đã không thể đạt được ý định tương tự với hành vi hạ đặt giàn khoan phi pháp trong vùng biển VN vì tại đợt hội nghị cấp cao mới đây ở Myanmar, ASEAN đã ra thông cáo chung lịch sử bày tỏ quan ngại về tình hình biển Đông. Các thành viên của khối không liên quan trực tiếp tới tranh chấp trên biển Đông như Indonesia và Singapore đều lên tiếng về vụ việc. Gần đây nhất, các bộ trưởng quốc phòng ASEAN ngày 20.5 đã cùng kêu gọi TQ tuân thủ những điều khoản trong bản hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

“Nếu TQ hy vọng cô lập VN và gây chia rẽ ASEAN thì họ đã thất bại. ASEAN đã nổi lên với tinh thần đoàn kết và cảnh giác hơn bao giờ hết với những ý định của TQ”, ông Hayton, người có nhiều tác phẩm nghiên cứu về VN và Đông Nam Á, viết trên Asia Sentinel.

Nhằm vào COC

Theo bài viết trên Asia Sentinel, cũng có thể xem hành động hạ đặt trái phép giàn khoan của TQ trong vùng biển VN còn nhằm gây sức ép về vấn đề soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). ASEAN và nhiều bên khác hy vọng văn kiện này có thể giúp giảm căng thẳng, ngăn chặn những hành vi đơn phương trên biển, nhưng TQ lại không mấy hào hứng với nó. Tuy nhiên, chính những diễn biến liên quan đến vụ giàn khoan sẽ càng khiến ASEAN quyết tâm tiến tới một COC mang tính ràng buộc, nhằm ngăn chặn tái diễn các hành vi tương tự.

Bài viết của ông Hayton kết luận các hành động của TQ với giàn khoan Hải Dương-981 và những diễn biến kéo theo cho thấy nước này đã thất bại trong mục tiêu đối ngoại lớn ở khu vực. Hình ảnh “cường quốc đang lên có trách nhiệm và thân thiện” mà TQ cố công xây dựng đã méo mó đi rất nhiều. Các nước láng giềng ngày càng tỏ ra khó chịu, lo ngại và xa lánh TQ, cũng như có thêm lý do mới để đón nhận nỗ lực xoay trục của Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương. Như báo Nhật Yomiuri Shimbun bình luận, hành vi tư lợi của TQ chỉ có tác dụng “châm ngòi xung đột lãnh thổ” tại vùng biển chiến lược của thế giới.

Lại bóp méo sự thật

TQ liên tục có những luận điểm vu cáo VN liên quan đến những diễn biến căng thẳng ở biển Đông. Gần đây nhất là bức thư của phát ngôn viên Đại sứ quán TQ tại Anh Miêu Đắc Vũ gửi đến báo Financial Times để phản hồi bài xã luận mang tên Calm the waters of southeast Asia (tạm dịch Làm dịu vùng biển Đông Nam Á) đăng ngày 13.5.

Trong thư, ông Miêu đã bóp méo sự thật khi cáo buộc VN “toan tính phá rối” hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 bằng cách “cố tình đâm vào các tàu của TQ”. Thực tế, các tàu vũ trang hộ tống bảo vệ giàn khoan rất hung hãn bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của VN, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương. Phát ngôn viên họ Miêu còn ngang ngược tuyên bố quần đảo Hoàng Sa là một phần “không thể tách rời” của TQ, và rằng “không có tranh chấp” liên quan đến quần đảo này. Trong khi đó, sự thật lịch sử không thể chối cãi là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN và bị TQ chiếm đóng phi pháp từ năm 1974.

Ông Miêu cũng viết trong thư rằng TQ tiếp tục làm việc với các nước ASEAN nhằm thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Tuy nhiên, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định trong cuộc phỏng vấn với truyền thông quốc tế mới đây, “những gì mà TQ đang làm khác rất xa những gì mà TQ nói” và những hành động của nước này tại biển Đông “đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới”.

Trùng Quang

>> Tàu kiểm ngư tiến sâu, gây áp lực buộc Trung Quốc sớm rút giàn khoan
>> Tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép cạnh giàn khoan Hải Dương-981
>> Trung Quốc bắn thử nghiệm tên lửa ngay khi đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam
>> Vụ giàn khoan Hải Dương-981: Mỹ ủng hộ Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế
>> Vụ đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương-981: Chuyện những tấm đệm của tàu Hải cảnh Trung Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.