Trục vớt gốc huê 'khủng' do dân phát hiện

27/02/2014 03:00 GMT+7

Chiều 26.2, gốc huê rất lớn ở ngầm Troóc, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình đã được kéo lên bờ sau nhiều nỗ lực của lực lượng địa phương.

Trục vớt  gốc huê 'khủng'  do dân phát hiện

Gỗ huê lớn đang trong quá trình trục vớt
- Ảnh: T.Q.N

Như Thanh Niên đã thông tin, gốc huê do hai cha con ông Nguyễn Văn Thời và Nguyễn Quang Huy (cùng ở xã Phúc Trạch) phát hiện. Từ tối 24.2 đến sáng 25.2, hàng trăm người đã đổ về khu vực ngầm Troóc, đoạn sát với đường Hồ Chí Minh nhánh tây để theo dõi và tìm huê sau khi nghe tin có người phát hiện gỗ huê dưới suối. Lực lượng chức năng cũng nhanh chóng có mặt bảo vệ hiện trường và tìm phương án xử lý.

Vỡ đập, đứt cáp…

 

Sẽ tiến hành đấu giá

Chiều cùng ngày, gốc huê được đưa về kho của Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch quản lý để chờ tiến hành các thủ tục đấu giá. Trả lời PV Thanh Niên, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình Đặng Minh Hùng cho biết, vụ việc được tỉnh giao cho huyện trực tiếp xử lý.

Trong khi đó, sau khi có các số liệu đo được, một thương lái đánh giá gốc huê có thể nặng đến hơn 1,3 tấn.

Từ chiều 25.2, cơ quan chức năng đã tìm cách đưa gốc huê lên bờ, nhưng đến tối vẫn chưa xong nên phải triển khai lực lượng phối hợp lên đến gần 100 người gồm công an và kiểm lâm trực chiến bảo vệ suốt đêm.

Đến sáng qua, phương án mới được triển khai là thuê thêm một máy xúc, múc đất lấp chắn ngang dòng suối, đồng thời mở một dòng chảy khác theo hướng vòng qua vị trí dòng cũ. Sau đó, cả 2 máy xúc cùng xuống suối hợp lực kéo gốc lên. Nhiều lần kéo nhưng dây xích đều bị bung đứt khiến tình hình thêm căng thẳng. Trong lúc đó, đập ngăn suối bất ngờ bị vỡ, nước xối tràn xuống buộc 2 xe máy xúc phải lùi vào bờ. Mọi việc lại phải tiến hành lại từ đầu. Một xe xúc đắp lại đập chắn, một xe nới rộng dòng chảy phụ.

Khi chiếc xe reo hạng nặng được điều tới, chủ xe khẳng định nếu gốc huê “đã có dấu hiệu nhúc nhích thì sẽ kéo lên được”. Nhưng sau 4 cú giật, gốc huê vẫn im lìm cách mặt nước chỉ chừng 50 cm. Cáp bị đứt, xe reo đành phải lùi lại để xử lý. Cả người theo dõi lẫn lực lượng chức năng đều căng thẳng.

“Chưa có gốc huê nào lớn như vậy”

Sau khi đã ngăn dòng suối lần thứ 2 và mở rộng dòng chảy phụ, 2 máy xúc tiếp tục đắp đất mở đường tiến ra vị trí có gốc huê phía bờ suối bên kia. Lần này, máy xúc đổ đất bao quanh vị trí gốc huê và tiến hành tát cạn nước. Sau khi gốc huê lộ diện gần hết, 2 máy xúc hợp lực xúc lên. Khi gốc huê được đưa lên, nhiều người tỏ ra kinh ngạc vì nó quá lớn. Với gốc cây này, nếu là loại gỗ thường cũng đã là hàng “khủng”. Những người dân trong vùng sống bằng nghề rừng, đã từng chứng kiến nhiều cây, gốc huê lớn nhưng chưa có gốc nào lớn đến như vậy. Đến chiều tối cùng ngày, dân vùng Troóc vẫn chưa hết bàn tán, xôn xao về gốc huê. Thậm chí thương lái huê đã chi tiền trước cho cha con ông Thời cũng ngạc nhiên vì gốc huê “khủng”.

Một lái huê có nghề phân tích với PV Thanh Niên: “Huê đắt nhưng giá tùy theo từng loại hàng. Vân càng đẹp, mặt càng lớn thì giá càng cao; mu huê (phần sần sùi nhô ra trên thân cây) và gốc cũng liệt vào hàng giá cao. Với gốc vừa đưa lên thì có lẽ được tính tột giá các khung vì độ lớn và độc. Nó sẽ được sử dụng làm bàn nguyên gốc, ai mà sử dụng cái bàn huê đó thì quả là có một không hai, giá nó sẽ được tính ở chỗ đó. Với gỗ khác ngâm nước thì giữ gỗ nhưng vì huê quan trọng ở mùi nên hạn chế của gốc là ngâm nước lâu ngày dễ bị mất mùi. Vì thế, nếu ở trên cạn thì giá có thể mười mấy tỉ đồng nhưng giờ chỉ chừng trên 5 tỉ đồng”. 

Trương Quang Nam

>> Vụ 'gỗ huê tiền tỉ dưới lòng suối': Có thể là một gốc huê đại thụ
>> Vụ 'gỗ huê tiền tỉ dưới lòng suối'': Ngăn suối, mở dòng, kéo gỗ huê
>> Dân phát hiện gỗ huê 'khủng' dưới suối
>> Người phát hiện gỗ huê nhận gần 1 tỉ đồng tiền mặt
>> Tìm phương án trục vớt gỗ huê tiền tỉ dưới suối
>> Nghe tin phát hiện gỗ huê, hàng trăm người đổ xô tìm kiếm  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.