Sống cùng máu, mủ và vi rút - Kỳ 3: Gặp tác giả ‘bí kíp’ cấp cứu dành cho điều dưỡng

28/02/2014 08:45 GMT+7

(TNO) Được dịp trực cùng y, bác sĩ tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy nhiều lần, bản thân người viết được chứng kiến cảnh làm việc hết công suất và đầy áp lực của các điều dưỡng. Với họ, tử thần là kẻ thù số 1, và bệnh nhân còn hơn người thân trong gia đình.

(TNO) Có trực cùng y, bác sĩ tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) nhiều lần mới được chứng kiến cảnh làm việc hết công suất và đầy áp lực của các điều dưỡng. Với họ, tử thần là kẻ thù số 1, và bệnh nhân còn hơn người thân trong gia đình.

>> Sống cùng máu, mủ và vi rút - Kỳ 2: Chạy đua với dịch bệnh, tự ái với... phong bì
>> Sống cùng máu, mủ và vi rút - Kỳ 1: Bở hơi tai ở bệnh viện tâm thần

Người luôn sống cùng máu, mũ và virus
Điều dưỡng Vũ Thị Thanh Hương đã soạn giáo án cấp cứu cho điều dưỡng bằng kinh nghiệm 17 năm trong nghề

Giành giật sự sống

Vừa bước vào Khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy, chúng tôi kịp chứng kiến cảnh các điều dưỡng và bảo vệ vừa cố định vừa khiêng một bệnh nhân đang giãy giụa trên cáng đến phòng cách ly. Đây là bệnh nhân bị phê thuốc gây nghiện nên khi vừa đưa vào cấp cứu đã la hét làm các bệnh nhân khác hoảng sợ. Sau khi bệnh nhân đã ổn định, các điều dưỡng mới thở phào tiếp tục công việc.

Chương trình của chị Hương rất bổ ích vì chị Hương vừa đưa các bệnh lâm sàng hay gặp ở cấp cứu và nhắc lại các kiến thức. Ngoài ra, từ các tình huống giao tiếp được chị Hương hướng dẫn, chúng tôi nói chuyện với bệnh nhân, người nhà cũng mềm mỏng hơn

Điều dưỡng Đoàn Trần Khoa Em (32 tuổi), khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy

“Làm ở Khoa Cấp cứu gặp những ca bệnh như vậy rất thường xuyên. Cái khó của y, bác sĩ làm ở khoa là bệnh ở rất nhiều chuyên khoa, bệnh nhân cũng thuộc mọi tầng lớp, đia vị xã hội nên công việc của điều dưỡng vì thế rất cực, phải xử lý rất nhiều vấn đề từ giao tiếp đến thủ tục hành chính, đôi khi còn động đến cả pháp lý”, điều dưỡng Vũ Thị Thanh Hương nói.

17 năm làm ở Khoa Cấp cứu, điều dưỡng Thanh Hương chứng kiến và trực tiếp xử lý nhiều tình huống như thế. Chị nhận thấy điều cần thiết điều dưỡng phải có kiến thức và cách ứng xử hợp lý đối với tất cả bệnh nhân, người nhà.

“Không chỉ giải quyết bệnh lý, người điều dưỡng còn phải xử lý cả vấn đề tâm lý của bệnh nhân và người nhà vì ai cũng muốn được làm nhanh, đươc cấp cứu kịp thời”, chị chia sẻ.

Năm 2005, với tâm huyết và quyết tâm cùng kinh nghiệm có được từ thực tế, chị Hương bắt đầu xây dựng chương trình, như một bí kíp nghề nghiệp, hướng dẫn cho điều dưỡng ở khoa cấp cứu biết phải làm những gì. Chị vận dụng vốn kiến thức, kỹ năng có được cùng với việc tích cực đọc sách để bắt đầu những trang đầu tiên. Ngoài những giờ trực ở khoa, chị dành hết thời gian soạn “giáo án”. Sau khi hoàn thành cơ bản, chị đưa chương trình đã làm đến bác sĩ Tôn Thất Quỳnh Ái, lúc đó là Trưởng khoa Cấp cứu xin góp ý để hoàn thành “giáo án” của mình.

Vậy là, tất cả tâm huyết 17 năm trong nghề chị đã hiện thực hóa bằng các trang sách với đầy đủ các vấn đề hướng dẫn trong quy trình tiếp nhận bệnh, thủ tục hành chính, việc vận chuyển, hồi sức bệnh nhân thông qua tình huống gặp phải, cách thức giao tiếp với người nhà bệnh nhân để nhận được sự hợp tác của họ, xử trí vết thương bệnh nhân..

Từ khi thiết kế xong chương trình, chị Hương bắt đầu chỉ lại bài cho các em điều dưỡng trong khoa. Trong vòng 2 năm, từ năm 2005 đến năm 2007, đã giảm nhiều ca tử vong đáng tiếc.

Năm 2010, BV Chợ Rẫy quyết định để chị đưa “giáo án” vào giảng dạy tại trung tâm đào tạo của BV cho các điều dưỡng của Khoa Cấp cứu, sinh viên các trường có ý định tìm hiểu và một số điều dưỡng ở các BV tuyến dưới. Một năm các điều dưỡng sẽ được học 6 buổi, sau đó sẽ được thi để cấp chứng chỉ.

Người luôn sống cùng máu, mũ và virus

Người luôn sống cùng máu, mũ và virus
Các điều dưỡng sơ cứu bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy

Người y tá, người thầy tận tụy

Sau gần 4 năm với các bài giảng sinh động, rất nhiều điều dưỡng đã có thêm hành trang, kỹ năng để cấp cứu tốt hơn cho bệnh nhân. “Sau khi điều dưỡng ở khoa học xong, việc áp dụng vào thực tế hiệu quả lắm. Không còn những buổi liên tục phải kiểm điểm, nhắc nhở, xử lý kiện cáo. Các em điều dưỡng làm nhanh, chuyên nghiệp và trở nên rất độc lập với bác sĩ”, chị hào hứng nói.

Trong các ca cấp cứu, điều dưỡng phải làm công việc nhanh gọn, chính xác. Khi học, điều dưỡng sẽ biết bác sĩ sẽ thử xét nghiệm gì, nên điều dưỡng sẽ lấy giấy trước để đỡ mất thời gian. “Ví dụ đối với một ca bệnh, điều dưỡng sẽ biết ca này chắc chắn bác sĩ sẽ cho siêu âm lại, thử máu lại. Đây chính là khả năng đánh giá bệnh nhân của điều dưỡng, điều này giúp các bác sĩ làm việc nhanh hơn và không bị rối”, chị Hương phân tích.

Người luôn sống cùng máu, mũ và virus

Chị cũng dẫn ra một tình huống khi điều dưỡng phải đối mặt với nguy cơ “gây chiến” từ thân nhân người bệnh. Đó là một bệnh nhân bị đâm khi đưa vào BV đã tử vong, nhưng người đưa vào cứ cầm một con dao đến trước điều dưỡng bảo cho thở oxy đi. Lúc này, dù biết bệnh nhân đã chết nhưng điều dưỡng phải xử lý khéo léo cho thở oxy rồi tìm cách giải thích cho người nhà từ từ và huy động thêm bảo vệ, đồng nghiệp khác để kịp ứng phó.

“Điều dưỡng không thể nói với người đi cùng là bệnh nhân đã chết không cho thở nữa thì người kia rất dễ nổi nóng và xảy ra hậu quả đáng tiếc”, chị Hương phân tích.

Chính từ những đóng góp của chị, đến năm 2012, chị Thanh Hương được công nhận Thầy thuốc ưu tú. Tuy nhiên, chị chia sẻ: “Hơn 20 năm làm điều dưỡng, thấy kiến thức của mình có thể giúp được các em điều dưỡng làm tốt hơn công việc, nhận thấy hiệu quả rõ ràng trong công tác chăm sóc bệnh nhân, đối với tôi đó mới là niềm vui không thể diễn tả, là “quả ngọt” mà nghề mang lại”.

Chị cho tôi xem một tin nhắn của một sinh viên gửi lời chúc cho chị nhân ngày 20.11 và bảo, chị lưu tin nhắn này để mỗi lần đọc lại cảm thấy vui và có thêm động lực để làm tốt công việc và tìm tòi thêm.

Chị cũng trăn trở, nhiều điều dưỡng của Khoa Cấp cứu không có ý định gắn bó lâu dàu với khoa, khi có gia đình thì hầu hết họ đều chọn đến các khoa mới để có nhiều thời gian bên con, gia đình. Vì thế, những người mới về khoa lại phải tốn nhiều thời gian để họ có thể học thêm kiến thức, kỹ năng mới có thể làm tốt nghề được.

Bác sĩ Phạm Trí Dũng, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy:
Các điều dưỡng đã giúp đỡ cho bác sĩ rất nhiều

Điều dưỡng trưởng Vũ Thị Thanh Hương là người làm việc rất tích cực, hiệu quả. Chị cũng tham gia giảng dạy nhiều không chỉ cho điều dưỡng mà còn trong công tác chỉ đạo tuyến của BV.

Về chương trình học cho điều dưỡng cấp cứu mà điều dưỡng Hương áp dụng có những hiệu quả nhất định. Từ những kiến thức, kỹ năng này, các điều dưỡng giúp đỡ rất nhiều cho bác sĩ trong việc theo dõi bệnh, công tác hội chẩn hay làm các xét nghiệm cần thiết.  Do đó, góp phần giảm áp lực trong công tác cấp cứu đối với nhân viên y tế.

Bài, ảnh: Hà Minh

>> Điều dưỡng viên không thể cười vì... quá tải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.