Sống cùng máu, mủ và vi rút - Kỳ 2: Chạy đua với dịch bệnh, tự ái với... phong bì

27/02/2014 06:35 GMT+7

(TNO) Làm việc với những bệnh nhân bị bệnh truyền nhiễm, công việc của các điều dưỡng ở Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM lúc nào cũng căng như dây đàn.

(TNO) Làm việc với những bệnh nhân bị bệnh truyền nhiễm, công việc của các điều dưỡng ở Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM lúc nào cũng căng như dây đàn. Mỗi mùa dịch cúm hay sốt xuất huyết…, họ lại phải chạy đua trong cuộc chiến ngăn dịch bệnh hoành hành.

>> Sống cùng máu, mủ và vi rút - Kỳ 1: Bở hơi tai ở bệnh viện tâm thần

Người luôn sống cùng máu, mũ và virus
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tại khoa Nhiễm Việt Anh, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: Hà Minh

"Vắt chân lên cổ" mùa dịch cúm

Khoa Nhiễm D là nơi tiếp nhận các bệnh nhân nghi bị bệnh truyền nhiễm như cúm, sốt xuất huyết, sốt rét…và nhiệm vụ của các điều dưỡng ở đây là phải theo sát bệnh nhân để phát hiện bệnh trở nặng đột ngột kịp thời cấp cứu cho bệnh nhân.

Chị Trần Thị Diễm Thúy (45 tuổi), điều dưỡng trưởng khoa Nhiễm D chia sẻ, mỗi năm đến mùa dịch cúm là phải “vắt chân lên cổ” để lo chuẩn bị nhân lực, các trang thiết bị như đồ bảo hộ, bệnh nhân cúm thường phải được hỗ trợ hô hấp nên phải trang bị nhiều trong phòng hồi sức cấp cứu.

Làm ở ngành truyền nhiễm nên lúc nào cũng trong tư thế đối phó với dịch vì cứ qua tết là thời điểm dịch cúm bắt đầu xuất hiện, chưa kể đến một số ca nhỏ lẻ trong năm. Đến tháng 6 trở đi lại vào mùa sốt xuất huyết nên hầu như lúc nào, đội ngũ điều dưỡng cũng căng sức đối phó bệnh.

Chị Thúy nhớ lại các mùa dịch sốt xuất huyết, việc theo dõi sinh hiệu bệnh nhân rất quan trọng nên phải theo dõi liên tục. Có những bệnh nhân trở nặng nên đòi hỏi kinh nghiệm, nhận định của điều dưỡng. “Hồi ấy, có một ca nhìn rất bình thường, vẫn vui chơi được nhưng cứ uống vô là ói, tôi sờ tay thấy bàn tay bé lạnh ngắt thì khi đo huyết áp thấy bị kẹt biết bệnh đã nặng nên chuyển xuống khoa hồi sức”.

“Sốt xuất huyết có giờ vàng nếu không xử trí kịp thời bệnh nhân dễ rơi vào trạng thái sốc, lúc đó việc chống sốc sẽ khó khăn hơn nên điều dưỡng cần phải theo dõi sát bệnh nhân”, chị Thúy nói tiếp.

Chị Vũ Thị Kim Thoa (38 tuổi), điều dưỡng trưởng khoa Nhiễm Việt - Anh chỉ vào những bệnh nhân đang phải thở máy “trường kỳ” trong khoa vì mắc các chứng như lao màng não, sốt rét ác tính, nhiễm trùng cấp tính, cho biết, vì môi trường vô trùng nên chỉ có điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân mới được theo sát. Các điều dưỡng ở đây phải thay người nhà chăm sóc từ A đến Z cho bệnh nhân như vệ sinh hút đàm, phát hiện bệnh nhân co gồng hay không tiếp nhận thở máy đến việc lau người bệnh nhân sao cho không bị lở loét…

“Ở khoa này, nếu chỉ cần lơ đễnh, vì có nhiều tiếng kêu của máy, điều dưỡng không để ý thì rất dễ bỏ qua tình trạng nguy cấp cua bệnh nhân”, chị Thoa nói.

Thường đối với những bệnh nhân hay khạc đàm thông qua lỗ mở khí quản thì điều dưỡng sẽ đối mặt với nguy cơ lây mầm bệnh từ đàm của bệnh nhân. Vì thế, vừa chăm sóc tốt cho bệnh nhân, đồng thời điều dưỡng cũng phải tìm cách bảo vệ mình, tránh bị lây nhiễm từ người bệnh.

Người luôn sống cùng máu, mũ và virus
Lấy máu xét nghiệm cho bệnh nhân tại khoa Nhiễm D, BV Bệnh Nhiệt đới

Chiến đấu với tử thần

Những ngày đầu khi mới vào nghề, chị Thúy được phân về khoa uốn ván, những ca trực thấy bệnh nhân gồng lên đau đớn chị bị ám ảnh một thời gian. Nhưng sau đó, được cầm tay chỉ việc nên chị quen dần, ngay cả những lúc bệnh nhân khạc đàm nhiều thông qua lỗ mở khí quản giúp thở chị cũng không nao núng để vệ sinh đàm cho bệnh nhân.

Có những quy tắc hay các mẹo nhỏ để chăm sóc, hướng dẫn tốt cho bệnh nhân mà điều dưỡng thuộc nằm lòng. Chị lấy ra một ví dụ khi hướng dẫn cho bệnh nhân uốn ván sau hồi sức, những bệnh nhân này không được ăn cơm, cháo vì miệng khó mở lớn hoặc nếu nhai, nuốt sẽ có nguy cơ bị sặc. Nếu điều dưỡng không hướng dẫn kỹ thì khi ăn bị sặc sẽ rất nguy hiểm cho người bệnh.

Người luôn sống cùng máu, mũ và virus
Điều dưỡng là nghề vất vả bậc nhất ngành y

“May mắn của tôi là được làm ở các khoa được gọi là “đầu sóng ngọn gió” trong BV. Tôi học được kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân từ tiêu tiểu, ăn uống cho bệnh nhân đến cách tiếp xúc để tránh nguy cơ lây nhiễm...Chính những kỹ năng ban đầu này đã giúp tôi dần “chín nghề”, chị Thúy nói.

Đối với chị Thoa, niềm vui được góp sức cứu sống bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch là niềm vui lớn lao nhất. Chị Thoa kể lại trường hợp một bệnh nhân nữ còn rất trẻ  nhập khoa với chẩn đoán lao màng não rất nặng, hôn mê, suy hô hấp. Bệnh diễn tiến ngày càng xấu đi và phải thở máy lâu dài hơn 2 tháng, có những lúc tưởng chừng phải đầu hàng. Thế nhưng, qua một thời gian bệnh nhân dần hồi phục về tri giác, hô hấp. Rồi bệnh nhân được cai máy, tự thở bằng đường mũi, miệng. “Ngày bệnh nhân xuất viện, người nhà đến đón rơi nước mắt nắm lấy tay tôi và bảo cảm ơn đội ngũ y, bác sĩ vì đã đưa bệnh nhân về được với gia đình, với các con bệnh nhân, làm chúng tôi vô cùng xúc động”, chị Thoa nói.

"Mỗi lần ai đưa phong bì, tôi thấy có vẻ mình làm chưa tốt"

Cứ nhắc đến nạn phong bì trong bệnh viện thì lúc nào các điều dưỡng cũng bị đem ra “soi “đầu tiên, bởi đây là những người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà của họ. Cứ vào bệnh viện thì như mơ ước chung, ai cũng mong muốn điều dưỡng nở nụ cười, chích thuốc nhẹ tay một tí và động tác phải nhẹ nhàng khi di chuyển cùng người bệnh. Thế là “nạn phong bì” cũng xuất phát từ những mong ước ấy.

Điều dưỡng Trần Thị Diễm Thúy, khoa Nhiễm D, BV Nhiệt Đới cũng cho biết, chuyện người nhà đưa phong bì cho y, bác sĩ là có vì nhiều người muốn “mua” sự yên tâm khi người nhà mình điều trị trong BV.

Tuy nhiên, đối với bản thân chị cảm thấy rất khó chịu khi gặp phải tình huống này. Chị Thúy phân trần: “Mỗi lần người nhà đưa phong bì tôi có cảm giác như người nhà cảm thấy mình làm chưa tốt, họ chưa hài lòng về mình nên muốn đưa để mình làm tốt hơn. Điều này làm tôi rất tự ái. Gặp những tình huống này tôi nhất quyết không nhận vì tôi cảm thấy trong năng lực của mình tôi đã làm hết khả năng và nghĩ rằng đã làm tốt nhất cho bệnh nhân rồi”.

Ngoài ra, theo chị Thúy, việc đưa phong bì, quà cho nhân viên y tế làm nảy sinh tâm lý bất an, so sánh của những người nhà bệnh nhân khác vì họ nghĩ rằng mình cũng phải cố gắng đưa phong bì, quà thì nhân viên y tế mới làm tốt cho người nhà mình. “Điều này không chỉ tạo thành thói quen khi bệnh nhân vào BV mà còn làm nhân viên y tế trở nên xấu xí trong mắt mọi người”, chị Thúy chia sẻ.

“Bản thân tôi cho rằng, việc quan trọng là sự động viên, hành động của điều dưỡng chăm sóc người bệnh đừng để thân nhân nghĩ rằng mình làm chưa tròn trách nhiệm hay mình đang muốn đòi hỏi mới làm hết khả năng của mình”, điều dưỡng Vũ Thị Kim Thoa, khoa Nhiễm Việt - Anh nói.

Hà Minh

>> Bệnh viện chưa xử lý vụ nam điều dưỡng tiêm thuốc mê hiếp dâm nữ sinh thực tập
>> Điều dưỡng gây mê để hiếp dâm nữ sinh thực tập
>> Một điều dưỡng nhiễm cúm A/H1N1

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.