Bí ẩn cơn địa chấn Thổ Nhĩ Kỳ

29/12/2013 09:00 GMT+7

Cuộc điều tra tham nhũng ở Thổ Nhĩ Kỳ phơi bày những bí ẩn có thể làm thay đổi cục diện quan hệ tại Trung Đông.


Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Washington vào tháng 5.2013 - Ảnh: Reuters 

Chính phủ thân Hồi giáo của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hiện lung lay bởi cuộc điều tra tham nhũng rộng lớn đang diễn ra. Khoảng hai chục gương mặt cộm cán, gồm cả các trùm tài phiệt có máu mặt và con trai của một số bộ trưởng, bị cáo buộc một loạt các tội danh về tài chính. Khủng hoảng dâng cao khi 3 bộ trưởng dính líu đến vụ bê bối từ chức vào ngày 25.12, khiến ông Erdogan buộc phải thay thế gần như một nửa nội các trong cuộc cải tổ ngay trong đêm.

Tuy nhiên, những diễn biến trên chỉ là bề nổi của cuộc khủng hoảng đang lan rộng có thể chi phối đến quan hệ tay ba giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Mỹ, làm phức tạp thêm tình hình chính trị ở Trung Đông.

Chương trình “đổi dầu lấy vàng”

Gợi ý đầu tiên về sự dính líu của Iran xuất hiện trước Giáng sinh, khi một thỏa thuận “đổi dầu lấy vàng” giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran được phanh phui. Cuộc điều tra bị chính phủ cản trở tập trung vào hai vụ bắt giữ đáng chú ý: Tổng giám đốc Ngân hàng quốc doanh Halkbank Suleyman Aslan và doanh nhân Iran Reza Zarrab, người đứng sau các thương vụ buôn bán vàng trị giá gần 10 tỉ USD chỉ riêng trong năm ngoái.

Theo các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ, hai người này là trung tâm trong một thỏa thuận “đổi dầu lấy vàng” tinh vi giữa Tehran và Ankara. Để tránh né các lệnh trừng phạt về tài chính, số tiền bán dầu và khí đốt của Iran được chuyển vào tài khoản của Halkbank trước khi được chuyển đổi thành vàng và xuất về Tehran. Các nhà điều tra ước lượng số vàng trị giá 8 tỉ USD đã được chuyển cho Iran trong 3 năm qua. Tuy nhiên, giới quan sát Mỹ cho rằng con số thực tế còn cao hơn, lên tới 13 tỉ USD chỉ từ tháng 3.2012 đến tháng 7.2013.

Chương trình “đổi dầu lấy vàng” cho phép Iran tăng nguồn dự trữ ngoại hối bị teo tóp bởi các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt lên hệ thống ngân hàng vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Điều kỳ lạ là Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, đã cho phép điều này diễn ra dù vẫn cam kết chống đối chương trình hạt nhân của Tehran. Theo tờ Foreign Policy, Ankara đã khai thác một kẽ hở cho phép chuyển vàng cho các tổ chức tư nhân ở Iran. Quốc hội Mỹ và Tổng thống Barack Obama đã bít kín “kẽ hở vàng” này bằng một đạo luật vào tháng 1.2013. Song Nhà Trắng đã vận động để đạo luật chỉ bắt đầu có hiệu lực kể từ tháng 7.2013, tức cho phép chương trình nói trên được kéo dài thêm 6 tháng, giúp Iran tích trữ thêm số vàng trị giá 6 tỉ USD. Mỹ cũng tỏ ra nương tay với Halkbank dù có thể trừng phạt ngân hàng này bằng các quy định hiện có.

Giới quan sát suy đoán chính phủ Mỹ có thể muốn bảo vệ quan hệ với Ankara, một đồng minh then chốt trong cuộc xung đột ở Syria. Kế đến là khả năng Washington muốn gạ gẫm Iran ký thỏa thuận tạm thời về chương trình hạt nhân. Việc làm lơ chương trình “đổi dầu lấy vàng” có thể là một nhành ô liu gửi đến Tehran thông qua Ankara. Tuy nhiên, dù khả năng nào đi nữa thì điều đó có vẻ như đang thay đổi và quan hệ Ankara - Washington đã thể hiện dấu hiệu rạn nứt sâu sắc kể từ khi cuộc điều tra tham nhũng nổ ra.

m mưu ngoại quốc

Truyền thông quốc tế nhận định cơn địa chấn chính trị ở Ankara là một cuộc đấu đá quyền lực giữa đảng AKP của ông Erdogan và đồng minh một thời là phong trào của ông Fethullah Gulen, người sống tại Mỹ song có ảnh hưởng đáng kể với ngành cảnh sát và tòa án ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, trong lúc chống đỡ cuộc khủng hoảng, Thủ tướng Erdogan không ngần ngại cáo buộc đó là “âm mưu ngoại quốc” và nhằm làm suy yếu sự trỗi dậy của Thổ Nhĩ Kỳ như là một thế lực chính trị và kinh tế. Truyền thông thân chính phủ chỉ đích danh Mỹ và Israel đứng sau vụ điều tra làm dậy sóng Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù chưa có bằng chứng nào được đưa ra, những diễn biến ngoại giao gần đây thể hiện sự nghi kỵ ngày càng gia tăng giữa Ankara và Washington. Trong lúc cuộc điều tra diễn ra, Thứ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách khủng bố và tình báo tài chính David Cohen đã có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ và kêu gọi Ankara tuân thủ các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt lên Iran. Ông Erdogan cũng không vừa khi lớn tiếng đe dọa trục xuất Đại sứ Mỹ Francis Ricciardone vì “hành động khiêu khích”.

Theo tờ The New York Times, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã đề nghị gặp mặt ông Ricciardone khi chiến dịch bố ráp tham nhũng nổ ra ngày 17.12 song phía Mỹ đã hủy bỏ cuộc họp sau lời đe dọa của ông Erdogan. Trong khi đó, các tin đồn từ Washington gợi ý chính phủ Mỹ đang “tái đánh giá” ông Erdogan.

Hệ lụy tiềm tàng

Biến động ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra ở một thời điểm hết sức nhạy cảm trong cục diện chính trị ở Trung Đông, khi phương Tây đang bàn đến khả năng nới lỏng hoặc thậm chí tháo gỡ các lệnh trừng phạt Iran sau thỏa thuận hạt nhân mới đây. Tuy nhiên, không chỉ thỏa thuận hạt nhân có nguy cơ lâm vào ngõ cụt. Iran đang có những bước đi phá băng quan hệ với Mỹ cũng như phương Tây và được trông đợi sẽ đóng vai trò đáng kể nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Syria. Với lo ngại về sự trỗi dậy của các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Syria, phương Tây hiện cân nhắc đến khả năng duy trì chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad và họ cần đến sự hỗ trợ từ Iran để tiến tới một thỏa thuận với chính phủ Syria. Do đó, cơn địa chấn ở Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ đe dọa đến chính phủ của Thủ tướng Erdogan mà còn có nguy cơ lan rộng trở thành một vấn đề chính trị khu vực và quốc tế trong thời gian tới.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từ chối dính líu

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 27.12 ra tuyên bố sẽ không dính líu đến “các tranh cãi chính trị”, giữa lúc nổ ra cuộc điều tra tham nhũng sâu rộng ở nước này, theo AFP. Trước đó, truyền thông thân chính phủ gợi ý cuộc điều tra tham nhũng là một cái bẫy nhằm châm ngòi cho đảo chính quân sự.

Trong động thái trả đũa cuộc điều tra, Thủ tướng Erdogan đã cách chức hàng chục cảnh sát trưởng và ban hành sắc lệnh buộc các cảnh sát phải thông báo cho thượng cấp trước khi tiến hành điều tra theo yêu cầu của công tố viên. Tuy nhiên, ngày 27.12, một tòa án cao cấp ở Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sắc lệnh “trái với các nguyên tắc phân quyền” và ngăn chặn hiệu lực của nó. Trong khi đó, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng vòi rồng, đạn cao su và hơi cay để giải tán hàng ngàn người biểu tình kêu gọi Thủ tướng Erdogan từ chức ở Ankara và Istanbul vào đêm 27.12. Theo nhà chức trách, có ít nhất 31 người bị bắt giữ.

Sơn Duân

>> Trung Đông hứng bão tuyết tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua
>> Mỹ duy trì lực lượng quân sự hùng hậu ở Trung Đông
>> Tấn công mạng và nguy cơ chiến tranh Trung Đông
>> Thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam và Trung Đông - Bắc Phi
>> Mỹ sẽ triển khai UAV mới tại Trung Đông
>> Fast and Furious 7" sẽ được quay tại Nhật và Trung Đông
>> Iran cảnh báo xung đột Syria lan rộng Trung Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.