'Quản lý như thế này thì nền kinh tế đất nước sẽ về đâu?'

15/12/2013 02:30 GMT+7

Trong ngày hôm qua, phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng và các đồng phạm trong vụ cố ý làm trái và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty hàng hải Việt Nam dành toàn bộ thời gian cho phần tranh tụng tại tòa.

* Thiệt hại về ụ nổi đã tăng lên hơn 520 tỉ đồng

Bị cáo Dũng và Phúc trước vành móng ngựa
 Bị cáo Dũng và Phúc trước vành móng ngựa (chụp qua màn hình) - Ảnh : Hoàng Trang

Bào chữa cho các bị cáo, nhiều luật sư chung quan điểm cho rằng buộc tội của Viện KSND tối cao thiếu cơ sở, không làm rõ được hành vi, đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra lại.

 

Ông Nguyễn Bá Thanh đến phiên tòa

Sáng 14.12, Trưởng ban Nội chính T.Ư, Phó ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng đã có mặt tại phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng và các đồng phạm. Theo quan sát của PV, ông Nguyễn Bá Thanh xuất hiện tại tòa khá lặng lẽ, lúc đến cũng như đi và chỉ có một mình. Không có PV nào tiếp cận được ông Thanh, ngoài việc chứng kiến ông rời khỏi tòa Hà Nội vào lúc 10 giờ. Vụ án Dương Chí Dũng được coi là một “đại án” tham nhũng nghiêm trọng phức tạp và được Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng đưa vào diện theo dõi giám sát.

Đáp lại quan điểm của luật sư, đại diện Viện KSND khẳng định đối với hành vi cố ý làm trái, Dương Chí Dũng giữ vai trò chủ mưu; Mai Văn Phúc vai trò cầm đầu, các bị cáo khác đều đồng phạm. “Nếu các bị cáo làm đúng chức trách, vai trò của mình thì ụ nổi 83M không thể đưa về VN”, đại diện Viện KSND nói.

Về vốn vay của Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) trong việc mua ụ nổi 83M có phải là của nhà nước hay không, đại diện Viện KSND khẳng định Vinalines là doanh nghiệp nhà nước, 100% vốn điều lệ là của nhà nước. Toàn bộ tài sản từ cơ sở vật chất đến vốn phục vụ sản xuất kinh doanh đều là tài sản nhà nước. Vinalines vay tiền ngân hàng mua ụ nổi, khi tiền được giải ngân thì phải coi đó là tài sản của nhà nước và Vinalines phải có nghĩa vụ, trách nhiệm quản lý như vốn của nhà nước. Nếu không trả được nợ thì cuối cùng nhà nước vẫn phải chịu. Dương Chí Dũng là người chịu trách nhiệm cao nhất về quản lý nguồn vốn của công ty, nếu làm ăn thua lỗ thì nhà nước phải chịu mất vốn.

Đại diện Viện KSND cũng cho rằng quá trình mua ụ nổi khi Nhà máy sửa chữa tàu biển phía nam chưa được chấp nhận phê duyệt, Bộ GTVT chưa hề có văn bản nào trình lên cấp có thẩm quyền để phê duyệt là không đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. “Không đúng với chỉ đạo của cấp trên thì là cố ý làm trái chứ không thể nói là thiếu trách nhiệm được”, vị này khẳng định.

Cũng theo cơ quan công tố, hậu quả việc đi vay tiền mua ụ nổi 83M đến nay đã gây ra con số thiệt hại cho nhà nước không dừng lại ở 366 tỉ đồng như cáo trạng nêu, mà đã lên tới hơn 520 tỉ đồng cho việc mua, vận chuyển, sửa chữa, riêng việc chi phí thuê neo đậu, bảo vệ mỗi tháng đã hết 1 tỉ đồng mà không sử dụng được. "Không thể trả lời tôi không biết ụ nổi đang neo đậu ở đâu, tình trạng như thế nào? Nếu cứ quản lý như thế này thì nền kinh tế đất nước sẽ về đâu?”, đại diện Viện KSND nhấn mạnh.

Công chức lấy đâu tiền mua nhà đẹp cho bồ nhí?

Tranh luận với luật sư về khoản tiền “lại quả” và hành vi tham ô của các bị cáo, đại diện Viện KSND cho rằng hồ sơ của cơ quan điều tra thể hiện rõ, sau khi Vinalines chuyển 9 triệu USD ra nước ngoài mua ụ nổi, các bên liên quan đã lên kịch bản để chuyển 1,666 triệu USD quay ngược về VN. “Số tiền thỏa thuận chính xác đến 3 số sau dấu phẩy như vậy, về đến VN cũng hoàn toàn chính xác như thế. Chứng từ chuyển tiền thể hiện nội dung là làm thủ tục liên quan đến ụ nổi 83M”, vị công tố cho hay. Việc chia tiền tham ô, ngoài lời khai của Trần Hải Sơn, còn có các nhân chứng khai nhận rõ trước tòa.

Đại diện cơ quan công tố cũng cho rằng Dương Chí Dũng mua 2 căn hộ cao cấp ở Hà Nội có giá hơn 600.000 USD để cho bồ “Chắc chắn số tiền lớn như vậy thì một công chức bình thường không thể có được”.

Nhiều bị cáo tố bị ép cung

Trình bày trước tòa, luật sư và các bị cáo nguyên là cán bộ Cục Đăng kiểm VN và Chi cục Hải quan Vân Phong (Khánh Hòa) cho rằng bị truy tố oan khi văn bản pháp luật hiện hành không quy định rõ ụ nổi 83M được coi là tàu biển hay không.

Theo đại diện Viện KSND, trong hồ sơ về thủ tục, giấy tờ liên quan đến ụ nổi do các bị cáo thực hiện đều coi là tàu biển, thậm chí ụ nổi này đã có tên trong sổ đăng ký tàu biển quốc gia. Cán bộ hải quan được coi là người “gác cửa” nhưng cho nhập khẩu vào một loại hàng hóa trị giá hàng chục triệu USD không khác gì đống rác. “Nếu để cho ụ nổi 83M vào VN và sinh lời thì chúng ta không phải ngồi đây hôm nay. Nhưng cho nhập ụ nổi vào không phát huy được công năng, không làm lợi được gì cho đất nước, nhập về mà bán sắt vụn cũng không xong thì đúng ở chỗ nào”, vị kiểm sát viên lập luận.

Đáng chú ý, một số bị cáo cho rằng khi làm việc với cơ quan điều tra đã bị ép cung, nhục hình, bắt phải làm việc trong trạng thái đau ốm. Bị cáo Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng cho biết đã bị đánh đập ép khai nhận ụ nổi chính là tàu biển để kết tội hành vi cố ý làm trái. Bị cáo Mai Văn Phúc cũng xác nhận lời khai của bị cáo Lừng khi cùng ở Trại giam Phú Thọ. “Họ có những biện pháp rất dữ tợn”, bị cáo này nói.

Dự kiến, chiều 16.12, tòa tuyên án. 

Dương Chí Dũng xin lỗi nhân dân...

Cuối giờ chiều qua, khi kết thúc phần tranh tụng, được nói lời sau cùng, Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, cho rằng không nhận bất cứ một đồng nào tham ô và không biết khoản tiền lại quả 1,66 triệu USD trong thương vụ mua ụ nổi là từ đâu ra. Dù vậy, với cương vị là chủ tịch HĐQT, bị cáo thừa nhận đã có khuyết điểm trong việc đầu tư, mua sắm ụ nổi, việc sai lầm này xuất phát từ nhận thức và hoàn cảnh khách quan, quyết định đầu tư nhà máy mua sắm thiết bị vào thời điểm kinh tế thế giới suy thoái dẫn đến hậu quả xấu. “Để xảy ra việc này bị cáo rất hối hận. Bị cáo thật lòng xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, toàn thể nhân dân và cán bộ ngành hàng hải vì để xảy ra sai phạm này”, bị cáo Dũng, nói.

Bật khóc nức nở trước tòa, Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines, cho rằng không tham ô tài sản, việc bị cáo ký kết các văn bản giấy tờ liên quan đến dự án và ụ nổi là do cơ quan tham mưu trình ký. “Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo có thể nói chưa làm gì không đúng với lương tâm. Bị cáo thực sự oan uổng. Mong tòa làm rõ ai là người hưởng lợi khoản tiền đó, bị cáo có được xu nào không. Nếu chứng minh được bị cáo bị gấp 5, gấp 10 lần bị cáo cũng chịu”, Phúc vừa khóc, vừa nói.

Nói ngắn gọn, nguyên Tổng giám đốc Công ty sửa chữa tàu thủy Vinalines Trần Hải Sơn “đã nhận thức những sai lầm trong quá trình tham gia thực hiện dự án này” và “mong HĐXX xem xét một cách công bằng nhất”. Trước lúc nói lời sau cùng, khi Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và Trần Hữu Chiều đều không thừa nhận hành vi tham ô tài sản; Dũng nói lời khai của Sơn là “bậy bạ” nhằm chạy tội cho bản thân, còn Phúc cho rằng Viện KSND chỉ căn cứ vào lời khai của Sơn để luận tội bị cáo nhận tiền là không công bằng... Trần Hải Sơn bức xúc: “Có sự bất cập rất cơ bản trong lời khai của các anh. Tôi cũng xin khẳng định là chính vì các anh mà tôi và gia đình tôi trở thành nạn nhân của vụ án này”.

Nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines Trần Hữu Chiều đề nghị HĐXX đánh giá, xem xét hành vi của bị cáo một cách công tâm nhất. Đối với hành vi tham ô tài sản, bị cáo Chiều cho rằng việc nhận 340 triệu đồng từ Trần Hải Sơn không liên quan đến việc mua sắm ụ nổi và điều này đã được bị cáo đối chất với Sơn cũng như làm rõ tại cơ quan điều tra, nên đề nghị HĐXX miễn xem xét trách nhiệm hình sự hành vi này.

Thái Sơn - Hoàng Trang

 

>> Dương Chí Dũng 'xin lỗi nhân dân', Mai Văn Phúc bật khóc tại tòa
>> Xét xử vụ Dương Chí Dũng: Nếu quản lý thế này, đất nước sẽ đi về đâu?
>> Ông Nguyễn Bá Thanh xuất hiện tại phiên tòa xử Dương Chí Dũng
>> Đề nghị tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc
>> Đề nghị tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc
>> Bộ Giao thông vận tải 'phủi' trách nhiệm trong vụ án Dương Chí Dũng
>> Dương Chí Dũng khai bỏ trốn vì có ‘người quen’ gọi báo
>> Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc phủ nhận việc chia chác 1,67 triệu USD
>> Tôi thấy một ‘thằng tôi’ trong Dương Chí Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.