Nước mắt đã rơi

17/09/2013 03:05 GMT+7

“Chừng nào nhân dân còn khổ thì kịch Lưu Quang Vũ còn sống”. PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái đã nói vậy sau khi liên hoan vở diễn Lưu Quang Vũ khép lại.

“Chừng nào nhân dân còn khổ thì kịch Lưu Quang Vũ còn sống”. PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái đã nói vậy sau khi liên hoan vở diễn Lưu Quang Vũ khép lại. 

Nước mắt đã rơi
Mùa hạ cuối cùng không chỉ đơn giản là câu chuyện giáo dục mà là câu hỏi về giá trị sống - Ảnh: Nhà hát tuổi trẻ cung cấp

Công chúng đã đến xem liên hoan vở diễn Lưu Quang Vũ quá cả sức tải của các nhà hát. Tất cả những vở diễn đều kín chỗ. Khán giả hầu như đều khóc, thậm chí nhiều lần. Không giống “nguyên lý” cứ phải hài thì người ta mới đến rạp để xem vở diễn. Công chúng đã đến và hiểu, thương, khóc, tủi về những điều kịch tác gia gửi gắm trong từng câu chữ.

“Đi xem kịch Lưu Quang Vũ để thấy công chúng tử tế vẫn còn vì nhân dân vẫn còn khắc khoải”, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, một thành viên ban giám khảo liên hoan nói. “Công chúng của sân khấu chính là nhân dân đấy. Đặt đúng vấn đề của người ta thì làm sao người ta có thể quay lưng đi được. Tôi đã thấy rất nhiều người khóc, chính tôi cũng thế”.

Ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho biết: “Vở Mùa hạ cuối cùng của Nhà hát Tuổi Trẻ đã được bán vé thử ngay sau khi chúng tôi tổng duyệt và vé đã bán quá nửa rạp. Cũng vì thế, tháng 10 tới, chúng tôi sẽ mang 3 vở diễn Lưu Quang Vũ do nhà hát dàn dựng vào nam”. 

 

Giải thưởng sân khấu năm 2012

Giải thưởng sân khấu năm 2012 đã được Hội Nghệ sĩ sân khấu trao sáng 16.9 nhân Giỗ tổ nghề sân khấu. Năm nay, hạng mục Kịch bản xuất sắc không có giải A, hai giải B được trao cho Đường đua trong bóng tối (Nguyễn Đăng Trương, Hà Nội), Ba người đàn ông và căn bệnh tai biến (Xuân Đức, Quảng Trị). Hạng mục công trình lý luận phê bình có hai giải A. Ngoài ra còn có 10 giải xuất sắc cho các vở diễn thuộc nhiều thể loại (kịch, cải lương, múa rối) và 7 giải cho diễn viên.

Dù còn điểm yếu

Nhân dân ấy đã khóc không hẳn vì các bản diễn quá tốt. Liên hoan bộc lộ nhiều điểm yếu của sân khấu đương thời. Sự hụt hơi của dàn diễn viên trẻ ít đất diễn vì sân khấu đứt mạch triền miên. Nỗi thiếu vắng đột phá trong khâu đạo diễn. Cảnh trí sơ sài. m nhạc không phải lúc nào cũng nuột, thỉnh thoảng lại rộ lên rồi tắt phụt. Các đạo diễn trẻ cũng chưa gây được dấu ấn trong liên hoan. Vở diễn có dấu ấn rõ nhất của đạo diễn chính là Hồn Trương Ba da hàng thịt của Nhà hát Tuổi Trẻ lại chưa vỡ hết chữ kịch. Giải đạo diễn duy nhất của liên hoan trao cho NSƯT Chí Trung là sự cân đối giữa việc giải mã vở với thủ pháp mới. Tuy nhiên, đây cũng không thực sự là một vở diễn xuất sắc.

Nhưng cảm xúc vì những phận người thì vẫn còn và vang lên trên sân khấu, cọ bàn tay ram ráp vào những trái tim đang chờ đợi thanh lọc. Khi mà sự vô cảm tràn lan thì giọt nước mắt rơi trước những vở diễn là chỉ báo cái tốt vẫn còn. Và dù khó khăn, nếu cái tốt còn, đời sẽ vẫn còn những xác tín: thà chết đi để được mình sống đúng là mình.

Đi liên hoan để thấy cả những tì vết trong kịch bản của Lưu Quang Vũ. Trong Mùa hạ cuối cùng, người dẫn chuyện tiến ra sân khấu và nói rất nhiều, dẫn dắt những điều hoàn toàn có thể để nhân vật chỉ nói một câu là đủ ý. Nhưng đấy là Vũ trong thời kỳ đầu viết kịch. Khi ấy, kỹ thuật viết của ông còn chưa chín. Cũng để thấy dụng ý dùng hài để thu hút khán giả trong kịch của ông. Chính vì thế, khi nhân vật Quách Văn Tuần được Thanh Dương tiết chế bớt chất hài so với bản chạy thử thì nhân vật phản diện này của Lời thề thứ 9 đã chín hơn hẳn.

Cũng đừng hiểu lầm sân khấu của Lưu Quang Vũ là thứ sân khấu ám chỉ vụ việc, hay nói bóng gió việc quá cụ thể. Mùa hạ cuối cùng có thể nói chuyện thi cử kiểu Đồi Ngô, nhưng sâu hơn là câu chuyện thang giá trị. Nàng Sita có phần đẫm lệ, nhưng lớn hơn là bài học làm người. Lời thề thứ 9 là chuyện chính quyền xã rất tệ, nhưng nó hẳn muốn nói đến việc những cán bộ cản trở xã hội đi lên. Xem Lưu Quang Vũ, vì thế đừng chỉ chăm chăm nghĩ đến những vụ việc cụ thể mà làm vở diễn nhỏ đi. 

Phía Bắc lấn phía Nam 

Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ diễn ra từ ngày 9 đến 15.9 tại Hà Nội cũng vừa kết thúc với 16 giải vàng bên cạnh số giải bạc tương đương được trao cho các diễn viên vào sáng qua (16.9). Cũng như mọi liên hoan, mưa huy chương đã đến dù tuân thủ đúng quy định số giải thưởng không quá 35% lượng vai diễn có tên trong bảng phân vai. Đặc biệt, cơn mưa giải thưởng này càng khiến cán cân danh hiệu nghệ sĩ (NSND, NSƯT) nghiêng về phía bắc so với phía nam không có đại diện tại liên hoan. Trả lời báo chí tại họp báo, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho rằng nguyên do là sân khấu phía nam không dựng kịch Lưu Quang Vũ. Tuy nhiên, điều này không chính xác. Các nhà hát phía nam từng nhiều lần dựng kịch Lưu Quang Vũ. Sự thiếu vắng này của sân khấu phía nam khiến liên hoan mất đi phần nào tính toàn diện của một hội diễn toàn quốc.

Trinh Nguyễn

>> Hình thể hóa kịch Lưu Quang Vũ
>> Phục dựng kịch Lưu Quang Vũ
>> Hội Nhà văn Hà Nội trao giải cho tập thơ của Lưu Quang Vũ
>> Người chăm sóc di cảo cho Lưu Quang Vũ
>> Lưu Quang Vũ: Độc đáo một cuộc đời thi sĩ
>> Một đạo diễn trẻ “mê” dựng kịch Lưu Quang Vũ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.