Kỳ nghỉ của Mây

10/09/2013 03:25 GMT+7

Đến Việt Nam một tháng nhưng với Mây như vừa chớp mắt. Cô vẫn không tin được mình đã làm tình nguyện viên ở quán cơm 2.000 đồng gần 3 tuần. Tên cô là Marietheres Weinberg, người Đức, nhưng mọi người thường gọi với cái tên gần gũi hơn: Mây.

 Mây mang cơm cho khách - d
Mây mang cơm cho khách - Ảnh: Thủy Tiên

Mây vừa bước qua tuổi 18 và tốt nghiệp trung học được vài tháng. Cũng như đa số bạn trẻ khác ở phương tây thường dành một năm để trải nghiệm cuộc sống, du lịch hoặc làm thiện nguyện trước khi vào đại học hoặc quyết định đi làm, Mây dùng số tiền dành dụm được từ việc làm thêm ở Đức để sang Việt Nam.  

Sau một tuần tham quan Việt Nam, Mây được giới thiệu làm tình nguyện viên tại quán Nụ Cười 1 (6 Hồ Xuân Hương, Q.3, TP.HCM). Ban đầu dự định chỉ làm vài ngày rồi đi chơi tiếp, nào ngờ thấy hay quá Mây dính chặt với quán luôn, bỏ cả những kế hoạch đi chơi khác. Hằng ngày, Mây đi xe ôm từ Q.7 sang Q.3 để làm việc. “Mới đầu em cũng hơi sợ vì xung quanh toàn người lạ, có cả bệnh nhân da liễu nữa. Nhưng ai cũng cười nói, niềm nở với em. Họ làm em có cảm giác sống với người thân và em thật sự hạnh phúc vì cảm nhận được niềm vui mình mang đến cho những người nghèo”, Mây chia sẻ, rồi tinh nghịch nói bằng tiếng Việt ngọng nghịu vừa học được: “Xín chao, ong ăn cỏ ngọn miếng khống?” (Xin chào, ông ăn có ngon miệng không?).

11 giờ 15, thực khách nghèo bắt đầu đến quán mỗi lúc một đông. Mây cùng những tình nguyện viên khác tất bật mang thêm cơm, đưa thức ăn cho khách. Mồ hôi rịn từng giọt nhưng cô vẫn cười tươi. “Vài ngày nữa em phải lên máy bay về nước. Em ráng tranh thủ những ngày còn lại để phục vụ người nghèo. Những tuần vừa qua quả là một quãng thời gian đáng nhớ”, Mây nói.

Nói về Mây, chị Võ Thị Thu Hồng, tình nguyện viên ở quán, cho biết: “Mây siêng năng và lễ phép lắm. Khi bưng cơm trao cho khách, cô luôn cúi đầu chào. Xong công việc của mình rồi thì hỏi việc khác để làm. Hôm nào cũng dọn dẹp xong, hơn 1 giờ chiều mới về”.

Buổi chiều, các tình nguyện viên khác ở quán đưa cô tham quan thành phố, dạy cô tiếng Việt và dẫn cô đi… ăn vặt. “Việt Nam có nhiều món ăn lạ và ngon quá. À, em thích món “dua mam” (dưa mắm) lắm. Bình thường em ăn rất ít, nhưng có “dua mam” là em ăn đến mấy chén luôn”, cô cười khúc khích bật mí.

Mây làm tôi nhớ ông John Kelly, người Mỹ. Ban đầu cũng dự tính qua Việt Nam du lịch nhưng sau đó chính sự thân thiện, niềm nở của người Việt khiến ông bị cuốn hút đến mức sau 3 tháng làm tình nguyện viên tại quán cơm Nụ Cười, về nước ông đăng ký học lớp tiếng Việt. Qua email, ông cho biết lần trở lại Việt Nam tới đây, ông sẽ chỉ nói tiếng Việt. Hoặc như cô Beth, giáo viên người Philippines đang dạy tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, từng dẫn cả đoàn sinh viên của mình đến quán cơm Nụ Cười 2 làm thiện nguyện. Cô bảo: “Tôi thích cái tình của người Việt”.

Cái tình đó ghi đậm ở những quán cơm từ thiện. Nên chăng các công ty du lịch trong nước đưa mục “Một ngày thiện nguyện” vào chương trình cho du khách chọn lựa? Chắc hẳn sẽ có không ít những du khách nhớ và muốn trở lại Việt Nam khi họ có được những trải nghiệm thú vị như “kỳ nghỉ của cô Mây”.

Thủy Tiên

>> Nghĩa tình ở những quán cơm từ thiện
>> Nam Định có quán cơm 2.000 đồng
>> Ông Tây phục vụ quán cơm 2.000 đồng
>> Thêm một quán cơm 2.000 đồng
>> Phản hồi từ loạt bài Người tốt: Tặng máy rửa chén cho Quán cơm 2.000
>> Những quán cơm 2.000 đồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.