Đâu là mẫu hình thanh niên thời đại mới? - Kỳ 10: Chọn diện rộng chứ không phải những người giỏi nhất

20/05/2013 03:05 GMT+7

Nói về hình mẫu, thường mọi người hay lý tưởng hóa, tiếp cận theo nhóm thượng tầng, tức là một bộ phận xuất chúng. Tuy nhiên, đối tượng này nhỏ, không đại diện cho số đông.

>> Đâu là mẫu hình thanh niên thời đại mới - Kỳ 9: Bác dặn thanh niên chăm lo rèn đức, luyện tài
>> Đâu là mẫu hình thanh niên thời đại mới - Kỳ 8: Phải tự biết đào tạo mình
>> Đâu là mẫu hình thanh niên thời đại mới? - Kỳ 7: Phải sáng tạo để vươn tới cái mới  

Nếu tiếp cận nhóm nhỏ thượng tầng ấy và đưa ra làm hình mẫu thì chắc chắn chính thanh niên cũng thấy xa lạ với mình.

Tất nhiên những hình mẫu ấy là rất cần nhưng chúng ta phải phân biệt hai khái niệm và đi kèm theo đó là những tiêu chí khác nhau.  Nếu hình mẫu cho những người tinh tú nhất thì tiêu chí sẽ rất cao ở mọi khía cạnh, từ trình độ học vấn, ngoại ngữ, tin học đến khả năng hội nhập quốc tế. Về tư tưởng chính trị, phải biết quan tâm đến vấn đề của đất nước, có thể tham gia xây dựng chính sách, đóng góp ý kiến cho đường lối phát triển của đất nước. Đây có thể là hình mẫu của nhóm thanh niên phát triển.

Nếu đặt hình mẫu ấy thì chỉ một nhóm phát triển còn đại bộ phận nhìn vào là quá xa vời, không thực tế, không hiện thực để số đông thanh niên thấy mình có thể phấn đấu được. Trái lại, họ sẽ có cảm giác nhụt chí.

 Chọn diện rộng chứ không phải những người giỏi nhất
Cần nhìn mẫu hình thanh niên trên diện rộng - Ảnh: Đ.N.T

Chính vì vậy, tôi muốn tiếp cận và đi sâu bàn luận về mẫu hình thanh niên ở khía cạnh số đông. Cá nhân tôi cho rằng, mình nhìn nhận hình mẫu thanh niên trên diện rộng, trong 5 năm tới là hình mẫu trung bình chứ không phải là hình mẫu cho nhóm người giỏi nhất.

Vậy hình mẫu cho đối tượng thanh niên (tạm gọi là quần chúng) mà ai cũng có thể phấn đấu được là gì? Thứ nhất, là hiểu được giá trị bản thân và hiểu biết về xã hội, đất nước; hiểu được bối cảnh của đất nước, của thế giới để hiểu vị trí của mình đang ở đâu, đất nước của mình đang ở đâu. Nghe đơn giản thôi nhưng để toàn bộ thanh niên VN hướng đến đấy thì đó là điều khó khăn. Khi đã hiểu rõ giá trị bản thân và bối cảnh thì có khả năng xác định hướng của chính mình.

Các chuyên gia thường đánh giá, thanh niên hiện nay phai nhạt lý tưởng. Cá nhân tôi cho rằng, liệu thanh niên có phai nhạt lý tưởng hay không, hay lý tưởng của họ chưa trùng hướng so với sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Dường như, lý tưởng của thanh niên hiện nay là kiếm được nhiều tiền, được làm chủ doanh nghiệp, được hưởng thụ nhiều hơn…; đó không thể nói họ phai nhạt lý tưởng, chỉ có điều phải biết hài hòa giữa cái riêng và cái chung. Cái riêng nằm trong cái chung. Thanh niên mong muốn làm giàu, muốn có chất lượng cuộc sống tốt hơn thì vẫn nằm trong cái chung vì “dân giàu thì nước mạnh”.  Nhưng khi họ quá ưu tiên cho cái riêng không lo đến cái chung thì rõ ràng cần có sự định hướng lại, để nhu cầu phát triển của thanh niên cần phù hợp với sự phát triển của dân tộc.

Thích và làm

 

Muốn cống hiến và được cống hiến

Tôi đã từng suy nghĩ rất nhiều và cảm giác đau lòng khi đọc được một status của một bạn trẻ: Chẳng nhẽ giai đoạn đẹp nhất để sống và cống hiến của cuộc đời như mình lại đang mờ mịt thế này sao?

Rõ ràng, thanh niên rất muốn được cống hiến, được thể hiện mình. Chỉ có điều họ chưa biết phải bắt đầu từ đâu và điều gì thôi thúc họ, điều gì khiến họ thích và làm.

Thanh niên ai cũng quen thuộc với câu nói: đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay. Đó là nói với thanh niên; còn với tổ chức không thể nói thế được. Bởi tổ chức không thể chỉ biết đòi hỏi mà không coi trọng quyền lợi của mỗi cá nhân. Khi cả hai chủ thể đều biết “nghĩ cho nhau”, nghĩ cho người khác trước thì chắc chắn tổ chức sẽ phát triển, cá nhân sẽ phát huy hết năng lực của mình.

Sẽ không dễ để xác định rõ tiêu chí hình mẫu cho đối tượng thanh niên số đông. Tuy nhiên, tôi cho rằng trước hết thanh niên phải có sự đam mê, đam mê với việc học tập của mình, đam mê trong công việc, bất kể là công việc gì, miễn là mình đã lựa chọn nó. Nói một cách nhẹ nhàng hơn, đó là thích và làm.

Đi sang Nhật Bản, mỗi một lần tôi lại quan sát được những khía cạnh về thanh niên ở đất nước họ rất đáng lưu tâm. Ví dụ, một thanh niên Nhật rất cần mẫn, rất có trách nhiệm đi dọc đường tàu kiểm tra sự cố. Công việc ngày nào cũng lặp đi lặp lại như vậy. Có thể, thanh niên VN nhìn vào cho đó là công việc cấp thấp và cần tìm mọi cách để thoát ra, để phát triển. Nhưng người Nhật lại coi đó là công việc nghiêm túc, tìm mọi cách để làm tốt hơn, tìm giải pháp khi gặp sự cố.  Hoặc người làm tạp vụ, người lao công ở bên đấy họ cũng làm việc với tất cả sự sáng tạo của mình. Người ra luôn cố gắng tạo ra những hình dáng cây cảnh khác nhau để thay đổi mỹ quan. Không ai yêu cầu họ cao đến thế nhưng hỏi ra mới biết, người cắt tỉa cây cảnh luôn hướng tới tự sáng tạo và coi đó là sự phát triển trong công việc của mình.

Rõ ràng, nếu ai cũng phấn đấu để làm chủ, để làm quản lý người khác thì là điều bất bình thường. Mỗi người dù làm việc nhỏ nhưng họ nhận thức công việc của mình có ý nghĩa, cộng đồng ghi nhận đó là công việc có ý nghĩa, họ sẽ thấy việc mình làm là quan trọng. Và hơn hết, họ thực sự cảm thấy đam mê, thích thú công việc của mình. Khi thích thì dễ tạo ra được cái “làm”. Nếu không thích thì nhà nước có tạo điều kiện, môi trường cũng không thể làm được.

Chính vì vậy, tôi không cảm thấy việc chúng ta cứ tuyên dương, tuyên truyền quá nhiều về những thành tích đột xuất là một cách làm có tác động tốt tới nhận thức của xã hội. Những hình mẫu ấy là cần nhưng chỉ một nhóm nhỏ có thể phấn đấu được, đó là hình tượng chứ không phải đại bộ phận. Chúng ta hay nêu gương những điều to tát nhưng lại quên khích lệ những điều nhỏ nhặt.

Chịu đi sau

Nói là suy nghĩ đến người khác trước khi suy nghĩ đến mình, tưởng như khó khăn nhưng lại xuất phát từ những việc làm nhỏ nhất. Tôi cứ lặp đi lặp lại suy nghĩ này mỗi lần tham gia giao thông. Chính trong quá trình này phản ánh lại tất cả về mặt thói quen, tính cách và đòi hỏi ở mỗi người phải biết nhường nhịn nhau. Việc tham gia giao thông giống như việc phấn đấu phát triển của một đơn vị, doanh nghiệp. Có 2 cách, dùng luật giải quyết; thứ hai là ý thức. Nếu phân tích lại, tắc đường chủ yếu là do không ai nhường ai, vì nếu ai cũng nhường thì không tắc đường. Ở những nước phát triển tắc đường thì tự những người tham gia giao thông có thể tự giải quyết được ngay, nhưng ở nước mình phần lớn điểm ách tắc nếu không có cảnh sát giao thông lập tức sẽ hỗn loạn. Đơn giản vì không ai chịu đi đằng sau cả.

Nói câu chuyện giao thông để mong muốn rằng, thanh niên phải “chịu đi đằng sau”, theo lần lượt. Có chuyên gia nói rằng, hội thảo đi tìm chân giá trị của người VN là gì, sau một hồi thảo luận, có người nói: đó là mạnh ai nấy đi?! Nghe vừa buồn cười, vừa đau xót.

Nói như vậy sẽ có người phản ứng: thanh niên phải tiên phong? Vâng, nhưng thanh niên tiên phong chỉ có số ít thôi, bởi ai cũng tiên phong thì không được.

PGS Bùi Thế Duy
(Giám đốc Học viện thanh thiếu niên VN)

Tuệ Nguyễn - Phan Hậu
(ghi)

>> Đẩy mạnh việc học tập và làm theo gương Bác Hồ
>> Bác Hồ nói về chuyện “rửa mặt hằng ngày”
>> Văn hóa ẩm thực của Bác Hồ
>> Đền thờ Bác Hồ ở Pắc Bó
>> Về giai đoạn Bác Hồ dạy học ở Phan Thiết
>> Theo tấm gương đạo đức Bác Hồ
>> Ra mắt sách về Bác Hồ
>> Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ
>> Hiến tặng 205 tư liệu, hiện vật về Bác Hồ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.