Hóa trang truy quét cò mồi, móc túi

24/02/2013 03:40 GMT+7

Tháng giêng là mùa của du xuân trẩy hội, nhưng cũng là dịp làm ăn của các băng móc túi , “cò” mồi chèo kéo du khách. Trước tình hình này, Công an TP.Hà Nội đã tung quân truy quét, nhằm bảo đảm an toàn cho du khách.

Đeo bám du khách hàng chục cây số

Có số lượng khách tham quan đông nhất, ngày cao điểm có tới hơn 6 vạn du khách, nên không lấy gì làm ngạc nhiên khi lễ hội chùa Hương thu hút được rất nhiều đội quân hành nghề cò mồi chèo kéo du khách. Thậm chí họ còn tụ tập bắt khách ở những khu vực cách xa chùa Hương tới hơn 50 km.

Hóa trang truy quét cò mồi, móc túi 
Dân móc túi thường ra tay ở những chỗ đông người thế này - Ảnh: Minh Sang

Từng là nạn nhân của đám “cò” mồi này, chị Nguyễn Minh Thu (23 tuổi, ở P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội) cho biết: mùng 6 tháng giêng, gia đình chị gồm 5 thành viên cùng nhau trẩy hội từ mờ sáng. Khoảng 5 giờ sáng, khi chiếc ô tô 7 chỗ đang chầm chậm rẽ trái ở ngã ba Ba La thì bất chợt có một người đàn ông điều khiển chiếc xe máy, trên người khoác áo mưa, gõ cửa kính. Kính hạ, người đàn ông gửi gia đình chị tấm danh thiếp có tên nhà đò. Chưa hết, người này còn giới thiệu về hàng loạt các dịch vụ ăn uống, nghỉ qua đêm, làm lễ cúng bái... Sau đó người này còn bám theo ô tô của gia đình chị tới tận bến Yến. Vì đầu xuân, lại cộng với cái sự nể nang nên gia đình chị Thu nhận lời đi đò. Gặp đúng hôm khai hội, khách đông nghịt, gần 6.000 chiếc đò hoạt động hết công suất, nên gia đình chị Thu phải bấm bụng trả thêm tiền “bồi dưỡng” cho lái đò 480.000 đồng.

Trong khi đó, qua khảo sát của Thanh Niên trên dọc tuyến QL21B dẫn tới lễ hội chùa Hương, các “cò” thường sử dụng xe máy và đi từ 1-2 người để lôi kéo, đeo bám, cho đến khi khách sử dụng dịch vụ thì thôi. Trong vai một du khách, chúng tôi bị một “cò” tên Tuấn (35 tuổi, quê xã Hương Sơn, H.Mỹ Đức, TP.Hà Nội) dùng xe máy bám theo từ ngã tư Cầu Trắng (Q.Hà Đông). Thậm chí, khi chúng tôi dừng lại ăn phở tại một quán thuộc địa bàn thị trấn Vân Đình (H.Ứng Hòa, TP.Hà Nội) Tuấn cùng vào theo và tiếp thị dịch vụ lễ chùa... Theo lời Tuấn, với mỗi khách giới thiệu được cho nhà đò hoặc các quán, cửa hàng ăn uống, “cò” như Tuấn được hưởng số tiền từ 30.000 - 35.000 đồng.

Trước thực trạng trên, 72 trinh sát của PC45 - Công an TP.Hà Nội hóa trang phục kích tại các tuyến giao thông và phát hiện: bắt đầu từ 3 - 4 giờ sáng mỗi ngày, ở một số tuyến giao thông trọng điểm Hà Nội như khu vực ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, ngã ba Ba La... xuất hiện số đông nhóm người có hành vi chèo kéo khách đi chùa Hương. Chỉ trong ngày 14.2, đã bắt quả tang 7 “cò” có hành vi gây rối trật tự công cộng, tạm giữ 6 xe máy.

Hóa trang đi lễ bắt dân “hai ngón”

Không chỉ đối phó với đám cò mồi, Công an Hà Nội còn tung lực lượng hóa trang, hòa cùng du khách để trấn áp dân móc túi. Trong vai khách đi lễ phủ Tây Hồ (Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội), trung tá cảnh sát hình sự Đỗ Khôi Nguyên cùng 5 trinh sát trẻ tỏa ra mỗi người một hướng. Theo lời trung tá Nguyên, thời điểm gần đây, dân móc túi hoạt động ngày một tinh vi hơn. Nếu trước đây dân “hai ngón” thường “ăn” hàng đơn lẻ, ít đi theo nhóm, thì giờ đây chúng hoạt động thành từng nhóm. Để dễ bề hành sự, chúng ăn mặc lịch sự, thậm chí còn đem theo cả trẻ em, giống như khách đi lễ. Do vậy du khách rất khó phát hiện. Chưa hết, nhiều nhóm còn cắt cử người theo dõi các tổ công tác.

Trong khi đó, theo thiếu tá hình sự Trần Văn Hiếu, người có mặt từ những ngày đầu xuân để giữ gìn an ninh trật tự tại phủ Tây Hồ, chùa Hà, chùa Phúc Khánh, chùa Quán Sứ..., thủ đoạn của đám móc túi là thường chen lấn vào đám đông, va chạm với con mồi, qua đó thừa cơ lấy trộm tài sản. Khi đã “ăn” được hàng, tên hành sự thường tẩu tán tài sản rất nhanh cho những tên đứng sau. Do vậy, không ít bị hại tóm được tận tay kẻ móc túi nhưng khó lấy lại được tài sản.

Sau nhiều ngày hóa trang theo dõi, ngày 19.2, tổ công tác của thiếu tá Trần Văn Hiếu bắt quả tang Nguyễn Thị Hòa (58 tuổi, quê thị trấn Lục Ngạn, H.Lục Ngạn, Bắc Giang) đang móc túi, lấy trộm 1 chiếc điện thoại di động của khách. Việc bắt giữ Hòa, vốn là tay móc túi chuyên nghiệp ở các lễ hội, đền chùa đã khiến giới "hai ngón" tụt vòi, không dám manh động.

Trung tá Vũ Bá Xiêm cảnh báo: “Du khách không nên đem theo những đồ đạc đắt tiền, tránh xô đẩy chen lấn ở các điểm đông, như đặt lễ dâng hương. Đặc biệt không được để túi, ví, tài sản giá trị ở túi phía sau lưng hoặc bên hông. Nếu đem theo đồ đạc thì nên ôm phía trước ngực hoặc cầm trên tay”.

Hà An - Nguyễn Tuấn

>> Bắt băng móc túi trên xe khách
>> Băng dàn cảnh móc túi chuyên nghiệp hầu tòa
>> Bắt 3 kẻ móc túi nhờ camera

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.