Tìm việc cho trò

21/01/2013 11:49 GMT+7

Hẹn uống cà phê ở một quán trên đường Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM. Ngồi chưa ấm chỗ, thầy Vũ vẫy anh quản lý trẻ măng của quán lại. “Khỏe không con?” - ông hỏi. “Dạ con khỏe thầy” - anh quản lý mừng rỡ nhận ra ông. Trò chuyện một lúc mới biết anh quản lý là học trò của thầy Vũ.

Năm trước, anh quản lý tốt nghiệp ngành du lịch bậc cao đẳng một trường đại học. Ông dạy lớp này. Đứng trước lớp mấy trăm sinh viên, ông nói: “Em nào cần xin việc thì nói thầy”. Rồi ông xin cho cậu học trò của mình vào phục vụ một quán cà phê gần đó. Làm được mấy tháng, anh chuyển qua đây và “leo” lên chức quản lý. “Thầy có một đứa, em coi có nhận vào làm phục vụ ở đây được không?” - ông dò hỏi. Anh quản lý bảo: “Thầy nói bạn đến gặp em”.

12 năm qua, bằng cách “gửi gắm” như vậy, ông - tiến sĩ Đặng Thanh Vũ, giảng viên bộ môn du lịch Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM - đã tìm được việc làm cho cả ngàn học trò của mình. Cách tìm việc cho học trò của ông cũng khá đơn giản. Bằng những mối quan hệ từng làm việc nhiều năm trong ngành du lịch, ông gửi học trò của mình vào thực tập, làm việc. Và chính những sinh viên đã nhờ ông xin việc - như anh quản lý nọ - lại tiếp tục dìu dắt đàn em của mình. “Thầy giúp các em, chỉ mong các em giúp lại những bạn đi sau chứ không mong muốn gì hơn” - ông nhắn nhủ khi chở học trò đi nhận việc.

Để tìm thêm nguồn việc làm, nhiều hôm đang chạy xe ngoài đường, thấy mấy nơi đăng tuyển phục vụ, đầu bếp, ông dừng xe vào hỏi, cẩn thận ghi chép lại để giới thiệu cho học trò. Để giữ “mối”, cứ nơi nào gọi điện nhờ ông giới thiệu sinh viên, ông “sàng lọc” cẩn thận để đáp ứng theo yêu cầu, tiêu chuẩn của nơi tuyển. Ông luôn căn dặn: “Thầy chỉ giới thiệu được cho các em mấy việc bèo bèo để làm điểm tựa ban đầu. Nghề này (du lịch) phải đi lên từ những việc nhỏ nhất”. Rồi ông dặn dò sinh viên những bài về đạo đức nghề nghiệp như phải trung thực, cẩn thận, chịu khó và tuyệt đối không được “đá bill” (gian lận tiền của khách, của quán).

Rất nhiều học trò đang làm phục vụ, pha chế, tiếp tân, quản lý, phó giám đốc, giám đốc điều hành... tại các nhà hàng, khách sạn từ cao cấp đến bình dân tại TP.HCM. Niềm vui đối với ông là khi nghe học trò nói: “Thầy đã giúp con nhiều. Con sẽ coi mấy đứa như em của mình”. Đi dạy ở Đà Lạt, Đồng Tháp... ông cho số điện thoại để sinh viên nào muốn tìm việc ở Sài Gòn thì gọi. Nhiều bạn đang làm việc tại TP.HCM, xem ông như “cha tinh thần”, gọi “cha”, xưng “con”.

Sài Gòn chiều nắng nhạt. Chuông điện thoại của ông lại reo: “Em làm được việc gì? - điện thoại ông lại rung - Rồi, rồi. Để thầy hỏi cho”. Học trò lại gọi nhờ ông tìm việc. “Khi mình giúp sinh viên có công ăn việc làm ổn định thì gia đình các em cũng ổn định và xã hội sẽ ổn định. Như vậy, mình góp một phần rất nhỏ bé vào sự ổn định của xã hội” - ông nói về “triết lý” của mình.

Theo Hà Bình / Tuổi Trẻ

>> Thuê bảng quảng cáo để tìm việc
>> Sáng kiến tìm việc
>> Lao đao tìm việc cuối năm
>> Thừa cân khó tìm việc
>> Tìm việc và làm đẹp
>> Tìm việc làm cho 3.000 người
>> Chia sẻ kinh nghiệm tìm việc 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.