Hà Nội thời chiến

04/12/2012 03:20 GMT+7

Triển lãm đồ vật làm từ phế liệu chiến tranh Tôi kể chuyện này cho thấy sự lạc quan, linh hoạt của dân tộc ta trong cả chiến đấu và hòa bình.

Bộ bàn ghế “mô đéc” giản dị, không một chạm trổ. Nhưng có tới hai lọ hoa khác cỡ trong căn phòng với hồng nhung đỏ thắm. Chiếc võng cắt chéo một góc phòng. Bộ chén sáng ánh kim. Cô gái khoác ba lô đứng nép sau tấm ri đô màu cỏ. Nhưng đấy không phải là một không gian lính. Đúng hơn, đó là hình ảnh của nhiều gia đình đã trải qua một thời đạn lửa. Hiện vật, kỷ vật chiến tranh xộc thẳng vào đời sống còn nhiều thiếu thốn, làm cho mọi thứ đỡ thiếu thốn hơn mà cũng đỡ khô cứng hơn. “Phải tranh thủ chụp ảnh, vì không phải lúc nào ông Tiến cũng bày đồ ra thế này cho mình xem”, một nhóm người nữ xem và nói với nhau trong triển lãm Tôi kể chuyện này (3-8.12 tại 29 Hàng Bài, Hà Nội).

Ông Tiến mà các cô nói tới là nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến - người nhiều năm sưu tầm các đồ vật làm từ phế liệu chiến tranh. Hầu hết chúng làm từ vũ khí của quân đội Mỹ, một số ít khác của quân đội Pháp. Chúng lần lượt được bộ đội, nhân dân ta “hóa kiếp” thành đồ dùng sinh hoạt. Một cái kẻng báo giờ. Những chiếc võng dây dù. Những ri đô pháo sáng. Cối giã cua mũ sắt. Đèn dầu đạn cối… Triển lãm có cả thảy 52 đồ dùng như vậy.

 Hà Nội thời chiến
 Tái hiện một không gian nhiều năm trước với đồ dùng từ phế liệu chiến tranh - Ảnh: Trinh Nguyễn

Việc sưu tầm của ông Tiến cũng khá đặc biệt. Bởi mỗi đồ vật của các gia đình đều gắn với một con người, một cái tên cụ thể. Chính vì thế, muốn có được chúng, việc đầu tiên là xin miễn trả giá. Ông Tiến phải thuyết phục từng người, từng người một cho tới khi họ thấy ông đủ tin cậy để trao lại đồ vật quá khứ ấy của mình.

Chiến tranh dù gian khổ vẫn không ngăn người dân có những sáng tạo nghệ thuật riêng của mình. Chiếc gạt tàn của ông vua chèo Tào Mạt cũng còn đây với dòng chữ khắc “Xác máy bay thứ 2.600”. Gia đình nghệ sĩ Trần Lực có một chiếc chụp đèn bằng đạn pháo chạm trổ. “Tôi không rành về kỹ thuật để nói về độ khó của việc chạm, trổ. Tuy nhiên, chắc chắn các hiện vật tại đây đều được làm bằng tay”, ông Tiến cho biết.

Giàu cảm xúc, thú vị, nhưng hạn chế lớn nhất của triển lãm là lỗi trưng bày khi nhiều nhãn chú thích tiếc thay lại được dán ngay lên thân hiện vật. Điều này làm giảm giá trị toàn vẹn của mỗi kỷ vật đi rất nhiều.

Trinh Nguyễn

>> Triển lãm tranh của trẻ em đường phố VN tại Paris
>> Triển lãm Biên giới và biển đảo Việt Nam
>> Khai mạc triển lãm “Biên giới - Biển đảo Việt Nam”
>> Ba cuộc triển lãm cuối tuần
>> Xem triển lãm ảnh bên... bờ kênh Nhiêu Lộc
>> Triển lãm sản phẩm nông nghiệp của thanh niên nông thôn

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.