Nơm nớp với ngộ độc thực phẩm

31/10/2012 10:39 GMT+7

Tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tràn lan, nhưng trong 9 tháng đầu năm, cơ quan chức năng Bình Dương kiểm tra, chỉ phát hiện 129 cơ sở vi phạm.

Theo ngành y tế Bình Dương, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm làm 143 người phải nhập viên, 3 người người chết (do ngộ độc rượu ở Tân Uyên, tháng 1.2012-PV).

Ngộ độc  
Công nhân công ty Hansoll Vina (KCN Sóng Thần 1, Bình Dương) nhập viện nghi bị ngộ độc - Ảnh: Đỗ Trường

 Quản lý bất cập, chồng chéo

 Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo VSATTP Bình Dương tại cuộc họp mới đây, cho thấy hiện nay tình trạng quản lý VSATTP nảy sinh nhiều bất cập giữa doanh nghiệp (DN) và quản lý nhà nước. Bên cạnh đó còn tồn tại và nguy cơ phát sinh sự chồng chéo giữa các ngành được phân công quản lý về VSATTP. Điển hình như việc sản xuất mì ăn liền đang phải chịu sự quản lý của 3 ngành (ngành nông nghiệp quản lý dầu ăn, gói gia vị (hành, tỏi, muối); ngành công thương thì quản lý tinh bột; còn ngành y tế thì quản lý phụ gia, phẩm màu…). Còn báo cáo của ngành y tế tỉnh này cho hay, việc kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm từ các tỉnh vào Bình Dương chưa được chặt chẽ, đặc biệt là thịt gia súc, gia cầm, hoá chất, phẩm màu… Bên cạnh đó, chợ tự phát trên địa bàn cũng chưa được các cơ quan chức năng kiểm soát hết do các chợ này thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp xã.

 Khảo sát quy trình chế biến giết mổ gia súc, gia cầm
Đoàn giám sát HĐND tỉnh Bình Dương khảo sát quy trình chế biến giết mổ gia súc, gia cầm - Ảnh: Đỗ Trường

 Trao đổi với PV Thanh Niên, một cán bộ Sở Y tế Bình Dương cho biết, hiện nay rất khó để kiểm soát VSATTP do công tác thanh, kiểm tra còn hạn chế về số lượng và chất lượng: "Với số nhân lực hiện nay thì hàng năm cơ quan chức năng chỉ thanh, kiểm tra được khoảng 30% cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm trong danh sách quản lý"- Vị cán bộ nói. Chưa hết, Sở Y tế Bình Dương còn cho biết, khẩu phần ăn hiện nay của công nhân trong nhiều DN còn quá thấp, không đảm bảo về chất lượng, do đó rất khó để đảm bảo điều kiện VSATTP, nhất là chất lượng thực phẩm đầu vào. Nhiều chủ DN chưa quan tâm đến việc bảo vệ sức khoẻ người lao động.

Xử phạt không đủ răn đe

Theo Sở Y tế Bình Dương, hiện nay Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 38 của Chính phủ đã ban hành, nhưng chưa thực hiện được vì còn phải chờ thông tư hướng dẫn. Trong khi đó, Nghị định số 45/2005/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đến thời điểm hiện tại không còn phù hợp, vì mức xử phạt thấp, không đủ răn đe. Chính vì vậy, đến nay ở Bình Dương chưa có cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, bếp ăn tập thể vi phạm bị kiểm tra rút giấy phép hay đình chỉ hoạt động mà chỉ dừng lại ở việc xử lý hành chính, phạt tiền. Đại diện Ban Chỉ đạo ATVSTP Bình Dương cho rằng, việc đình chỉ hoạt động đối với bếp ăn tập thể hiện nay còn hạn chế vì sẽ tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN sử dụng nhiều lao động. “Nếu đình chỉ hoạt động của một bếp ăn tập thể một cách đột xuất thì DN sẽ không thể tìm được nhà cung cấp để phục vụ ăn uống cho công nhân, do đó cơ quan chức năng chỉ xử phạt vi phạm và yêu cầu cải thiện điều kiện VSATTP”, vị cán bộ này đúc kết..

Vào tháng 6.2012, xảy ra ngộ độc tại Công ty Fujikura Fiber Optics VN (KCN VSIP1, TX.Thuận An), làm 61 người phải nhập viện. Đến tháng 7.2012 xảy ra vụ ngộ độc tại Công ty TNHH Sản xuất Thịnh Việt II (H.Tân Uyên) làm 56 người phải đi cấp cứu. Tháng 9.2012, xảy ra vụ ngộ độc tại Công ty TNHH Hansoll Vina (KCN Sóng Thần 1, TX. Dĩ An) làm 23 người phải nhập viện...Trước tình hình ngộ độc thực phẩm diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo ATVSTP Bình Dương đưa ra 5 nhóm giải pháp để chấn chỉnh tình trạng hiện nay, gồm: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền VSATTP, nâng cao nhận thức cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dung; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về ATVSTP; phân công và đề ra quy chế phối hợp cụ thể giữa các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ. Và tăng cường nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật cho 3 ngành chủ chốt (Y tế, Nông nghiệp, Công thương) nhằm năng cao năng lực quản lý về ATVSTP.

Đỗ Trường

>> Công nhân bị ngộ độc thực phẩm
>> Giúp trẻ vượt cơn ngộ độc thực phẩm
>> Hơn 20 người bị ngộ độc thực phẩm
>> TP.HCM: Hơn 1.300 người bị ngộ độc thực phẩm mỗi năm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.