Lung linh Lễ hội Katê

18/10/2012 14:14 GMT+7

Ngày 16.10, bên tháp Po Sah Inư (đồi Bà Nài, P.Phú Hài, TP.Phan Thiết, Bình Thuận) đã diễn ra nghi lễ Katê truyền thống của người Chăm.

Lễ hội Katê bên Tháp Po Sah Inư được tái hiện mới mấy năm trở lại đây như đánh thức nền văn hóa độc đáo của người Chăm.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa, Lễ hội Katê có ảnh hưởng sâu sắc đến tâm linh, tín ngưỡng và tôn giáo của người Chăm theo đạo Bà La Môn (người Chăm ở Bình Thuận có hai đạo: Bà La Môn và Bà Ni). Trải qua 2 cuộc chiến tranh khốc liệt, Lễ hội Katê chỉ được tổ chức tại nơi bà con sinh sống và có nguy cơ mai một những nghi lễ quan trọng. Suốt 2/3 của thế kỷ 20, lễ hội truyền thống này không được tổ chức bên tháp Po Sah Inư. Mãi đến năm 2005, Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) UBND tỉnh Bình Thuận đã giao cho Sở Văn hóa- Thông tin (nay là Sở VH-TT-DL) tỉnh tổ chức khảo sát và điền dã dân tộc học. Qua nhiều cuộc hội thảo, với những ý kiến đóng góp của các chức sắc tôn giáo người Chăm, các nhà nghiên cứu đã phục dựng đầy đủ các nghi lễ của người Chăm bên chân tháp Po Sah Inư. Bà Võ Hoàng Tuyết Linh- Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Bình Thuận cho biết: “Việc tổ chức được Lễ hội Katê dưới chân tháp Po Sah Inư đã đáp ứng được khát vọng tín ngưỡng tinh thần của đại bộ phận bà con người Chăm, nhất là bà con theo đạo Bà La Môn ở các H.Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Tuy Phong. Lễ hội Katê là một trong bảy lễ hội quan trọng được chính quyền tỉnh Bình Thuận đặc biệt quan tâm và tổ chức hằng năm”.

 Lung linh Lễ hội Katê

Lung linh Lễ hội Katê
Múa Chăm bên Tháp Po Sah Inư và Lễ rước nữ thần Po Sah Inư - Ảnh: Quế Hà

Lung linh lễ hội

Ngay từ sáng sớm, bà con người Chăm từ xã Hàm Trí, thị trấn Ma Lâm, cách xa gần 20km đã kéo về tháp Po Sah Inư với khí thế hào hứng của ngày hội.  Ông Thông Bo, Vị sư cả của đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn ở H.Hàm Thuận Bắc xúc động nói: “Suốt 8 năm qua, bà con chúng tôi cứ tới dịp Tết Katê lại được tề tựu về bên tháp Mẹ (Tháp Po Sah Inư được bà con người Chăm ví như Tháp mẹ-PV) để cúng bái tổ tiên, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Tín ngưỡng của bà con được đáp ứng nhờ công rất lớn vào sự quan tâm của các cấp, nhất là các nhà nghiên cứu đã sưu tập khá đầy đủ những nghi lễ gần như bị mai một mấy chục năm qua”.

Trước khi diễn ra lễ rước kiệu nữ thần Po Sah Inư, tất cả các thiếu nữ Chăm phải trang phục chỉnh tề theo đúng truyền thống dân tộc. Những thiếu nữ Chăm nhẹ nhàng trong làn điệu múa quạt, tháp tùng kiệu Nữ thần từ dưới chân đồi Bà Nài lên đến cửa tháp. Những chàng trai Chăm khiêng kiệu Nữ thần, kèn trống nhịp nhàng hòa cùng tiếng hát Chăm của các cô gái.

Sau khi rước kiệu Nữ thần vào đến cửa tháp, tất cả các vị sư cả lại chuyển sang một nghi thức cự kỳ quan trọng khác, đó là nghi lễ mở cửa tháp. Lễ mở cửa tháp diễn ra trong sự uy nghiêm và sùng bái của bà con. Sau nghi lễ mở cửa tháp là nghi lễ tắm bệ thờ Linga-Yoni (linh vật). Sau đó là lễ thay trang phục cho nữ thần. Tiếp theo là đại lễ với các cuộc thi múa hát truyền thống, làm bánh gừng (loại bánh truyền thống không thể thiếu trong các lễ hội của người Chăm cả hai đạo). Các nhạc cụ truyền thống làm sống động trong lễ hội Katê, ngoài tiếng kèn Saranai chính là tiếng trống ghi-năng. Đôi tay nghệ nhân đánh trống chính là linh hồn giữ nhịp điệu trong suốt quá trình diễn ra lễ hội.

Lễ hội Katê hằng năm giờ đây là địa chỉ văn hóa không thể thiếu của du khách đến nghỉ dưỡng ở các resort Mũi Né. Nhiều resort còn tổ chức tái thể hiện lễ hội Katê, múa Chăm phục vụ du khách. Lễ hội còn là nơi thu hút rất nhiều du khách quốc tế. Với chiếc máy ảnh trong tay, anh David Kanle đến từ nước Pháp nói: “Lễ hội này thật là độc đáo. Đã ba lần dự, nhưng cứ đến dịp này là tôi lại đưa vợ đến đây để xem và chụp ảnh”.

Các tháp trên đồi Bà Nài được người Chăm xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 8, đầu thế kỷ thứ 9. Ban đầu để thờ vị thần Shiva có nguồn từ Ấn Độ, tôn giáo được người Chăm theo đạo Bà La Môn sùng bái. Sau đó, sang thế kỷ thứ 15 có thêm các đền thờ khác để thờ Po Sah Inư (con gái vua Para Chanh). Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều cuộc khảo cổ học chứng minh đã từng có nhiều ngôi tháp đã bị sụp đổ tại đây. Từ đó tháp Chăm trên đồi Bà Nài được gọi là Tháp Po Sah Inư. Hiện nay tháp được tôn tạo bảo dưỡng và được xếp hạng kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Quế Hà

>> Lễ hội Katê 2011
>> Lễ hội Katê
>> Tưng bừng lễ hội Katê
>> Ninh Thuận: Đồng bào Chăm đón chào lễ hội Katê
>> Lễ hội Katê 2006
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.