Giới trẻ Sài Gòn hào hứng với popping

03/04/2012 11:30 GMT+7

(TNO) Những cú giật người lạ mắt, những cử động hệt như một chú robot hay một con rối của popping, một môn nghệ thuật đường phố dù còn khá mới mẻ nhưng đang là mục tiêu chinh phục của không ít bạn trẻ TP.HCM.

(TNO) Những cú giật người lạ mắt, những cử động hệt như một chú robot hay một con rối của popping, một môn nghệ thuật đường phố dù còn khá mới mẻ nhưng đang là mục tiêu chinh phục của không ít bạn trẻ TP.HCM.

>> “Lửa” hip-hop Hà thành lại cháy...
>> Khẳng định một sân chơi của giới trẻ
>> Bắn súng sơn “hớp hồn” bạn trẻ
>> Leo núi giữa lòng thành phố

Bước đầu chinh phục

Popping hiểu đơn giản là kỹ thuật làm co và thả lỏng thật nhanh cơ bắp để tạo những cú “giật” trên cơ thể (còn gọi là một pop hoặc một hit). So với hiphop hay breakdance, popping vẫn có sức hút riêng vì những “cú giật” lạ và đẹp mắt.

Do popping vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam nên phần lớn các popper (những người tập popping) thường bắt đầu bằng cách tự học trên mạng từ những clip nước ngoài.


Nguyễn Trường Giang (Giang popper) trong đêm thi bán kết Vietnam’s Got Talent - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Bình Nguyên, 25 tuổi, hiện là nhân viên thiết kế tại một công ty nhưng đã làm quen với popping hơn ba năm. Quá ấn tượng trước những cú giật, những bước đi của một popper trong clip trên mạng, Nguyên bắt đầu tìm những clip hướng dẫn để tự tập luyện.

Khẳng định thiết kế là nghề chính của mình nhưng Nguyên cho biết anh không thể nào tách rời niềm đam mê popping. Anh chàng còn có cơ hội tham dự một workshop (hội thảo) của những popper người Pháp hướng dẫn những kỹ thuật cơ bản về popping.

Giống như Nguyên và nhiều bạn trẻ khác, Nguyễn Trường Giang, người lọt vào chung kết Vietnam’s Got Talent 2012 với môn popping cũng có hơn 10 năm tự tập popping qua internet vì lý do “khái niệm về popping ở Việt Nam vẫn còn mịt mù lắm”.

Tại cuộc thi Vietnam’s Got Talent năm nay, rất nhiều thí sinh đã chọn popping làm môn dự thi của mình như thí sinh Nguyễn Phan Triệu Vũ (16 tuổi), đến từ Buôn Mê Thuột, nhóm Freaky Funk đến từ TP.HCM…. Trong đó, hai thí sinh Nguyễn Trường Giang và Dương Mạnh Hòa đã xuất sắc giành tấm vé vào chung kết với bộ môn nghệ thuật này.
 

Giang cho biết tập một mình chẳng có ai khen để phát huy mà cũng chẳng có ai chê để khắc phục. Nhưng bù lại, nó tạo cho Giang một ưu điểm lớn đó là luôn giữ nguyên chính kiến của mình trong lúc luyện tập.

Tại TP.HCM, các bạn trẻ đam mê bộ môn này thường tụ họp với nhau thành nhóm nhỏ ở các công viên như Hoàng Văn Thụ, Gia Định… vào các giờ cố định (thường là buổi chiều, sau giờ học) để cùng luyện tập và chia sẻ với nhau những động tác hay, lạ mà mình học được hoặc sáng tạo được.

Một số nhóm nhảy chuyên nghiệp cũng tổ chức các lớp dạy popping với học phí dao động từ 50.000 - 150.000 đồng.

Không thể thiếu đam mê

Cũng như những môn nghệ thuật khác, popping không thể thiếu đam mê vì chính đam mê mới giữ người tập gắn bó lâu dài với bộ môn này.

Anh chàng Nguyễn Bình Nguyên dù bận rộn với công việc nhưng vẫn mạnh dạn lập nhóm X-Clawn quy tụ các bạn trẻ đam mê hiphop và popping. Nhóm của Nguyên từng tham gia thi đấu và đoạt nhiều giải thưởng trong nước và nước ngoài, gần đây nhất là giải nhất Pop still dope dành cho popping nhóm 3 người.


Các bạn trẻ tập popping ở Câu lạc bộ Lê Hồng Phong (169 Lê Hồng Phong, Q.5, TP.HCM) - Ảnh: Thanh Thanh

Với những kiến thức và kinh nghiệm thu nhặt được, Nguyên còn mở lớp, nhận học viên để duy trì niềm đam mê của mình.

Nguyên cho biết có đến hơn 70% người mới tập cảm thấy nản hay bỏ cuộc khi bước đầu tập hitting (co thắt cơ nhanh rồi thả lỏng ra), một kỹ thuật căn bản của popping.

“Nhiều lúc, bạn cứ đứng trước gương và tập mãi động tác co cơ tay rồi thả lỏng ra cho đến khi thuần thục. Phải có nghị lực và đam mê mạnh mẽ mới có thể đeo đuổi môn này”, Nguyên cho biết.

n (lớp 10, Trường trung cấp Tôn Đức Thắng) mê popping từ khi xem một popper biểu diễn trong giải Ring Masterz ở Đầm Sen sau đó cũng mày mò tự học trên mạng.

n cho biết nhiều lúc, tập hoài một động tác mà vẫn không xong khiến anh chàng nản chí vô cùng, lại thêm gia đình không mấy ủng hộ vì cho rằng “nhảy nhót không có tương lai”. Nhưng cuối cùng, n cũng vượt qua được những giai đoạn tưởng chừng “phải bỏ cuộc” đó để tiếp tục chinh phục những cú giật cơ, dợn sóng…

Cùng với Huy, một anh chàng sinh năm 1993 rất đam mê popping, từ Quảng Nam vào Sài Gòn ôn thi đại học, n đã thành lập nhóm P.o.P để luyện tập popping và chỉ dẫn cho những người lần đầu thử sức với môn nghệ thuật này.

Dù không phải là một môn dễ dàng chinh phục nhưng với những người tập popping thì càng tập lại càng mê.

“Điều hấp dẫn nhất ở bộ môn này chính là ảo giác. Tưởng tượng cánh tay mình như những con sóng, rồi cử động của mình như một con robot, một con rối, thật sự là điều thú vị”, popper Minh Thắng, người đã luyện tập popping được hai năm, chia sẻ.

Ai cũng có thể tập popping

Những bạn trẻ ở TP.HCM yêu thích và muốn làm quen với bộ môn popping có thể tham gia cùng nhóm P.o.P thuộc Sài Gòn Street từ 17 giờ đến 21 giờ 30 phút hằng ngày tại Công viên Hoàng Văn Thụ Khu B hoặc nhóm X-Clown từ 17 giờ 30 phút đến 19 giờ 30 phút thứ 3, 5, 7 tại số 169 Lê Hồng Phong, Q.5.
Theo các popper, môn popping không kén tuổi, bất cứ ai cũng có thể tập popping. Quan trọng là sự kiên trì và tự phấn đấu.

Muốn học popping, trước hết, bạn phải nắm khoảng hơn 20 style (kiểu nhảy) và kỹ thuật liên quan như: boogaloo (uốn và xoay nhiều bộ phận hoặc chỉ một phần riêng của cơ thể tạo cảm giác popper “không có xương”), animation (bắt chước cử động nhân vật hoạt hình), crazy legs (chuyển động nhanh đôi chân, xoay đầu gối và xoáy bàn chân)…

Điều quan trọng không kém là popper phải nắm bắt và phối hợp nhịp nhàng với âm nhạc đồng thời lan tỏa cảm xúc đến mọi người xung quanh.

Những người mới tập thường nghe theo những âm “chát - bùm” trong bản nhạc để co thắt đúng nhịp điệu. “Giống như bạn thường nhún hay nhịp chân khi nghe nhạc”, một popper giải thích.

Ngoài hai âm cơ bản này, các popper còn phải nắm bắt được những hiệu ứng khác trong bản nhạc đồng thời truyền tải nội dung và sáng tạo style của riêng mình dựa trên những kỹ thuật cơ bản.

Về trang phục, nếu như các popper ngày trước chuộng quần tây, áo sơ mi khoác ghi lê thì trang phục của các popper hiện nay khá thoải mái với áo thun, quần rộng.

Tuy nhiên, có một điều dễ nhận ra của người tập popping chính là đôi giày Ggumbe. Đôi giày này có giá khá đắt nhưng rất thích hợp với việc tập popping.

Thanh Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.