Tiếp tục đề nghị tử hình bị cáo "Kỳ án vườn mít"

19/05/2011 19:15 GMT+7

(TNO) Ngày 19.5, đại diện Viện KSND tỉnh Bình Phước vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị mức án tử hình đối với bị cáo Lê Bá Mai trong “Kỳ án vườn mít".

>> Lời khai của nhân chứng “chỏi” nhau
>> Xét xử sơ thẩm lần 3 “kỳ án” vườn mít

Đúng người, đúng tội!

Đại diện Viện KSND tỉnh Bình Phước đề nghị HĐXX tuyên bố Lê Bá Mai phạm hai tội “hiếp dâm trẻ em” và “giết người”. Tổng hợp hình phạt cho hai tội danh này là tử hình.

“Một lần nữa, chúng tôi khẳng định rằng việc Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Phước quyết định truy tố Lê Bá Mai ra trước TAND tỉnh Bình Phước để xét xử về các tội “hiếp dâm trẻ em” và “giết người” là hoàn toàn đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”, đại diện Viện KSND tỉnh Bình Phước nói. 


Bị cáo Lê Bá Mai nhận diện vật chứng trong phiên tòa chiều 19.5 - Ảnh: Trần Duy

Theo đại diện Viện KSND tỉnh Bình Phước, lời nhận tội của Mai phù hợp với lời của nhân chứng H. như: đi xe máy, mặc quần màu sẫm, đầu đội nón lá, đi dép lê màu trắng đục, mang theo bình xịt loại 16 lít; khi U. lên ngồi trên xe máy của Mai có nói H.: “Trông xe đạp” bằng tiếng Stiêng.

Đại diện Viện KSND tỉnh Bình Phước kết luận: bị cáo Lê Bá Mai vì muốn thỏa mãn dục vọng đã đánh U. ngất xỉu rồi thực hiện hành vi giao cấu. Vì sợ U. tố cáo, Mai đã không ngần ngại ra tay giết chết U.

Nhận diện vật chứng

Ngày 19.5, tòa tiếp tục phần thẩm vấn các nhân chứng liên quan. Trong thành phần dự khán phiên tòa, đa số là cán bộ Công an tỉnh Bình Phước, trong đó có điều tra viên trực tiếp thụ lý vụ án này và các kiểm sát viên của tỉnh.

Bà Thị Đê (mẹ của H, nhân chứng cùng đi mót sắn với U.) trả lời câu hỏi của chủ tọa thông qua một phiên dịch tiếng Stiêng. 

Tòa hỏi bà Thị Đê: “Bà không biết tiếng Kinh, vì sao có thể viết ra một bản cung dài?”. Thông qua người phiên dịch, bà Thị Đê cho biết, lúc ghi lời khai có cả người Kinh và người Stiêng ngồi bên cạnh bà nhưng do lâu ngày quá, bà không nhớ nội dung. 


Nhân chứng H. cho rằng đây là chiếc áo Mai mặc trong ngày xảy ra vụ án - Ảnh: Trần Duy 

Để đảm bảo tính khách quan của vụ án, chủ tọa cho cách ly các nhân chứng, chỉ gọi từng người một vào phòng xử để tránh trường hợp thông cung.

Ông Nguyễn Văn Trong, người cùng làm, cùng ăn ở với Mai vào thời điểm trước khi Mai bị bắt tại trang trại nơi xảy ra vụ án lần đầu tiên xuất hiện trong phiên tòa. Ông Trong khai vào sáng 12.11.2004 (ngày U. mất tích), lúc 6 giờ 30 phút, ông cùng Mai đi rải phân trồng mì. Đến khoảng 10 giờ cùng ngày, ông và Mai trở lại chòi nấu cơm ăn và nghỉ ngơi. Suốt cả ngày này, ông Trong thấy Mai vẫn làm việc bình thường, không có dấu hiệu bất thường.

Nhằm làm rõ thêm chi tiết các tang vật được thu giữ trong vụ án, tòa triệu tập ông Dương Bá Tuân, chủ thuê Lê Bá Mai làm vườn.

Chủ tọa: “Ông có điều gì cung cấp thêm cho HĐXX?”, ông Tuân nói vào ngày 16.11.2004, ông nhận được cuộc gọi của một người làm công cho ông biết Mai đã bị công an bắt. Theo đó, ông Trần Văn Sinh, công an viên của xã An Khương nói với người làm công này: “Nhắn lại với chú Tuân đem 20 triệu đồng lên chuộc thằng Mai về”.

Chủ tọa cũng cho phép bị cáo Mai và nhân chứng H. nhận diện vật chứng được mang đến phòng xử. Trong số các vật chứng, bị cáo Mai nhận diện được chiếc nón két màu đỏ, áo trắng ngả màu và chiếc quần xám. Trong khi đó, nhân chứng H. nhận diện một chiếc áo màu xanh (áo công nhân thường mặc). 

Công an viên thêm thắt tình tiết?

HĐXX cho phép luật sư (LS) Trịnh Thanh (Văn phòng LS Người nghèo, bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Mai) tham gia thẩm vấn bị cáo và nhân chứng.

Luật sư Thanh hỏi H. khi ông Sinh lấy lời khai (lúc ấy H. mới 9 tuổi) bên cạnh có những ai. H. trả lời có hai người bà con nhưng không có cha và mẹ. H. cho biết thêm chỉ mô tả hình dáng bình xịt (tang vật trong vụ án) không nói đó là loại bình xịt dung tích 16 lít; không nói ra chi tiết về người thanh niên chở U. đi cao 1,55m… như trong lời khai của công an viên tên Sinh. 


Các vật chứng có trong vụ án được mang đến tòa để bị cáo và nhân chứng nhận diện - Ảnh: Trần Duy

Trong khi đó, trả lời LS, ông Sinh khai rằng chi tiết về dung tích bình xịt thuốc, chiều cao của người thanh niên chở U. đi là do H. nói để ông viết vào tờ khai.

Chủ tọa đã cho nhân chứng H. và ông Sinh đối chất về hai chi tiết này. Ông Sinh giải thích với HĐXX: “Chắc là do cháu H. quên”.

Trong phần bào chữa cho bị cáo Mai, LS Trịnh Thanh cho rằng, đây là vụ án không có chứng cứ vật chất như những vụ án hiếp dâm, giết người thông thường như tinh dịch, dấu vân tay, vết máu… trên hiện trường hoặc trên người nạn nhân.

Ngoài ra, vụ án chủ yếu dựa vào hai nguồn lời khai của Lê Bá Mai và nhân chứng. Trong khi lời khai ban đầu nhân chứng H. chỉ xác định một thanh niên đi xe máy, mang bình xịt màu xanh, bình nước đá màu đỏ… Sau đó H. thay đổi lời khai nhìn thấy Mai mang theo những đồ vật này chở U. đi.

Chính ông Sinh trong biên bản lấy lời khai của H. cũng thừa nhận: lúc đó H. nói chỉ thấy một người thanh niên giống Mai chứ không khẳng định chắc chắn.

Tương tự, trong đơn trình báo ban đầu về việc U. mất tích, ông Điểu Ky (cha của H.) cũng chỉ ghi “một người thanh niên”. LS Trịnh Thanh cho rằng, các nhân chứng không giải thích được lý do thay đổi lời khai nên lời khai ban đầu có cơ sở hơn. Ngoài ra, lời khai của Mai mâu thuẫn với quy luật khách quan, biên bản hiện trường, biên bản pháp y…

Từ những căn cứ như trên, LS của bị cáo đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Lê Bá Mai vô tội.

Ngày mai (20.5), phiên tòa chuyển sang phần đối đáp và nghị án.

Trần Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.