Nhiều Bộ có số Thứ trưởng vượt quy định

05/04/2011 20:03 GMT+7

(TNO) Đây là một trong những thông tin đáng chú ý trong nội dung Báo cáo chuyên đề về thực hiện 10 năm cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 của Bộ Nội vụ tại Hội nghị giao ban trực tuyến về cải cách hành chính ngày 5.4.

>> Tệ cửa quyền, quan liêu, tham nhũng vẫn còn
>> Trọng tâm cải cách hành chính là nâng cao chất lượng cán bộ công chức

Theo báo cáo, cơ cấu tổ chức chính phủ khóa XII có 30 cơ quan, trong đó có 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc chính phủ (so với chính phủ khóa XI giảm được 7 đầu mối, trong đó giảm 4 bộ, cơ quan ngang bộ). Chính phủ có 27 thành viên, gồm Thủ tướng, 5 Phó Thủ tướng, 21 thành viên chính phủ là Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ (có một Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; giảm 3 thành viên so với chính phủ khóa XI).
 
Đánh giá chung sau 10 năm cải cách tổ chức bộ máy hành chính, Bộ Nội vụ khẳng định: cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa sau tinh gọn, hợp lý hơn khóa trước; số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ từ 48 cơ quan năm 2001 đến 2010 còn 30 cơ quan; giảm được 18 cơ quan.

Kết quả cải cách tổ chức bộ máy là đã hình thành được các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực để làm cho bộ máy tổ chức Chính phủ được tinh gọn và khắc phục đáng kể tình trạng bỏ trống hoặc chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo tính thống nhất, thông suốt và liên thông giữa các ngành, lĩnh vực khi nằm trong cùng một bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

Nhiều bộ vượt từ 3 - 6 Thứ trưởng

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước 10 năm qua mà trước hết là chưa phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của một số bộ, ngành, lĩnh vực. Một số cơ quan hiện nay vẫn chưa xác định rõ vị trí pháp lý, như Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP.HCM.

Đáng chú ý, số lượng các Thứ trưởng thuộc các bộ quá nhiều so với quy định của Chính phủ. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 178/2007 của Chính phủ, mỗi bộ, cơ quan ngang bộ không quá 4 Thứ trưởng và tương đương, nhưng thực tế có những bộ như Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương đều có tới 10 Thứ trưởng. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính có tới 7 Thứ trưởng. Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ có 6 Thứ trưởng. Đa số các bộ còn lại đều có 5 Thứ trưởng.

Tương tự, một số bộ có số lượng cán bộ cấp phó của tổ chức vụ, cục cũng nhiều hơn theo quy định. Có những vụ có tới 7 - 8 Phó Vụ trưởng, trong khi Chính phủ quy định không quá 3 cán bộ lãnh đạo cấp phó.

Nguyên nhân những tồn tại, hạn chế, bất cập nói trên được xác định là do việc phân định chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ vốn là vấn đề phức tạp, không đơn giản, nhất là thực tế quá trình tổ chức thực hiện. Mặt khác, do có một số luật chuyên ngành và nghị định hướng dẫn thực hiện chưa bảo đảm nguyên tắc mỗi việc chỉ giao cho một cơ quan thực hiện và chịu trách nhiệm, chưa thực sự khách quan nên tạo ra sự chồng chéo, trùng chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan với nhau.

Nguyên nhân khác, theo Bộ Nội vụ là “do chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ về thành lập các tổ chức hành chính”.

Bộ Nội vụ cho rằng “một số bộ có số lượng cấp phó tăng thêm quá nhiều như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương có tới 10 Thứ trưởng như hiện nay là không phù hợp”.

Từ thực tiễn nêu trên, Bộ Nội vụ đề xuất thời gian tới “tiếp tục cải cách cơ cấu tổ chức Chính phủ các khóa XIII, XIV, XV theo hướng giảm dần số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ đến mức cần thiết, phù hợp với vai trò, chức năng của Chính phủ, các bộ trong tình hình mới. Đến cơ cấu tổ chức Chính phủ các khóa XIV, XV có thể ổn định số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ khoảng dưới 20 cơ quan phù hợp theo mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp giữa Chính phủ và chính quyền cấp tỉnh gắn với việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chính phủ, các bộ và chính quyền địa phương trong quản lý phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.