Nhiều bộ 'cát cứ' số liệu thống kê

17/08/2016 05:43 GMT+7

Đó là một trong những nguyên nhân khiến số liệu thống kê mù mờ, thiếu chính xác, trong khi đây là cơ sở cho các phân tích chuyên đề nhằm tham mưu cho Chính phủ.

Loạn số liệu thống kê là nội dung chính trong buổi làm việc của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ với Tổng cục Thống kê (TCTK) hôm qua (16.8).
"Thèm" các con số biết nói
Lấy các số liệu thống kê về doanh nghiệp (DN) để minh chứng, ông Huệ nhận xét, các số liệu này quá tập trung vào việc trưng ra ngồn ngộn các DN giải thể, thành lập mới, quay trở lại… nhưng rất mù mờ, giá trị sử dụng thấp. "Có thể một DN lớn ngừng hoạt động thì bằng cả vạn DN nhỏ thành lập mới. Nên thống kê cần thêm các thông số về quy mô vốn, số lượng lao động, giá trị nộp thuế trong kỳ, làm ăn có lãi hay không… tức là cần thêm những kiến giải để thấy tình hình ra sao. Phải làm sao để có được những con số biết nói", Phó thủ tướng chỉ rõ.
Dẫn câu chuyện ô tô nhập khẩu từ Thái Lan vào VN đã vượt các thị trường lớn như Nhật Bản hay Hàn Quốc, Phó thủ tướng đặt hàng cơ quan thống kê một bản báo cáo kèm phân tích về tình hình thương mại với các nước ASEAN để phục vụ cho cuộc họp về tình hình xuất nhập khẩu với Bộ Công thương trong vài ngày tới. "Đã hơn nửa năm từ ngày chúng ta gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), những lo ngại về việc VN trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hóa trong khu vực đang dần thành hiện thực, khi mà nhập siêu từ Trung Quốc giảm nhưng từ các nước trong khu vực, như với Thái Lan, đang tăng nhanh. Chúng ta rất cần những phân tích kiểu này để tham mưu cho Chính phủ trong điều hành", Phó thủ tướng nói.
Tương tự, ông Huệ cũng than phiền về việc rất thiếu những số liệu về các ngành dịch vụ, lao động hay những số liệu chuyên biệt về các vùng kinh tế xã hội hoặc vùng kinh tế động lực. "Khi còn làm ở Bộ Tài chính, tôi đều yêu cầu các ngành thuế, hải quan có những báo cáo, phân tích chuyên đề như vậy. Nhưng đến khi chuyển công tác, phải chạy sang nhờ các thầy cô Trường Kinh tế quốc dân tính toán hộ. Bây giờ làm Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ mà rất thiếu các số liệu chuyên đề về đồng bằng sông Cửu Long", ông Huệ nói.
Loạn số liệu
Lãnh đạo Chính phủ cũng chất vấn ngành thống kê về tình trạng loạn số liệu. “Tân Bộ trưởng NN-PTNT nói trước Quốc hội xuất khẩu thịt heo vừa qua là 200.000 tấn, nhưng Bộ Công thương bảo chỉ 30.000 tấn, vậy thì số liệu tính vào tăng trưởng kinh tế xã hội là số nào? Hay câu chuyện thống kê nói chênh lệch xuất khẩu khoáng sản VN - Trung Quốc là 5 tỉ USD song hải quan nói không phải. Thủ tướng cũng quan tâm tới số liệu thất nghiệp, việc làm mà không biết là số nào...”, Phó thủ tướng nói.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng than thở, trong nhiều lần làm việc với các tổ chức quốc tế, ông rất băn khoăn khi phải viện dẫn các số liệu vì sự chênh lệch giữa các nguồn là rất lớn. "Do vậy, chúng tôi rất muốn ngành thống kê có những số liệu đáng tin cậy để sử dụng trong điều hành", ông Hải nói.
Ông Phạm Quang Vinh, Phó tổng cục trưởng TCTK thừa nhận, tình trạng hạn chế chia sẻ, thậm chí cát cứ trong các bộ ngành là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng số liệu chưa được tin cậy.
GDP địa phương tăng gấp đôi cả nước
Tại hội nghị, cách tính số liệu tăng trưởng kinh tế của địa phương được đưa ra mổ xẻ nhiều nhất. Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia cho hay, do GDP được coi là một chỉ tiêu quan trọng nhất trong điều hành kinh tế nên các tỉnh đều tính chỉ số này (ở địa phương là GRDP). Thế nhưng, điều đáng nói là trong khi hầu hết các tỉnh đều tăng trưởng hai con số thì GDP của cả nước chỉ 6 - 7%, thấp gần 1/2. "Theo quy định, một công trình được xây trên tỉnh nào thì tính vào GRDP cho tỉnh đó nhưng vì DN xây dựng lại đến từ tỉnh khác nên quyết toán xong vẫn mang báo cáo về tính vào địa phương mà DN này đặt trụ sở", ông Tuyến giải thích.
Đại diện Cục Thống kê Phú Thọ nói thẳng, ở địa phương, ngành thống kê chịu rất nhiều áp lực khi công bố số liệu thật. "Nhiều khi "phải lựa" để công bố con số, nếu không thì phải trả những cái giá không tính được. Chưa nói về phạm vi thì Cục Thống kê địa phương không đủ thẩm quyền với các ngành, DN hoạt động liên tỉnh như hàng không, ngân hàng", vị này nói.
Để giảm áp lực cho địa phương, theo ông Hà Quang Tuyến, bắt đầu từ năm 2017, việc tính GRDP sẽ được chuyển giao từ địa phương về cho TCTK. Các cục thống kê chỉ làm nhiệm vụ khảo sát, thu thập thông tin. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, TCTK chỉ cần xây dựng các nguyên tắc tính toán, làm mẫu một hai năm đầu rồi chuyển giao cho địa phương. Cùng với đó là hậu kiểm để họ làm đúng, tránh mỗi nơi tính một phách chứ không nên làm thay việc của cơ quan chuyên môn cấp dưới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.