Ổn định thị trường ngoại hối phát triển kinh tế xã hội

14/05/2009 11:48 GMT+7

Nhằm giúp doanh nghiệp và người dân hiểu bản chất của các diễn biến trong nền kinh tế nói chung và thị trường ngoại tệ nói riêng, trên cơ sở đó có ứng xử phù hợp, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí. Sau đây là toàn văn nội dung cuộc phỏng vấn Phó thống đốc:

Phóng viên: Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hiện nay các doanh nghiệp rất khó mua được ngoại tệ của ngân hàng. Các ngân hàng không có ngoại tệ để bán cho doanh nghiệp và nếu có bán mức tỷ giá cũng cao hơn mức tỷ giá trần do NHNN quy định từ 1% đến 2%. Đề nghị phó Thống đốc cho biết ý kiến của mình về tình hình này.

Phó thống đốc Nguyễn Văn Bình: NHNN luôn theo dõi rất sát mọi diễn biến trên thị trường ngoại tệ trong và ngoài nước. Khoảng 3 tuần gần đây thị trường ngoại tệ có biểu hiện căng thẳng trở lại, nhu cầu mua ngoại tệ vượt khả năng có ngoại tệ để bán của các ngân hàng Thương mại. Chỉ sau gần một tháng NHNN mở rộng biên độ giao dịch từ + 3% lên + 5%, các NHTM đã phải niêm yết tỷ giá mua vào lẫn bán ra ở mức tỷ giá trần. Các doanh nghiệp rất khó khăn để mua được ngoại tệ và có nhiều doanh nghiệp phải mua với mức tỷ giá cao hơn mức trần do NHNN qui định.

Phóng viên: Thưa Phó thống đốc, theo các thông tin được công bố chính thức trong thời gian qua: 4 tháng đầu năm 2009, sau nhiều năm nhập siêu, thì Việt Nam lại có xuất siêu. Cán cân thương mại và cán cân vãng lai đều thặng dư. Trong bối cảnh đó, đề nghị Phó thống đốc cho biết đâu là nguyên nhân của tình trạng căng thẳng về ngoại tệ nêu trên.

Phó thống đốc Nguyễn Văn Bình: Số liệu thống kê cho thấy quý I/2009 kim ngạch xuất khẩu đạt 14,14 tỉ USD (theo giá FOB) tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2008; kim ngạch nhập khẩu đạt 11,81 tỉ USD (theo giá FOB), giảm 41,3% so với cùng kỳ năm 2008. Do vậy, cán cân thương mại thặng dư 2,32 tỉ USD trong khi cùng kỳ năm 2008 thâm hụt 6,95 tỉ USD. Cán cân vãng lai quý I/2009 thặng dư ở mức 2,6 tỉ USD, ngược hẳn với mức thâm hụt 6,1 tỉ USD của cùng kỳ năm 2008. Như vậy nếu đứng trên phương diện phân tích vĩ mô một số cân đối lớn của cán cân thanh toán thì tình hình được cải thiện hơn rất nhiều so với quý I/2008.

Qua phân tích, đánh giá một cách toàn diện, chúng tôi cho rằng những diễn biến gần đây trên thị trường ngoại hối trong nước có một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Yếu tố tâm lý: doanh nghiệp và người dân đều nhận thức sâu sắc rằng năm 2009 nền kinh tế nước ta vẫn tiếp tục phải đương đầu với những khó khăn, thách thức của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu. Xuất khẩu, đầu tư nước ngoài cả trực tiếp lẫn gián tiếp, kiều hối, du lịch, khả năng vay vốn nước ngoài… hay nói một cách khác các nguồn cung ngoại tệ cho nền kinh tế đều giảm sút và thậm chí một số lĩnh vực còn giảm sút rất mạnh. Từ suy nghĩ đó đã tạo ra tâm lý lo ngại sự mất giá mạnh của VND dẫn đến găm giữ ngoại tệ. Các doanh nghiệp xuất khẩu hay các doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ thì găm giữ trên tài khoản hoặc chỉ bán nhỏ giọt cho thị trường. Các doanh nghiệp nhập khẩu thì vội vã bằng mọi cách và bằng mọi giá đi mua ngoại tệ. Một bộ phận người dân cũng chuyển từ tiền gửi nội tệ sang tiền gửi ngoại tệ. Theo số liệu thống kê của NHNN số dư tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức kinh tế tăng liên tục trong suốt 4 tháng đầu năm 2009. Tiền gửi ngoại tệ của cả nền kinh tế tăng 3,35%. Đây là hiện tượng không bình thường. Hàng năm, số dư tiền gửi của tổ chức kinh tế lên xuống khá mạnh theo chu kỳ xuất, nhập khẩu, tạo ra sự lưu thông của nguồn ngoại tệ nhằm tự điều tiết cung - cầu ngoại tệ trên thị trường. Bốn tháng đầu năm nay số ngoại tệ này hầu như đóng băng.

Bên cạnh đó, hoạt động đầu cơ trên thị trường chợ đen cũng thừa cơ trỗi dậy. Nắm được tâm lý của doanh nghiệp và người dân, giới đầu cơ chủ động đưa ra các tin đồn thất thiệt, thậm chí còn tự tạo ra các đợt sóng trên thị trường ngoại tệ để mua bán kiếm lời với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Yếu tố khách quan: Từ cuối năm 2008 đến nay, Chính phủ đã đưa ra các gói gồm nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm hạn chế đến mức tối đa các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu, duy trì tăng trưởng hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; trong đó có nhóm giải pháp hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn ngân hàng bằng VND cho cả ba kỳ hạn: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Những chỉ số kinh tế vĩ mô của quý I và 4 tháng đầu năm 2009, cũng như tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng đều qua các tháng là minh chứng cho sự đúng đắn và kịp thời của các giải pháp nêu trên, được dư luận xã hội đánh giá rất tích cực.

Tuy nhiên, cũng có một thực tế là khi ta tiến hành hỗ trợ lãi suất vay VND 4% đã đưa mặt bằng lãi suất vay VND thực tế của các doanh nghiệp và dân cư xuống 5% - 6% (trong một số trường hợp còn thấp hơn). Mặt bằng lãi suất này cũng bằng mặt bằng lãi suất cho vay ngoại tệ hiện hành của hệ thống NHTM. Điều này vô hình chung đã khuyến khích các doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tiến hành vay vốn bằng VND để mua ngoại tệ của các NHTM thay vì vay vốn bằng ngoại tệ (hiệu quả kinh tế như nhau lại không bị rủi ro về biến động tỷ giá). Thậm chí nhiều doanh nghiệp đang có số dư vay vốn ngân hàng bằng ngoại tệ cũng tìm mọi cách vay VND mua ngoại tệ để trả nợ trước hạn vốn vay ngoại tệ cho ngân hàng. Số liệu thống kê cho thấy 4 tháng đầu năm 2009 tăng trưởng tín dụng nói chung của cả nền kinh tế là 11,6%, trong khi đó tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ lại giảm 2,5%. Thực tế này đã làm tăng đột biến nhu cầu mua ngoại tệ trong nền kinh tế thay vì nhu cầu đó được giải quyết hài hòa qua các kỳ hạn khác nhau trong cả năm, thậm chí cho cả các năm tiếp theo. Như đã nói ở trên, tiền gửi ngoại tệ trong hệ thống NH vẫn tiếp tục tăng lên, trong khi tín dụng bằng ngoại tệ lại giảm, dẫn đến tình trạng hệ thống ngân hàng “thừa” ngoại tệ để cho vay nhưng lại thiếu ngoại tệ để bán cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, cũng còn phải kể đến một hiện tượng rất phổ biến là hiện nay nhiều doanh nghiệp và người dân có nguồn thu ngoại tệ, thay vì trước đây để phục vụ cho sản xuất kinh doanh trong nước của mình họ bán ngoại tệ cho hệ thống NHTM lấy VND, thì nay dùng ngoại tệ để thế chấp vay VND. Theo tính toán gửi ngoại tệ tại ngân hàng để lấy lãi suất 2% đến 3%, vay VND sau hỗ trợ phải trả từ 5% đến 6%, như vậy thực tế phải trả lãi vốn vay ngân hàng ở mức 2% - 3%. Do vậy, theo tính toán của họ đi vay ngân hàng không những không phải trả lãi mà còn được hưởng lãi.

Tóm lại: đang tồn tại những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng găm giữ, tích trữ ngoại tệ của doanh nghiệp và dân cư; nhu cầu mua ngoại tệ tăng đột biến trong khi nhu cầu vay ngoại tệ lại giảm sút. Hệ thống ngân hàng “thừa” ngoại tệ để cho vay, thiếu ngoại tệ để bán, thị trường ngoại hối căng thẳng, có rất ít giao dịch và nếu có đều giao dịch trên mức tỷ giá trần do NHNN qui định.

Phóng viên: Qua ý kiến của Phó thống đốc cho thấy, NHNN không những nắm rất rõ mọi diễn biến trên thị trường ngoại hối mà còn đánh giá chính xác những nguyên nhân dẫn đến tình hình căng thẳng của thị trường hiện nay. Vậy theo phó Thống đốc, NHNN sẽ có những biện pháp gì để đối phó với tình hình.

Phó thống đốc Nguyễn Văn Bình: Trong y học, khi đã xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh thì sẽ có biện pháp điều trị phù hợp. Tuy nhiên, để giải pháp điều trị đạt kết quả như mong muốn rất cần đến sự hợp tác về mọi mặt của người bệnh. Nói một cách khác, để các giải pháp của NHNN phát huy được tác dụng, bình ổn được thị trường ngoại hối trong nước, chúng ta rất cần đến sự hợp tác, sự đồng thuận của doanh nghiệp và người dân.

Căn cứ vào các nguyên nhân nêu trên, chúng tôi xác định phải tiến hành đồng bộ theo 3 nhóm giải pháp chính sau đây: (1) Thông tin tuyên truyền, (2) Sử dụng các công cụ kinh tế, (3) Chấn chỉnh thị trường, chống đầu cơ.

(1) Nhóm giải pháp thông tin, tuyên truyền:

Mục tiêu của nhóm giải pháp này là NHNN sẽ kịp thời cung cấp một cách công khai, minh bạch các thông tin cần thiết để giúp doanh nghiệp và người dân hiểu đúng, hiểu đầy đủ bản chất của mọi diễn biến trong nền kinh tế nói chung và thị trường ngoại tệ nói riêng và trên cơ sở đó có ứng xử phù hợp.

Như tôi đã đề cập ở phần trên, năm 2009 là một năm khó khăn của nền kinh tế nước ta, tuy nhiên đứng trên phương diện phân tích một số cân đối lớn của nền kinh tế như cán cân thương mại, cán cân vãng lai và cán cân thanh toán tổng thể thì tình hình còn tốt hơn nhiều so với năm 2008. Ngay từ đầu năm, NHNN đã tiến hành dự báo cán cân thanh toán cho cả năm 2009 theo nhiều kịch bản khác nhau của nền kinh tế trong nước và quốc tế. Kết quả cho thấy mức thâm hụt trung bình của cán cân thanh toán là trên, dưới một tỉ USD. Ngay cả với kịch bản xấu nhất thì mức thâm hụt này cũng chỉ gần 2,5 tỉ USD. Trong khi đó dự trữ ngoại hối của nước ta vẫn đang duy trì ở mức 20 tỉ USD, đủ sức để bù đắp mọi thiếu hụt của cán cân thanh toán. Kết quả dự báo này cũng phù hợp với kết quả dự báo cán cân thanh toán Việt Nam năm 2009 do Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tiến hành. Thực tế diễn ra trong 4 tháng đầu năm 2009 cũng đã khẳng định mức độ chính xác của dự báo.

Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã bàn luận nhiều về tỷ giá và cũng đã có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Vậy phải hiểu về vấn đề này như thế nào cho đúng. Về mặt lý thuyết, có rất nhiều phương pháp khác nhau để xác định tỷ giá và phải căn cứ vào nhiều tham số của nền kinh tế trong và ngoài nước. Có những phương pháp phải nhờ đến các chương trình máy tính khá công phu. Tuy nhiên, tất cả các cách xác định tỷ giá đó chỉ mang tính tham khảo, dẫn chiếu. Đối với những nước còn chế độ quản lý ngoại hối như nước ta việc xác lập tỷ giá còn phụ thuộc rất nhiều vào các mục tiêu chính sách cần đạt được. Trong mọi phương án tính tỷ giá, yếu tố lạm phát là một yếu tố quan trọng. Thông thường, mức độ phá giá của một đồng tiền thấp hơn mức độ lạm phát. Năm 2008 lạm phát của ta là 19,89%, ta cũng phá giá VND sấp sỉ 9% và thị trường ngoại hối về cơ bản đã ổn định trở lại, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá rất tích cực. Báo cáo kinh tế Việt Nam 2008 của IMF đã nhận định: điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối 2008 của Việt Nam là đáng khen ngợi. Năm nay, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, mức lạm phát của ta sẽ vào khoảng 5 đến 6%. Như vậy, mức mất giá của VND được kỳ vọng cũng chỉ ở mức đó mà thôi, thậm chí còn thấp hơn. Cũng còn có một cách khác để kiểm chứng nhanh mức độ phù hợp của tỷ giá đó là: mức phá giá của đồng nội tệ không vượt quá chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa nội tệ và ngoại tệ. Hiện nay, trong hệ thống ngân hàng lãi suất huy động USD và VND trung bình ở mức sấp sỉ 2% và 8%. Như vậy, theo phương pháp giản đơn này thì mức mất giá tối đa của VND cũng không vượt qua 5 - 6%. Trên thực tế, ngày 25.12.2008 nhằm tạo đà xuất khẩu cho năm 2009 NHNN đã phá giá VND 3%; ngày 24.3.2009, nhằm tạo ra khả năng linh hoạt hơn trong mua bán ngoại tệ giữa khách hàng và ngân hàng, NHNN đã điều chỉnh biên độ giao dịch từ + 3% lên + 5%. Như vậy tính chung đến nay, NHNN đã cho phép khả năng VND mất giá tới 5%, hay nói một cách khác, nhằm tạo đà cho xuất khẩu, tránh tâm lý lo ngại việc mất giá mạnh của VND, tạo điều kiện ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, NHNN đã cấp trước “Quota tỷ giá” cho cả năm 2009.

Tóm lại: phân tích kinh tế vĩ mô cho thấy trong mọi hoàn cảnh của nền kinh tế trong nước và quốc tế, nhà nước ta hoàn toàn có đủ khả năng cân đối đủ ngoại tệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; không có lý do gì để kỳ vọng vào việc phá giá mạnh của VND.

(2) Nhóm giải pháp sử dụng các công cụ và biện pháp kinh tế:

Như đã trình bày ở trên, đang có hiện tượng các doanh nghiệp và người dân găm giữ và tích trữ ngoại tệ; các doanh nghiệp nhập khẩu chỉ muốn mua ngoại tệ mà không muốn vay ngoại tệ; các ngân hàng “thừa” ngoại tệ để cho vay nhưng thiếu ngoại tệ để bán. Hay nói một cách khác thị trường ngoại hối hầu như chỉ có một chiều cầu, còn chiều cung hầu như án binh bất động - thị trường thiếu thanh khoản.

Hiện nay mặt bằng lãi suất huy động USD của các ngân hàng phổ biến ở mức từ 2 đến 3%. Do không cho vay ra được nên nếu các ngân hàng huy động càng nhiều USD thì sẽ càng lỗ vì: các ngân hàng phải gửi số ngoại tệ này ở nước ngoài với mức lãi suất thấp hơn rất nhiều so với mức 2 đến 3% và rủi ro cũng rất lớn do các ngân hàng ở nước ngoài đang phải vật lộn với khủng hoảng. Các ngân hàng cũng có thể gửi tại NHNN hầu như không có rủi ro nhưng lãi suất chỉ ở mức 0,1%. Như vậy về bản chất kinh tế, các ngân hàng phải cùng nhau đưa mặt bằng lãi suất huy động USD xuống thấp hơn nữa (theo quan điểm của chúng tôi phải ở mức từ 1 đến 2% là tối đa). Khi đó mới có điều kiện để đưa mặt bằng lãi suất cho vay USD xuống mức thấp hơn (theo tính toán sẽ ở mức từ 1,5% đến 3,5%). Điều này sẽ tạo chênh lệch lãi suất giữa vay vốn USD và VND ở mức từ 2% đến 3% - điều kiện hấp dẫn hơn để khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn USD thay vì chỉ đi mua USD. Các ngân hàng thương mại đang rất muốn điều này nhưng còn nhìn nhau. NHNN đã đang và sẽ tiếp tục chỉ đạo các NHTM thông qua Hiệp hội Ngân hàng nhằm tạo ra sự đồng thuận và triển khai đồng bộ giữa các NHTM theo hướng này.

Như đã trình bày ở trên, khi ta tiến hành hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn bằng VND cũng đã tạo ra sự mất cân đối giữa mặt bằng lãi suất VND và USD. Điều này tạo điều kiện kinh tế thuận lợi cho các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ găm giữ lại ngoại tệ và đi vay VND để phục vụ sản xuất kinh doanh của mình. NHNN đang khẩn trương hoàn thiện phương án để sớm hướng dẫn các TCTD áp dụng mức lãi suất tiền gửi thích hợp đối với các tổ chức kinh tế có nguồn thu ngoại tệ.

Thời gian qua cũng có nhiều ý kiến cho rằng khi đã tiến hành hỗ trợ 4% lãi suất vay ngân hàng cho cả 3 kỳ hạn thì cũng phải áp dụng biện pháp hỗ trợ lãi suất vay vốn ngoại tệ. Xét về tính hợp lý và logic, chúng tôi cho rằng cách đặt vấn đề như vậy là đúng đắn. Tuy nhiên, để triển khai được phải đảm bảo tính khả thi. NHNN đang tích cực nghiên cứu để đánh giá toàn diện phương án này.

Gần đây trong dư luận xã hội cũng có ý kiến cho rằng trước hiện tượng găm giữ ngoại tệ của các doanh nghiệp gây ảnh hưởng đến việc luân chuyển bình thường của thị trường ngoại hối và đề nghị phải tiến hành biện pháp kết hối. Về mặt pháp lý cũng phải khẳng định rằng pháp luật về quản lý ngoại hối của ta cũng như các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết đều cho phép các bên tham gia được tiến hành biện pháp này nhằm bảo vệ cán cân thanh toán trước các tác động của các cú sốc từ bên ngoài. Ở Việt Nam ta cũng mới bỏ kết hối hoàn toàn từ năm 2003. Trên thế giới và trong khu vực vẫn còn các nước duy trì biện pháp kết hối toàn bộ hay từng phần. Tuy nhiên phải đánh giá rằng việc bãi bỏ hoàn toàn chế độ kết hối là một thành quả, một bước tiến, một nỗ lực to lớn của đất nước chúng ta trên con đường xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Như phân tích ở trên cho thấy mặc dù bị ảnh hưởng mạnh của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu nhưng những cân đối vĩ mô lớn của cán cân thanh toán năm nay của ta vẫn khả quan, thậm chí còn được cải thiện hơn nhiều so với năm 2008. Đó là nền tảng để ta không phải áp dụng biện pháp kết hối. Tuy nhiên, chúng tôi hoàn toàn chia sẻ những bức xúc trong dư luận xã hội về việc một số tổ chức kinh tế lớn được tạo mọi điều kiện thuận lợi trong sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu mang lại nguồn ngoại tệ cho đất nước lại găm giữ ngoại tệ để chuộc lợi. Thực tế này phải được kịp thời chấn chỉnh và xử lý.

Hiện nay NHNN đang tiến hành hoán đổi ngoại tệ trên quy mô lớn với các NHTM vừa nhằm tạo thêm nguồn vốn VND để các NHTM cấp tín dụng cho nền kinh tế theo các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, vừa giải quyết bài toán “thừa” ngoại tệ để cho vay của các NHTM, đồng thời NHNN trước mắt có thêm nguồn ngoại tệ để bán can thiệp mạnh mẽ hơn, tạo thanh khoản và kích hoạt trở lại hoạt động bình thường của thị trường ngoại hối.

(3) Nhóm giải pháp chấn chỉnh thị trường, chống đầu cơ:

Năm 2008 với sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Công an, Bộ Công thương và Ủy ban Nhân dân tỉnh các cấp công tác chấn chỉnh thị trường mua bán ngoại tệ trái phép, chống đầu cơ đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên thời gian gần đây hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép lại trỗi dậy với quy mô và thủ đoạn ngày càng tinh xảo hơn.

Ngày 8.5.2009 tại công văn số 695/TTg - KTN Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng các bộ: Công an, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, TP.HCM chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, đặc biệt là các hoạt động: thu đổi ngoại tệ trái phép, quảng cáo, niêm yết giá hàng hóa và dịch vụ bằng ngoại tệ. NHNN cũng đã tiến hành họp và có công văn chính thức gửi các bộ, ngành và UBND các thành phố nói trên để phối hợp với NHNN trên địa bàn triển khai quyết liệt công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép, chống đầu cơ. Chúng tôi đều thống nhất rằng công tác này phải được tiến hành kiên quyết, thường xuyên và có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Trong hệ thống ngân hàng, NHNN cũng có nhiều biện pháp nghiệp vụ kể cả tiến hành thanh tra tại chỗ hoạt động mua bán ngoại tệ của các NHTM, xử lý nghiêm khắc các hành vi cố tình mua bán ngoại tệ vượt trần qui định.

Tóm lại: chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng với việc triển khai đồng bộ 3 nhóm giải pháp nêu trên, doanh nghiệp và người dân sẽ hiểu rõ, thực chất các diễn biến kinh tế vĩ mô, tin tưởng vào sự ổn định của tỷ giá, khả năng can thiệp và kiểm soát của Nhà nước. Sự mất cân đối giữa lãi suất VND và USD cũng như hiện tượng găm giữ và tích trữ ngoại tệ sẽ dần được khắc phục. Thanh khoản của thị trường sẽ được cải thiện và thị trường ngoại hối sẽ trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở phần trên liệu pháp tốt phải gắn liền với ý thức chữa bệnh của bệnh nhân. Để các giải pháp nêu trên sớm phát huy kết quả rất cần sự hợp tác tích cực của doanh nghiệp và người dân. Trong quá khứ của nước ta, cũng như của một số nước trong khu vực và thế giới khi đất nước có khủng hoảng, có khó khăn về ngoại tệ, nhân dân đã tự nguyện hiến vàng, hiến ngoại tệ, quyết tâm sử dụng hàng nội để tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước, góp phần sớm đưa đất nước vượt qua khó khăn. Với truyền thống yêu nước sẵn có chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.

Theo website NHNN

>> Nguy cơ đô la hóa
>> Căng thẳng USD thanh toán

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.