Nam Phi, Campuchia nói gì về lệnh của tòa quốc tế liên quan Tổng thống Putin?

Nam Phi, Campuchia nói gì về lệnh của tòa quốc tế liên quan Tổng thống Putin?

Trúc Huỳnh: Biên tập + dựng + voice
21/03/2023 05:42 GMT+7

Ngày 17.3, Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) công bố lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin với cáo buộc liên quan cuộc xung đột tại Ukraine.

Động thái của ICC sẽ buộc 123 quốc gia thành viên của tòa phải bắt giữ ông Putin nếu ông đặt chân lên lãnh thổ của họ, và chuyển nhà lãnh đạo tới trụ sở của tòa án ở The Hague (Hà Lan) để xét xử.

Với tư cách thành viên của ICC, Nam Phi nói rằng nước này nhận thức được nghĩa vụ pháp lý của mình trong bối cảnh Tổng thống Putin có thể đến Nam Phi để dự hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Nga và Trung Quốc) vào tháng 8.

Ngày 19.3, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Vincent Magwenya của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nói rằng “Chúng tôi, với tư cách là một chính phủ, nhận thức được nghĩa vụ pháp lý của mình. Tuy nhiên, từ nay đến hội nghị, chúng tôi sẽ giữ liên lạc với các bên liên quan”.

Hiện chưa có xác nhận chính thức về khả năng Tổng thống Putin sẽ đến Nam Phi để dự hội nghị. Tuy nhiên, nếu chuyến đi diễn ra, chính quyền Nam Phi được cho là sẽ rơi vào thế khó xử.

Nam Phi nói gì nếu ông Putin đến nước này sau lệnh bắt của ICC? - Ảnh 1.

Chiếc xe thuộc đoàn xe chở các thành viên của phái đoàn Trung Quốc, bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình, khi đến Moscow (Nga), ngày 20.3.2023

REUTERS

Trong khi đó, một nước thành viên ICC khác là Campuchia cũng cảnh báo nguy cơ leo thang xung đột nếu ICC bắt ông Putin.

Ngày 19.3, tờ Khmer Times dẫn lời Thủ tướng Hun Sen rằng, “Lệnh bắt ông Putin của ICC sẽ làm phức tạp nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga, đặc biệt là trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Moscow, trong đó ông ấy dự kiến làm trung gian vì hòa bình”.

Lãnh đạo Campuchia kêu gọi các bên liên quan tìm giải pháp chấm dứt xung đột và không đưa ra thêm những lời đe dọa làm leo thang căng thẳng, có thể dẫn tới việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Điện Kremlin ngày 18.3 đã lên tiếng chỉ trích việc ICC ra trát bắt giữ Tổng thống Putin và tuyên bố Nga, cũng như một số quốc gia khác, không công nhận thẩm quyền của tòa án này nên bất kỳ quyết định nào như vậy đều vô hiệu đối với Nga về mặt pháp lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.