Mùa hái cà phê, gia tăng bệnh nhân bị rắn độc cắn nhập viện

13/12/2023 17:22 GMT+7

Vào mùa thu hoạch cà phê ở Tây nguyên, tình trạng người đi hái cà phê bị rắn cắn gia tăng. Nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn nguy kịch do nhập viện muộn, dùng thuốc nam sơ cứu hoặc sơ cứu theo phương pháp dân gian truyền miệng.

Ngày 13.12, thông tin từ Sở Y tế Đắk Lắk, từ tháng 9.2023 đến nay, hơn 150 bệnh nhân bị rắn cắn được đưa vào điều trị tại khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk). Mỗi ngày trung bình ngày có 2 - 3 bệnh nhân bị rắn độc cắn nhập viện, cao điểm có ngày đến 5 - 6 ca.

Phần lớn bệnh nhân bị loài rắn lục xanh đuôi đỏ cắn, nhập viện trong tình trạng khác nhau như: Tổn thương tại vùng bị cắn, hoại tử, phù nề, liệt phải thở máy, rối loạn đông máu, chảy máu… Đáng chú ý, nhiều bệnh nhân nguy kịch do nhập viện muộn, khi bị rắn cắn dùng thuốc nam sơ cứu hoặc sơ cứu theo phương pháp dân gian truyền miệng.

Một nam bệnh nhân trú H.Đắk Mil (Đắk Nông) bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn khi đang được thuê hái cà phê. Bệnh nhân này nhờ những người xung quanh giúp garo vết thương, nặn máu ở vết rắn cắn và dùng nhựa trái đu đủ xanh bôi vào vết thương. Sau đó, bệnh nhân được đưa đến trung tâm y tế huyện nhưng có dấu hiệu hạ hồng cầu, đông máu, bệnh chuyển nặng và được chuyển đến BVĐK vùng Tây Nguyên điều trị.

Mùa hái cà phê, gia tăng bệnh nhân bị rắn độc cắn phải nhập viện - Ảnh 1.

Một bệnh nhân bị rắn cắn điều trị tại BVĐK vùng Tây Nguyên

C.T.V

Bác sĩ Đào Thị Minh Hảo, khoa Hồi sức tích cực và chống độc, BVĐK vùng Tây Nguyên, cho rằng hiện trên địa bàn các tỉnh Tây nguyên vào mùa thu hoạch cà phê, tình trạng người đi hái cà phê bị rắn cắn, nhất là rắn lục xanh đuôi đỏ gia tăng.

Theo bác sĩ Hảo, người bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn rất nguy hiểm, sẽ gây rối loạn đông máu và sưng vết thương tại chỗ, khi đó dẫn đến gây chèn ép tại các mạch máu và gây hoại tử. Khi bị rắn cắn người bệnh không được đắp các loại thuốc dân gian bởi rất có thể sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, có thể gây rối loạn đông máu, nhiễm trùng vết thương, nhiễm trùng huyết dẫn tới tử vong. 

"Ngay sau khi bị rắn cắn cần tiến hành rửa vết thương bằng nước sạch, nhanh chóng đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời", bác sĩ Hảo khuyến cáo.

Theo các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực và chống độc, BVĐK vùng Tây Nguyên, rắn độc không chỉ có ở khu vực nông thôn, nương rẫy, mà có thể xuất hiện ngay trong khu vực thành thị. Để đề phòng rắn cắn, người dân cần thận trọng khi đến chỗ có cây cối rậm rạp, hạn chế đi vào ban đêm; cần mặc đồ bảo hộ mang ủng, đeo găng tay khi đi nương rẫy, hái cà phê...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.