Mối đe dọa từ Covid-19 có kéo dài bất tận?

24/11/2021 10:07 GMT+7

Các biến thể virus gây Covid-19 mới tiếp tục xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới , khiến các chuyên gia đặt câu hỏi về việc đại dịch sẽ kéo dài thêm bao lâu và các biện pháp bảo vệ hiện tại thực sự có hiệu quả đến đâu.

Tháng 5.2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quyết định đặt tên các biến thể Covid-19 chính bằng chữ cái Hy Lạp. Từ đó đến nay, Delta đang là biến thể trội trên toàn thế giới.

Tháng 10.2021, Anh cảnh giác vì biến thể Delta AY.4.2 mới với khả năng lây lan nhanh chóng. Tuần này, Na Uy ghi nhận thêm một phiên bản khác của biến thể Delta là AY.63. Trong khi đó, biến thể B.1.640 được phát hiện ở Pháp khiến các nhà nghiên cứu đau đầu vì họ chưa từng thấy đột biến tương tự nào trước đây.

Giáo sư David Dockrell, Trung tâm Nghiên cứu Truyền nhiễm thuộc Đại học Edinburgh, giải thích về nguyên nhân gây ra sự đột biến liên tục trong virus corona: "Các khu vực của virus dễ thay đổi nhất là những khu vực tiếp xúc với các yếu tố khiến chúng phải thay đổi. Như vậy, phiên bản virus nào có các đột biến và thay đổi đem lại lợi thế chọn lọc, giúp nó trốn thoát khỏi hệ miễn dịch, thì nó có nhiều khả năng vươn lên trở thành chủng trội".

Phần virus tạo ra nhiều phản ứng miễn dịch nhất là protein gai (còn gọi là protein S), vì vậy virus SARS-CoV-2 sẽ luôn tìm cách biến đổi protein gai để sống sót. Và hiện nay, tốc độ biến đổi của virus gây Covid-19 dường như vẫn nhanh hơn các nỗ lực ngăn chặn nó của con người.

Tuy nhiên giáo sư Dockrell cũng có một số thông tin tốt lành. Theo ông, virus corona có thể biến đổi nhưng không mạnh như các loại retrovirus hay HIV. Và điều quan trọng hơn là nhiều biến đổi của virus không có lợi cho sự tồn tại của chính nó. Vì vậy, virus gây Covid-19 sẽ chỉ có khả năng trải qua một số lượng biến đổi nhất định trước khi sức mạnh của nó bị ảnh hưởng.

Hiện virus vẫn còn trong giai đoạn tiến hóa và biến đổi. Theo ông Dockrell, nhân loại vẫn nên tiếp tục tiêm vắc xin, và có thể tiêm thêm liều tăng cường như cách đối phó với cúm mùa hằng năm.

Vị giáo sư này nói thêm: "Có lẽ chúng ta phải tiếp tục thay đổi cách điều trị như những kháng thể đơn dòng mới kháng virus, vì hiệu quả của chúng cũng có thể bị giới hạn do có đột biến mới của virus liên quan đến protein S".

Tuy nhiên, lẽ nào loài người sẽ vướng vào cuộc đua bất tận chống các biến thể liên tục xuất hiện? Hy vọng là không.

Theo giáo sư Dockrell, trên virus có những phần được giới khoa học gọi là "vùng bảo tồn" mà rất khó thay đổi. Trong thời gian tới, các loại vắc xin và liệu pháp kháng thể đơn dòng mới sẽ nhắm vào chính các vùng này, nhờ vậy hiệu quả sẽ không bị khả năng biến đổi của virus ảnh hưởng nhiều.

Phát hiện biến thể Covid-19 mới có đột biến ở gai protein
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.