Luật riêng về người dưới 18 tuổi phạm tội: Cần thiết hay chưa?

17/04/2023 04:10 GMT+7

Tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, lãnh đạo TAND tối cao trình bày tờ trình tóm tắt đề nghị xây dựng luật Tư pháp người chưa thành niên, với nhiều đề xuất mới liên quan đến đối tượng người dưới 18 tuổi phạm tội.

Vì sao phải xây dựng luật riêng?

Theo TAND tối cao, VN hiện có 7 bộ luật, luật cùng nhiều văn bản dưới luật điều chỉnh về tư pháp người chưa thành niên. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy thủ tục tố tụng hình sự, thi hành án hình sự chưa thực sự thân thiện, chưa đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên. Hệ thống hình phạt đang áp dụng chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất, hành vi phạm tội của người chưa thành niên; chưa coi trọng đúng mức việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng để thay thế các hình phạt trong bộ luật Hình sự bằng biện pháp nhân văn, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi.

Luật riêng về người dưới 18 tuổi phạm tội: Cần thiết hay chưa ? - Ảnh 1.

TAND tối cao đề xuất xây dựng luật Tư pháp người chưa thành niên

PHÚC BÌNH

Ngoài ra, pháp luật về tư pháp người chưa thành niên còn tản mạn, nhiều tầng nấc, chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ; chưa nội luật hóa đầy đủ các cam kết trong các điều ước quốc tế mà VN là thành viên; một số quy định chưa phù hợp với thông lệ quốc tế…

TAND tối cao cho rằng việc bảo vệ người chưa thành niên cần có cách tiếp cận riêng biệt, cơ chế pháp lý đặc thù, thông qua một đạo luật chuyên biệt quy định toàn diện, đầy đủ các vấn đề về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên.

Cơ quan này đề xuất xây dựng luật mới với tên gọi luật Tư pháp người chưa thành niên, với 6 chính sách lớn. Điển hình như đổi mới, xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện đối với người dưới 18 tuổi: phòng lấy lời khai, phòng xử án sẽ có màu xanh, vị trí ngồi của hội đồng xét xử và bị cáo đặt trên cùng mặt phẳng, bố trí bàn ghế kiểu văn phòng; người tiến hành tố tụng mặc trang phục làm việc hành chính; cha mẹ được thông báo và có mặt trong toàn bộ quá trình tố tụng; được có luật sư, trợ giúp pháp lý miễn phí…

Đặc biệt, TAND tối cao đề xuất cho phép viện kiểm sát được quyền truy tố người chưa thành niên theo mức hình phạt chỉ bằng 1/2 mức hình phạt trong khung hình phạt tương ứng. Cùng với đó là đổi mới hệ thống hình phạt áp dụng với người chưa thành niên, gồm cải tạo không giam giữ, giáo dục tại trường giáo dưỡng và tù có thời hạn (không còn cảnh cáo và phạt tiền); bổ sung một số biện pháp xử lý chuyển hướng như tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, cấm đến một địa điểm nhất định hoặc lao động công ích.

Vẫn theo TAND tối cao, việc áp dụng các đề xuất nêu trên sẽ kéo theo sự thay đổi của một số bộ luật, luật đang có hiệu lực liên quan đến tư pháp người chưa thành niên, do đó dự thảo sẽ có các điều khoản chuyển tiếp để giải quyết vấn đề. Trong đó, TAND tối cao đề xuất bãi bỏ chương 28 của bộ luật Tố tụng hình sự và chương 12 của bộ luật Hình sự, nhằm tránh chồng chéo và không làm phát sinh việc phải sửa đổi, bổ sung 2 bộ luật này.

Nên cân nhắc kỹ

GS-TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), nhận định người chưa thành niên có thể được xem là yếu thế khi đặt trong mối quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là khi nhận những cáo buộc bất lợi đối với mình. Vì thế, tư pháp hình sự về nhóm đối tượng này là rất quan trọng, góp phần bảo vệ quyền con người của trẻ em. Việc xây dựng một luật riêng về vấn đề này, ông ủng hộ về mặt tinh thần, nhưng cho rằng vẫn cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Theo GS Hạnh, bộ luật Hình sự năm 2015 dành riêng chương 12 về người dưới 18 tuổi phạm tội; bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng dành riêng chương 28 về thủ tục tố tụng với người dưới 18 tuổi. Các quy định thuộc 2 chương này đã khá chi tiết, đầy đủ, đảm bảo sự nhân văn trong tư pháp người chưa thành niên. Nếu ban hành luật mới thì những quy định hiện hành sẽ ra sao, liệu có xung đột?

Dù TAND tối cao cho biết sẽ có quy định chuyển tiếp theo hướng bãi bỏ 2 chương nói trên nhưng GS Hạnh nhận định là "chưa thật sự hợp lý". Ví dụ, bộ luật Hình sự quy định về tội phạm và hình phạt chung cho tất cả mọi thành viên xã hội, với mỗi nhóm đối tượng đặc thù sẽ có cách áp dụng khác nhau. Giả sử bộ luật Hình sự chưa có chương về trẻ em thì việc ban hành luật riêng là rất cấp bách, còn hiện nay đã có, chưa kể sẽ phải sửa đổi hàng loạt các bộ luật, luật liên quan.

Vẫn theo GS Hạnh, những vấn đề mà TAND tối cao cho là bất cập đã được cân nhắc, nghiên cứu ngay từ khi xây dựng 2 bộ luật Hình sự và Tố tụng hình sự năm 2015. Từ sự nghiên cứu ấy, các quy định về tư pháp người chưa thành niên đã được lồng ghép vào nội dung của 2 bộ luật, với 2 chương riêng biệt như đã nói. "Vấn đề quan trọng là yếu tố con người, khi thực thi những quy định đã có; chỉ cần thực hiện cho tốt là đã có thể đáp ứng cơ bản được yêu cầu đặt ra", GS Hạnh nêu quan điểm.

Một vấn đề nữa, GS Hạnh cho rằng cần làm rõ luật Tư pháp người chưa thành niên là luật về nội dung hay tố tụng, hay là kết hợp cả hai, các nguyên tắc cụ thể ra sao? Điển hình như việc người chưa thành niên sẽ được áp dụng các biện pháp điều tra, truy tố, xét xử như thế nào, khung hình phạt ra sao, đối chiếu với bộ luật Hình sự và bộ luật Tố tụng hình sự thì có hợp lý?…

Trong lập luận để khẳng định sự cần thiết xây dựng luật, TAND tối cao dẫn chứng việc nghiên cứu ngẫu nhiên 28 quốc gia thì có tới 21 quốc gia xây dựng luật riêng về tư pháp người chưa thành niên; ở khu vực ASEAN, VN là nước duy nhất trong 10 quốc gia chưa có luật riêng. GS Hạnh đồng tình với số liệu này nhưng cho rằng cần có góc nhìn mang tính toàn diện hơn.

Theo GS Hạnh, phải tìm hiểu vì sao các quốc gia trên lại ban hành luật riêng về tư pháp người chưa thành niên. Từ sự tiếp cận cá nhân, ông nhận thấy đa phần các quốc gia này áp dụng bộ luật Hình sự đã ban hành từ thế kỷ trước, thậm chí trước nữa. Chẳng hạn Singapore áp dụng bộ luật Hình sự năm 1871 của Anh; sau này khi Công ước về quyền trẻ em và một số công ước khác ra đời, họ mới sửa đổi, bổ sung để phù hợp thực tiễn, đồng thời tiếp tục sử dụng bộ luật Hình sự cũ.

Còn với VN, bộ luật Hình sự và bộ luật Tố tụng hình sự được ban hành năm 2015, thời điểm ấy chúng ta đã tham gia Công ước về quyền trẻ em. Quá trình xây dựng 2 bộ luật, các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có TAND tối cao và các cơ quan bảo vệ quyền trẻ em đều được tham gia đóng góp ý kiến. Thực tế cho thấy 2 bộ luật đã nội luật hóa rất nhiều các quy định của công ước, đáp ứng cơ bản yêu cầu về tư pháp đối với người dưới 18 tuổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.