TAND tối cao giải trình về đề xuất quyền miễn trừ cho thẩm phán

03/04/2023 17:47 GMT+7

TAND tối cao đề xuất thẩm phán được miễn trừ trách nhiệm khi ban hành bản án, quyết định theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định nhưng có sai sót không phải do lỗi cố ý.

Chính phủ vừa trình các cơ quan của Quốc hội dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều luật Tổ chức tòa án nhân dân (TAND) năm 2014. Luật này do TAND tối cao chủ trì soạn thảo.

TAND tối cao giải trình về đề xuất quyền miễn trừ cho thẩm phán - Ảnh 1.

TAND tối cao đề xuất thẩm phán được miễn trừ trách nhiệm khi ban hành bản án, quyết định theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định nhưng có sai sót không phải do lỗi cố ý

TUYẾN PHAN

Tại dự thảo, TAND tối cao đề xuất bổ sung quy định không được bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của thẩm phán TAND tối cao nếu không có sự đồng ý của Hội đồng Tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia.

Việc đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của thẩm phán TAND tối cao thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện KNSD tối cao.

Cùng đó là không được bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của thẩm phán, thẩm phán dự bị nếu không có sự đồng ý của Chánh án TAND tối cao.

Trường hợp thẩm phán TAND bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức thông báo để Chánh án TAND tối cao xem xét, quyết định.

Đặc biệt, TAND tối cao đề xuất thẩm phán được miễn trừ trách nhiệm khi ban hành bản án, quyết định theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định nhưng có sai sót không phải do lỗi cố ý.

Tham gia góp ý dự thảo, Bộ Nội vụ đề nghị cân nhắc việc bổ sung quy định về quyền miễn trừ của thẩm phán, nhằm bảo đảm tính khả thi và tương thích với quy định chung về miễn trừ trách nhiệm dân sự, hình sự được quy định trong bộ luật Dân sự, bộ luật Hình sự.

Bộ Ngoại giao cũng đề nghị tiếp cận và đánh giá tác động cụ thể đối với quyền này như một chính sách mới của dự thảo luật; đồng thời bổ sung nội dung nghiên cứu kinh nghiệm các nước, nhất là các nước có hệ thống tư pháp tương tự Việt Nam.

Tương tự, Bộ Tư pháp cho rằng cần đánh giá tác động của chính sách, nhất là tác động về kinh tế, xã hội, tác động với hệ thống pháp luật cũng như tính toán mối tương quan với những ngành nghề đặc thù khác.

Giải trình và tiếp thu các ý kiến trên, TAND tối cao cho biết nội dung về quyền miễn trừ của thẩm phán trong dự thảo luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc, tạo cơ sở pháp lý để các luật khác quy định cụ thể; việc miễn trừ trách nhiệm cụ thể của thẩm phán về dân sự, hình sự được thực hiện theo quy định của luật.

Trước đó, hồi tháng 2.2023, khi TAND tối cao đăng tải dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều luật Tổ chức TAND năm 2014, Báo Thanh Niên đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia liên quan đến đề xuất quyền miễn trừ đối với thẩm phán.

Một số ý kiến nhận định quyền miễn trừ sẽ giúp thẩm phán tăng tính độc lập trong xét xử; thẩm phán độc lập thì phán quyết sẽ chất lượng hơn, bởi khi xét xử mà phải đối diện áp lực bị kiện cáo, bị xử lý nếu có hành vi vi phạm khi ra bản án, thẩm phán sẽ bị ảnh hưởng về mặt tâm lý…

Ngược lại, có ý kiến cho rằng khi tham gia xét xử, thẩm phán phải bảo đảm tính trách nhiệm, thận trọng, khách quan, toàn diện trong đánh giá vấn đề trước khi đưa ra phán quyết. Nếu thẩm phán không toàn diện, không làm hết trách nhiệm dẫn tới phán quyết bị sai, về nguyên tắc, họ phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi đối với mình.

Đề xuất liên quan đến việc bắt giữ, khởi tố thẩm phán cũng xung đột với bộ luật Tố tụng hình sự; bởi theo quy định, khi xác định có người phạm tội (bất kể là ai) thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát có quyền (cũng là trách nhiệm) làm thủ tục khởi tố.

Tương tự, đề xuất khi thẩm phán phạm tội quả tang phải báo cáo Chánh án TAND tối cao để xem xét, quyết định còn khá mơ hồ. "Xem xét, quyết định" ở đây nghĩa là gì? Nếu xem xét, quyết định có đồng ý cho xử lý hay không thì sẽ mâu thuẫn với quy định trong bộ luật Tố tụng hình sự, bởi đây là quyền của cơ quan tiến hành tố tụng chứ không phải cá nhân Chánh án TAND tối cao.

Vẫn theo dự thảo, TAND tối cao đề xuất sửa đổi ngạch thẩm phán theo hướng thẩm phán TAND sẽ bao gồm thẩm phán TAND tối cao, thẩm phán và thẩm phán dự bị.

Thẩm phán dự bị thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ việc được phân công; tham gia làm thành viên hội đồng xét xử nhưng không được làm chủ tọa phiên tòa, phiên họp.

Người được Chủ tịch nước bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán phải trải qua thời gian tối thiểu 2 năm làm thẩm phán dự bị trước khi được chuyển sang làm thẩm phán chính thức.

Thẩm phán TAND tối cao có 2 bậc: bậc 1 (khi được bổ nhiệm làm thẩm phán TAND tối cao), bậc 2 (sau 5 năm kể từ ngày được bổ nhiệm thẩm phán TAND tối cao).

Thẩm phán có 8 bậc, từ bậc 1 đến bậc 8. Thẩm phán dự bị có 1 bậc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.