Làm thế nào để khoa học và công nghệ thật sự là 'quốc sách hàng đầu'?

Quý Hiên
Quý Hiên
17/08/2023 19:46 GMT+7

Theo Hiến pháp 2013, phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Nhưng trên thực tế, đầu tư cho khoa học và công nghệ còn rất nhiều bất cập.

Hôm nay 17.8, sau khi đăng bài Đầu tư cho khoa học mỗi năm chỉ bằng tiền làm "một dặm đường", Báo Thanh Niên tiếp tục nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các nhà khoa học. Trong các ý kiến này, các nhà khoa học đã bày tỏ sự lo lắng về thực tế đầu tư của Nhà nước cho khoa học và công nghệ, mặc dù từ trước đến nay lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn đề cao vai trò của khoa học và công nghệ với sự phát triển đất nước là quốc sách hàng đầu.

Có thật khoa học và công nghệ là 'quốc sách hàng đầu' ở Việt Nam? - Ảnh 1.

Quỹ NAFOSTED từng đóng vai trò quan trọng trong việc ra đời và phát triển của các nhóm nghiên cứu trẻ

ẢNH MINH HỌA ORLab

Vấn đề không khó nhận ra

Theo TS Doãn Minh Đăng, một nhà khoa học đang làm cho doanh nghiệp Đức, Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia (NAFOSTED) đang là quỹ quan trọng nhất về tài trợ nghiên cứu khoa học bằng ngân sách nhà nước. Vậy mà, với khoản ngân sách của quỹ năm nay chỉ bằng  kinh phí đầu tư xây dựng 1,6 km đường cao tốc, điều đó cho thấy có sự vênh lớn giữa đầu tư thật sự cho khoa học và chủ trương của Đảng, Nhà nước. 

"Từ bài tính đơn giản mà GS Phùng Hồ Hải nêu ra trong bài viết của Báo Thanh Niên, chúng ta nhận thấy chính sách đầu tư công của Việt Nam gặp một số vấn đề. Mặc dù xác định khoa học là con đường ngắn nhất để phát triển đất nước, nhưng nguồn lực đầu tư lại chưa tương xứng", TS Đăng nói.

Theo TS Đăng, dù nguyên nhân là gì thì cũng phải chỉnh sửa về chính sách. 

Nếu nhận thức được rằng khoa học là hiệu quả nhất để nhanh chóng phát triển đất nước, và với thực tế đầu tư công cho khoa học đang chiếm tỷ trọng rất thấp trong các khoản chi ngân sách, thì cách làm tối ưu (cho mục tiêu lớn là phát triển đất nước) là chuyển một phần nhỏ ngân sách đầu tư cho mục đích khác sang cho phát triển khoa học. Có thể một khoản tuy nhỏ đối với mục đích cũ nhưng cũng sẽ là rất lớn đối với đầu tư cho khoa học (có thể làm tăng nguồn tiền cho lĩnh vực này lên vài lần).

Đầu tư cho khoa học công nghệ phải là "đường cao tốc nhanh nhất" 

GS Ngô Việt Trung, nguyên Chủ tịch Hội toán học Việt Nam, cho biết điều 62 Hiến pháp 2013 ghi: "Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước". Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị năm 1991 quy định mức đầu tư cho khoa học và công nghệ trong ngân sách nhà nước hàng năm không được ít hơn 2% tổng chi ngân sách.

Tuy nhiên, theo GS Trung, thực tế nhiều năm liền đầu tư cho khoa học và công nghệ chỉ dưới 1%, giờ vẫn thế.

"Theo Quyết định 510/QĐ-BXD mà Bộ Xây dựng ban hành ngày 19.5, định mức xây dựng 1 km đường cao tốc là 186 tỉ đồng, trong lúc ngân sách cho NAFOSTED năm 2023 là 292 tỉ đồng, không bằng 1,6 km đường cao tốc. Nếu "khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu" thì nó phải là con đường cao tốc nhanh nhất trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội", GS Trung nói.

Khoa học và công nghệ có thật là 'quốc sách hàng đầu' ở Việt Nam? - Ảnh 2.

So sánh tỷ lệ chi cho R&D trên GDP của Việt Nam và một số nước năm 2022 (theo OECD)

QUÝ HIÊN

Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế thế giới OECD năm 2022 về tỷ lệ phần trăm kinh phí cho khoa học và công nghệ (R&D) trên tổng thu nhập quốc dân của một số nước thì Việt Nam thuộc vào loại thấp nhất, 0,4%. 

Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore và Thái Lan là những nước có tỷ lệ này đạt mức cao, đều gấp nhiều lần Việt Nam. Với những nước có tỷ lệ chi cho R&D cao của thế giới như Hàn Quốc hay Israel thì họ đều cao gấp mười mấy lần so với chúng ta.

Theo GS Trung, Việt Nam mới chi cho R&D 0,4% GDP thì chưa thể gọi là "quốc sách". 

Chưa kể, GS Trung cho rằng, đầu tư cho khoa học và công nghệ đã ít lại còn dàn trải và lãng phí. Bộ KH-CN chỉ quản lý trực tiếp khoảng 25% ngân sách khoa học và công nghệ. Phần còn lại chia cho các địa phương, các bộ, các tổ chức chính trị xã hội. Đúng ra, Bộ KH-CN phải là cơ quan đầu não quản lý ngân sách cho khoa học và công nghệ và việc tài trợ khoa học phải thông qua các quỹ khoa học giống như ở nhiều nước.

"Đầu tư như vậy không thể hy vọng "khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội", GS Trung bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.