Thủ tướng: Lấy KH-CN và đổi mới sáng tạo làm động lực tăng trưởng chủ yếu

Quý Hiên
Quý Hiên
17/05/2023 20:52 GMT+7

Phát biểu tại lễ chào mừng Ngày KH-CN Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, để phát triển đất nước thì cần lấy KH-CN và đổi mới sáng tạo làm một động lực tăng trưởng chủ yếu.

Chiều nay 17.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dự và phát biểu tại lễ chào mừng Ngày KH-CN Việt Nam (18.5), do Bộ KH-CN tổ chức. 

Phát biểu tại đây, Thủ tướng khẳng định, để phát triển đất nước thì cần lấy KH-CN và đổi mới sáng tạo làm một động lực tăng trưởng chủ yếu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Lấy khoa học, công nghệ… làm động lực tăng trưởng chủ yếu - Ảnh 1.

Thủ tướng phát biểu tại lễ chào mừng Ngày KH-CN Việt Nam, do Bộ KH-CN tổ chức

MAI HÀ

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại câu nói của triết gia người Thụy Sĩ Henri Frederic Amiel: "Xã hội phát triển nhờ khoa học", đồng thời điểm lại một số thành tựu về phát triển, ứng dụng KH-CN trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc thống nhất đất nước và trong giai đoạn đổi mới đất nước…

Chưa tương xứng với tiềm năng

Theo Thủ tướng, nhờ khoa học quản lý kết hợp nhuần nhuyễn với KH-CN mà Việt Nam giành nhiều thành tựu. Trong chiến tranh, một ví dụ tiêu biểu là sự sáng tạo khi sử dụng tên lửa SAM-2 để chiến thắng máy bay B52, tạo ra bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi căn bản cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong công cuộc kiến thiết xây dựng đất nước khi hòa bình lập lại, nhờ ứng dụng KH-CN mà từ nước thiếu lương thực, chúng ta trở thành nước xuất khẩu lương thực hàng đầu...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Lấy khoa học, công nghệ… làm động lực tăng trưởng chủ yếu - Ảnh 2.

Thủ tướng tham quan triển lãm thành tựu KH-CN trước khi dự lễ chào mừng

MAI HÀ

Hiện nay, lĩnh vực KH-CN tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng. Khoa học xã hội và nhân văn đã đóng góp vào xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, quan điểm, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Khoa học cơ bản đạt được nhiều thành tựu, một số lĩnh vực khoa học tự nhiên tiếp tục giữ thứ hạng cao trong khu vực ASEAN.

Đội ngũ trí thức KH-CN ngày càng lớn mạnh, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều nhà khoa học Việt Nam, trong đó có các nhà khoa học nữ, khoa học trẻ đã có những nghiên cứu mang tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế. Thị trường KH-CN đã được hình thành, bước đầu phát huy tác dụng và đạt một số kết quả tích cực.

Tuy nhiên, KH-CN và đổi mới sáng tạo vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm nǎng và vị trí quốc sách hàng đầu; chưa thực sự trở thành động lực để thúc đẩy phát triển. Trong khi đó, trên thế giới, nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Israel, Trung Quốc… đã rất thành công trong phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo, lấy đó làm động lực để bứt phá, vươn lên mạnh mẽ, trở thành những hình mẫu, những "cánh chim đầu đàn", quốc gia dẫn dắt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững

Tại Việt Nam, phát triển KH-CN được xác định là quốc sách hàng đầu. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo theo quan điểm "nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ KH-CN, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước...".

Để thực hiện Chiến lược phát triển KH-CN 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045, chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy và hành động một cách quyết liệt nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đặc biệt là phát huy mạnh mẽ trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam, lấy KH-CN và đổi mới sáng tạo làm một động lực tăng trưởng chủ yếu.

Cần có cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro trong khoa học

Về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, nội dung đầu tiên mà Thủ tướng nhấn mạnh là nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành trong chỉ đạo phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo. 

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp, tạo sự đột phá trong ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển KH-CN trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt như hiện nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Lấy khoa học, công nghệ… làm động lực tăng trưởng chủ yếu - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với đại diện các nhà khoa học và các đơn vị được hưởng lợi nhờ KH-CN

MAI HÀ

Có cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro, thất bại trong khoa học; dỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học. Tạo dựng khuôn khổ pháp lý triển khai các cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh tế mới dựa trên KH-CN và đổi mới sáng tạo.

Tạo môi trường học thuật và điều kiện làm việc thuận lợi để sử dụng, trọng dụng và thu hút nhân tài KH-CN, phát triển mạng lưới kết nối nhân tài Việt Nam trong nước và nước ngoài..., cũng là những nội dung được Thủ tướng đề cập. 

Trong đó, tăng cường thu hút sự tham gia tích cực của các nhà khoa học nhằm giải quyết những nút thắt, điểm nghẽn phát triển KT-XH đất nước. Tạo thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao kết quả KH-CN phù hợp với cơ chế thị trường; bảo đảm môi trường tự do học thuật và tự chủ trong nghiên cứu.

Nhân dịp này, Thủ tướng mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học luôn giữ trong mình ngọn lửa nhiệt huyết, say mê, dấn thân vì khoa học, để niềm đam mê này tiếp tục được trao truyền, lan tỏa sang các thế hệ hôm nay và mai sau. 

Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa, đẩy mạnh đầu tư toàn diện cho phát triển KH-CN, nhất là các lĩnh vực mới phục vụ phát triển xanh, bền vững, thân thiện môi trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.