Kiện bản quyền, ca sĩ Trần Lập: Chúng tôi muốn được tôn trọng !

05/12/2014 10:30 GMT+7

(TNO) Xoay quanh vụ ca sĩ - nhạc sĩ Trần Lập quyết định khởi kiện Công ty cổ phần VNG (viết tắt VNG), yêu cầu bồi thường bản quyền bài hát Đường đến ngày vinh quang , thành viên nhóm Bức Tường đã có những chia sẻ riêng cùng Thanh Niên Online về vụ việc này.

>> Trần Lập đạo diễn 'Rock Concert 2014
>> Tại sao Trần Lập không mời Bảo Anh tham gia liveshow 'Dấu ấn'?


Ca sĩ Trần Lập - Ảnh: Độc Lập

Họ xem tôi như kẻ ăn mày!

* Vì sao anh lại quyết định khởi kiện?
 
- Trần Lập: Cách đây hơn 1 năm, tôi được rất nhiều người động viên nên làm quyết liệt trong chuyện này, trong đó có nghệ sĩ, người bình thường và cả những luật sư. Từ đó, tôi đã cho thu thập bằng chứng, lập vi bằng...

Tôi không vội vã vì không muốn dồn ai vào chân tường và cũng không muốn xảy ra chuyện cãi vã, kiện tụng mặc dù tôi đã có đầy đủ dữ kiện để đòi bồi thường. Thế nhưng, họ (phía Công ty VNG - NV) đã cư xử với thiện chí của tôi như kẻ ăn mày!

Tôi đã tuân thủ tiến trình là khiếu nại trước và không hé lộ thông tin với báo chí để họ có thể sửa sai. Thế nhưng họ có vẻ chưa ý thức được hoặc cố tình lờ đi thiện chí này cho nên sau hơn 1 năm, tòa đã thụ lý vụ việc.

* Chuyện "nghe nhạc chùa", "tải nhạc chùa" đã diễn ra lâu nay và nhiều ca sĩ, nhạc sĩ dường như đã có tâm lý xem đây như "chuyện thường ngày ở huyện". Vì sao anh lại quyết liệt kiện ra tòa?
 
- Một thực tế đáng buồn là “việc xấu” không được xử lý triệt để sẽ trở thành chuyện thường tình khiến nhiều người buông xuôi. Nạn xâm hại bản quyền đã phá nát thị trường băng đĩa và cắt đi nguồn sống chính đáng của các nghệ sĩ, cản trở sự sáng tạo, cống hiến của chúng tôi.

Ngoài động cơ thành danh thật nhanh của những nghệ sĩ nóng vội hoặc động cơ quảng bá thật dễ của những nghệ sĩ đã có rất nhiều tiền thì những người sản xuất âm nhạc đều sống ngắc ngoải chờ chết. Không ai trong số họ thích thú điều này nhưng họ đang phải cay đắng chấp nhận thực tế như vậy.

Mấy năm nay, những anh em trong ban nhạc của tôi rất ngại làm album nhạc vì không làm thì công chúng ngóng đợi nhưng làm thì hở ra là bị “đoạt” lấy một cách công khai.
 

 
Một thực tế đáng buồn là “việc xấu” không được xử lý triệt để sẽ trở thành chuyện thường tình khiến nhiều người buông xuôi. Nạn xâm hại bản quyền đã phá nát thị trường băng đĩa và cắt đi nguồn sống chính đáng của các nghệ sĩ, cản trở sự sáng tạo, cống hiến của chúng tôi.
Ca sĩ - nhạc sĩ Trần Lập
* Thời gian qua, từng có một số ca sĩ và đơn vị đứng ra kiện các trang nhạc online vi phạm tác quyền như Lệ Quyên, Đăng Khôi… Cũng từng có trường hợp chấp nhận hợp tác với trang nhạc sau khi kiện tụng. Anh có nghĩ hành động lần này của mình cũng sẽ giống như "dã tràng xe cát" không?
 
- Nhiều người nghĩ vậy và tôi cũng từng nghĩ vậy nhưng cũng chính vì thế mà những trang nhạc vi phạm vẫn sống nhởn nhơ, thách thức luật pháp, thách thức giới nghệ sĩ.

Với những nghệ sĩ từng kiện những trang nhạc vi phạm, tôi không biết mức độ thành công của họ đến đâu nhưng họ đã làm một việc chính đáng và tôi đang học theo họ và rồi sẽ có người học theo tôi. Bạn hãy đặt mình vào vị trí tôn trọng pháp luật thì không thể xem việc này như công “dã tràng” được.
 
* Anh nghĩ như thế nào trước lý lẽ mà các trang nhạc số thường đưa ra, đó là họ chỉ cung cấp nền tảng cho trang web, hoạt động tương tự như Youtube, còn nội dung của trang web là do người dùng tự đưa lên, nghe, bình luận, trao đổi và ai đăng lên thì người đó phải chịu trách nhiệm?
 
- Đó là lý lẽ cùn của người không đàng hoàng! Một là “anh” chưa hiểu luật pháp. Hai là “anh” cố tình coi thường, thách thức luật pháp.

Lấy ví dụ với trang YouTube vốn được xem là nguồn tài nguyên khổng lồ về video và nhạc nhưng họ có quy định rất rõ ràng. Trừ khi đoạn nhạc do bạn tự sáng tác hoặc tự biểu diễn còn nếu bạn sao chép tác phẩm của người khác và không chứng minh được mình là chủ sở hữu tác phẩm gốc thì sẽ lập tức bị “tuýt còi”.

Một số người thì cho rằng nhờ có những trang nhạc số thì tình yêu âm nhạc mới được nhân rộng. Xin cảm ơn vì tình cảm của các bạn nhưng các bạn có bao giờ nghĩ là mình đang bị lợi dụng để kiếm lời, vỗ béo cho kẻ khác không?

Khi thường, những trang nhạc số thu lợi từ nguồn quảng cáo và những lợi tức khác từ nguồn thành viên khổng lồ, nhưng khi có sự cố xảy ra thì họ lại đổ lỗi cho người dùng. Rõ ràng các bạn chia sẻ vì niềm vui thôi nhưng lại vô tình tiếp tay cho người khác xâm hại bản quyền.

Chúng tôi muốn được tôn trọng  

* Theo anh, điều gì khiến cho tình trạng tranh chấp tác quyền trên các trang nhạc số đến nay vẫn chưa khắc phục? Do sự chưa quyết liệt của người làm nhạc, do ý thức của khán giả hay do chính các trang nhạc số?
 
- Tôi cho rằng có cả ba yếu tố này.

 
Không thể phủ nhận nhạc online đến với công chúng nhanh và rộng. Nó hiệu quả tới mức thành một con đường dễ dàng và cực kỳ hấp dẫn. Do đó mới sinh ra khá nhiều nghệ sĩ vì động cơ thăng tiến cá nhân đã bất chấp hết để lao theo. Tuy nhiên, tôi cá rằng họ sẽ thích hơn nếu như tác phẩm của họ được yêu mến thực sự và được phổ biến rộng từ con đường chính đáng đàng hoàng mà thu được cả lợi tức nữa thay vì cho không, bán rẻ và để người khác lợi dụng.
Ca sĩ - nhạc sĩ Trần Lập
Ý thức của khán giả là chuyện khó nói. Họ có quyền lựa chọn sản phẩm hay mà rẻ. Họ có quyền được hưởng nếu bạn bè tặng, cho và quyền được từ chối trả tiền mua sản phẩm xịn nếu mình không thích. Họ chỉ đang chưa dùng quyền trừng trị kẻ gian của chính mình mà thôi!

Về phía các trang nhạc số thì tôi không lạm bình luận. Tôi chỉ nói trên góc độ bản quyền bị xâm hại của tôi thôi. Nghệ sĩ phần đông chưa quyết liệt, chưa làm đúng trình tự luật pháp. Bên cạnh đó, một số nghệ sĩ lợi dụng sự nhá nhem của thị trường để tranh thủ tiến thân cá nhân cũng là một phần nguyên nhân.
 
* Tuy nhiên không thể phủ nhận những trang nhạc số cũng là một trong những kênh quảng bá tác phẩm âm nhạc đến khán giả. Nếu làm quyết liệt, anh có lo sợ những tác phẩm của mình mất đi một kênh quảng bá không?
 
- (Cười) Không thể phủ nhận nhạc online đến với công chúng nhanh và rộng. Nó hiệu quả tới mức thành một con đường dễ dàng và cực kỳ hấp dẫn. Do đó mới sinh ra khá nhiều nghệ sĩ vì động cơ thăng tiến cá nhân đã bất chấp hết để lao theo. Tuy nhiên, tôi cá rằng họ sẽ thích hơn nếu như tác phẩm của họ được yêu mến thực sự và được phổ biến rộng từ con đường chính đáng đàng hoàng mà thu được cả lợi tức nữa thay vì cho không, bán rẻ và để người khác lợi dụng.

Nhưng thôi, đó là việc của họ. Còn đó không phải là cách của tôi! Bạn có thể vào website của ban nhạc chúng tôi (ban nhạc Bức Tường - NV) thành lập từ mười mấy năm nay. Bạn có thể vào Facebook của tôi hay của ban nhạc, bạn sẽ thấy chúng tôi không hề chia sẻ các bài hát của mình từ những trang vi phạm bản quyền.

Chúng tôi cũng sốt ruột chứ, cũng mong có nhiều người yêu thích chứ nhưng chúng tôi vẫn muốn được khai thác đàng hoàng và tôn trọng hơn!


Ca sĩ Trần Lập cho rằng người dùng đang vô tình tiếp tay cho những trang nhạc số vi phạm tác quyền - Ảnh: Nhân vật cung cấp


* Với vụ kiện lần này, anh mong muốn điều gì?
 
- Tôi mong muốn đòi lại quyền lợi hợp pháp và chính đáng của mình. Tôi vẫn sẽ mở cửa rộng chào đón nếu họ muốn khai thác một cách đàng hoàng thay vì cách làm như hiện nay.
 
* Theo anh, để nhạc số Việt Nam tiến bộ hơn thì vấn đề cốt lõi nằm ở đâu?

- Luật pháp và thực thi luật pháp. Vấn đề không nằm ở công nghệ hay là chất lượng của các tác phẩm. Khi mà tranh cãi suông rất khó, khi mà người dân còn chưa nâng cao ý thức, khi mà nghệ sĩ còn ngại ngùng và thiếu đoàn kết thì chỉ có luật pháp là cách cuối cùng.
 
* Trước đó, nhiều ca sĩ, nhạc sĩ đã kêu gọi khán giả hưởng ứng phong trào Nghe có ý thức. Hiệp hội công nghiệp ghi âm cũng quyết liệt hơn trong việc thu phí nhạc số. Bản thân là một ca sĩ - nhạc sĩ, anh nhận thấy tình trạng vi phạm tác quyền nhạc số thời gian sau này có được cải thiện hơn không?
 
- Tôi nghĩ là ít nhiều thì ý thức của người dân sẽ cải thiện dần. Xã hội còn có nhiều người văn minh. Tôi tin vậy.
 
Xin cảm ơn anh!

Ngày 3.12, TAND TP.HCM đã ra quyết định nghị án kéo dài 5 ngày đối với vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa nguyên đơn là nghệ sĩ Trần Quyết Lập (nghệ danh Trần Lập) và bị đơn là Công ty cổ phần VNG (viết tắt VNG).

Người đại diện nghệ sĩ Trần Lập cho biết: Trần Lập là tác giả và chủ sở hữu đối với bài hát Đường đến ngày vinh quang. Tuy nhiên, thời gian qua, Trần Lập phát hiện bị đơn là Công ty VNG, chủ trang mạng xã hội trực tuyến http://mp3.zing.vn đã sử dụng bản ghi âm bài hát nêu trên để công chúng nghe, xem và tải về.

Cũng theo phía nguyên đơn, với giá 30 đồng/lượt nghe hoặc tải, chỉ bằng 1/10 giá được áp dụng tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thì VNG phải trả cho tác giả gần 56 triệu đồng/hơn 1,8 triệu lượt nghe và download.

Ngoài ra, việc trang mạng xã hội mp3.zing.vn đăng tải bài hát trên để công chúng nghe trực tuyến, dowload đã khiến Trần Lập không phát hành được CD tuyển tập những bài hát hay. Từ đó, cơ hội ra CD vì thương mại hóa không thành, khiến Trần Lập mất một khoản thu nhập nên nguyên đơn đề nghị phía VNG phải bồi thường thiệt hại phát sinh 50 triệu đồng.

Ngoài ra, Trần Lập cũng yêu cầu bị đơn phải bồi thường chi phí luật sư 50 triệu đồng mà ông đã bỏ ra để thuê luật sư, đại diện cho ông tranh tụng tại tòa.

Do hai bên không tìm được tiếng nói chung trong hòa giải, phiên tòa tiếp tục xét xử và sẽ tuyên án vào sáng 10.12 tới.

Thiên Hương

>> Trần Lập: Không phải nghệ sĩ nào cũng giàu sụ để hưởng thụ!
>> Trần Lập: Hãy thôi dè bỉu, tranh luận về nhạc Việt
>> Rock ‘chui’ của cựu HLV 'The Voice' Trần Lập
>> Trần Lập "cháy" hết mình với RockStorm
>> Sau “The Voice”, Trần Lập trở lại “máu lửa” với rock
>> Trần Lập bất ngờ được các học trò cưng chúc mừng sinh nhật
>> Trần Lập và thí sinh "The Voice" hào hứng đạp xe trao cây xanh
>> Trần Lập quyết “giữ” Bảo Anh
>> Giọng hát Việt: HLV Trần Lập “cứu” Bảo Anh
>> Siu Black “tiếp lửa” cho đội Trần Lập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.