Houthi gây nguy cơ trên biển Đỏ, các hãng tàu phải đổi lộ trình

Houthi gây nguy cơ trên biển Đỏ, các hãng tàu phải đổi lộ trình

20/12/2023 09:14 GMT+7

Các cuộc tấn công ngày càng gia tăng từ nhóm phiến quân Houthi của Yemen nhằm vào các tàu ở biển Đỏ đang làm gián đoạn hoạt động thương mại hàng hải, khi các công ty vận tải hàng hóa hàng đầu toàn cầu phải tìm cách tránh Kênh đào Suez.

Các cuộc tấn công từ nhóm vũ trang Houthi của Yemen nhằm vào các tàu ở biển Đỏ đang buộc các hãng vận tải hàng hóa phải đổi tuyến đường để tránh kênh đào Suez.

Đoạn video được lực lượng Houthi công bố vào ngày 20.11, cho thấy các tay súng có vũ trang nhảy xuống từ trực thăng và bắt giữ một tàu chở hàng ở phía nam biển Đỏ.

Các cuộc tấn công mới nhất xảy ra hôm 18.12 khi nhóm Houthi cho biết máy bay không người lái đã hướng về hai tàu chở hàng trong khu vực.

Houthi nói các cuộc tấn công nhằm phản ứng chiến dịch trên bộ mà Israel đang tiến hành ở Dải Gaza để trả đũa trận đột kích của Hamas vào miền nam nước này hôm 7.10.

Tình hình này đã thúc đẩy Mỹ và các đồng minh thành lập một chiến dịch đa quốc gia để tiến hành tuần tra chung ở phía nam biển Đỏ và Vịnh Aden.

Tại Israel hôm 18.12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố không nên thách thức quyết tâm của Mỹ. “Tại biển Đỏ, chúng tôi đang dẫn đầu một lực lượng đặc nhiệm hàng hải đa quốc gia nhằm duy trì nguyên tắc nền tảng về tự do hàng hải. Sự hỗ trợ của Iran cho các cuộc tấn công của Houthi vào các tàu thương mại phải dừng lại”, ông Austin phát biểu.

Houthi tung hoành biển Đỏ, các tàu phải đổi đường đi - Ảnh 1.

Trực thăng quân sự Houthi bay lượn trong khi các chiến binh Houthi bước đi trên boong tàu chở hàng Galaxy Leader ở biển Đỏ, ngày 20.11.2023

REUTERS

Các cuộc tấn công đã cho thấy năng lực của các lực lượng bán quân sự Trung Đông được Iran hậu thuẫn có thể làm đảo lộn thương mại toàn cầu.

Một số công ty vận tải hàng hóa lớn đã bắt đầu cho tàu đi vòng quanh châu Phi để tránh nguy hiểm, và có những dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng đang mở rộng sang cả các chuyến hàng năng lượng.

Việc đổi tuyến đường sẽ làm tăng thêm chi phí và dẫn đến giao hàng chậm trễ, điều mà các nhà phân tích ngành dự đoán sẽ còn xảy ra trong những tuần tới.

Mặc dù giá cước vận tải có thể sẽ tăng do các chuyến đi dài hơn, người đứng đầu nền tảng vận tải hàng hóa toàn cầu Freightos nhận định rằng giá cước khó có thể tăng đột biến đến mức đã thấy trong thời kỳ đại dịch.

Khoảng 15% lưu lượng vận tải biển trên thế giới đi qua kênh đào Suez, tuyến đường vận chuyển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.