Thu phí tham quan phố cổ có khả thi ?:

Hội An không thu phí khách đi lẻ

Mạnh Cường
Mạnh Cường
12/05/2023 07:32 GMT+7

Chỉ kiểm soát vé đối với du khách đi theo tour, theo đoàn khi vào tham quan phố cổ, còn khách lẻ khuyến khích mua vé chứ không bắt buộc. Đó là phương án mới được TP.Hội An công bố hôm qua 11.5.

Chiều qua 11.5, UBND TP.Hội An (Quảng Nam) tổ chức cuộc họp giới thiệu nội dung dự thảo phương án tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ Hội An.

Hội An kiểm soát khách đoàn, không bắt buộc khách lẻ mua vé tham quan phố cổ

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An, cho biết thời gian qua dư luận đã có những ý kiến trái chiều đối với phương án bán vé vào tham quan phố cổ đã dự kiến trước đó. Phương án mới có nhiều điểm thay đổi so với phương án cũ.

Hội An không thu phí khách đi lẻ   - Ảnh 1.

Phố cổ Hội An có thời điểm bị quá tải do lượng khách đến tham quan quá đông

MẠNH CƯỜNG

BÁN VÉ TỪ XA CHO KHÁCH ĐI TOUR

Trước đó, theo dự thảo phương án khung về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ Hội An mà UBND TP.Hội An từng công bố, địa phương dự kiến sẽ bố trí lối đi riêng cho người địa phương khi vào khu phố cổ Hội An. Du khách trong nước và quốc tế phải mua vé tham quan tại các quầy vé trước khi vào vùng lõi khu phố cổ Hội An, theo mức giá 120.000 đồng/vé dành cho khách quốc tế và 80.000 đồng/vé dành cho khách nội địa. Thời gian bán vé tham quan từ 7 giờ 30 đến 21 giờ 30 hằng ngày vào mùa hè và đến 21 giờ vào mùa đông.

Tuy nhiên, sau khi dự thảo này được ban hành, đã có nhiều luồng ý kiến tranh luận khác nhau (Thanh Niên đã thông tin trong loạt bài Thu phí tham quan phố cổ có khả thi?). Còn dự thảo phương án mới vừa công bố chiều qua 11.5, UBND TP.Hội An chỉ tập trung cho đối tượng du khách đi theo đoàn, theo tour.

Cụ thể, du khách đi theo đoàn, theo tour sẽ được bố trí đón tiếp bán vé từ xa, ngay từ các bãi đỗ xe của thành phố (như bãi xe 332 Lý Thường Kiệt, bãi đỗ xe Thanh Hà, bãi đỗ xe chùa Long Tuyền). Ngoài ra, kết hợp việc bán vé tham quan với hoạt động vận chuyển của doanh nghiệp xe điện để tạo thuận lợi cho du khách tham quan. Du khách sẽ được trung chuyển bằng xe điện từ các bãi đỗ xe vào các điểm đón trả khách tại số 8 Hoàng Diệu, sân Bảo tàng Hội An, sân quảng trường Sông Hoài. Từ đó, sẽ có lực lượng hướng dẫn cho du khách đi vào phố cổ, không dẫn khách đi vào các lối nhỏ…

Phương án này nhằm tăng cường công tác kiểm soát khách đoàn, tránh tình trạng thất thoát vé tham quan. "Chúng tôi sẽ tập trung kiểm soát khách đi theo đoàn để tạo sự công bằng giữa người mua vé và không mua vé, giữa lữ hành chân chính và không chân chính. Riêng đối với khách lẻ thì khuyến khích mua vé, nếu mua thì tốt, không thì thôi, chứ không bắt buộc. Khách vào ăn tối, uống cà phê, chụp ảnh cưới thì sẽ không phải mua vé. Đồng thời, cũng không có chuyện dùng người Hội An nhận diện người Hội An hay phân luồng du khách", ông Sơn nói.

"NHẸ NHÀNG, TRÁNH GÂY XÁO TRỘN"

Xung quanh ý kiến Hội An là "di sản sống" thì có nên bán vé tham quan, ông Nguyễn Văn Sơn phản hồi trên thực tế cũng có nhiều di sản sống đang tổ chức bán vé, như Phượng Hoàng cổ trấn ở Trung Quốc. Tại địa bàn TP.Hội An, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (có 3.000 dân sinh sống) vẫn bán vé 70.000 đồng/khách và hầu như không ai có ý kiến. Tuy nhiên, cái khó của đô thị cổ Hội An là có quá nhiều đường vào khu di sản, khó bán vé hơn rất nhiều so với di sản khác.

"Hội An sẽ tăng cường công tác hướng dẫn. Trước đây các điểm vào khu phố cổ ai vô thì vô, bây giờ sẽ có người chào mời, đi tham quan như thế nào sẽ được hướng dẫn. Điều này sẽ khiến các tour cắt xén tiền vé không thực hiện được, vì có sự kiểm soát", ông Sơn khẳng định.

Theo ông Sơn, thời gian qua, một số đơn vị lữ hành đưa khách tham quan "chui" vào phố cổ, tạo sự bất công đối với các đơn vị tuân thủ việc mua vé cho khách đoàn. Có đơn vị lữ hành chia nhỏ các đoàn ra để không mua vé, hay quảng bá du khách Hội An là "điểm không cần mua vé"… Tình trạng này nếu không chấn chỉnh, kiểm soát sẽ gây sụt giảm nguồn thu. Đơn cử năm 2019 TP.Hội An thu gần 300 tỉ đồng từ việc bán vé, năm 2022 chỉ thu được 32 tỉ đồng, riêng trong 3 tháng đầu năm 2023 chỉ thu được gần 40 tỉ đồng.

Mở rộng không gian phố đi bộ

TP.Hội An cũng công bố từ ngày 15.5 sẽ chính thức mở rộng không gian "Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ" tại tuyến đường Phan Châu Trinh, nằm trong khu vực 1, vùng lõi di sản nhằm mở rộng không gian hoạt động và làm đa dạng các sản phẩm văn hóa, du lịch để mang đến nhiều trải nghiệm hơn nữa cho du khách. Không gian hoạt động từ ngã tư đường Nguyễn Huệ - Phan Châu Trinh đến ngã ba đường Cao Hồng Lãnh - Phan Châu Trinh. Việc mở rộng ra phố Phan Châu Trinh đã xây dựng phương án từ năm 2019, chưa đặt vấn đề kiểm soát vé tại khu vực này (chỉ mở rộng không gian dành cho người đi bộ).

Ngoài ra, việc tăng cường quản lý hoạt động tham quan khu phố cổ Hội An cũng nhằm kiểm soát, giảm lượng người vào khu phố cổ (vào thời gian cao điểm từ 17 - 21 giờ mỗi ngày), từ đó giảm áp lực cho vùng lõi, đảm bảo yêu cầu bảo tồn cho di sản.

Trước khi ban hành phương án mới, TP.Hội An đã tổ chức gặp mặt, tham vấn ý kiến người dân, đơn vị lữ hành, khách sạn. Phương án mới cũng đã được tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Hội An thông qua. Theo ông Sơn, phương án mới được nhiều người ủng hộ, có khách sạn còn ngỏ ý muốn nhận vé về bán cho du khách.

"Chúng tôi sẽ bắt đầu triển khai thực hiện từ ngày 15.5 tới. Các biện pháp tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động tham quan sẽ làm hết sức chặt chẽ nhưng nhẹ nhàng, nhân văn, tránh xáo trộn, ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân trong khu vực phố cổ cũng như hoạt động kinh doanh buôn bán. Đặc biệt, không làm ảnh hưởng đến thương hiệu, hình ảnh Hội An nhân tình thuần hậu", ông Sơn chia sẻ.

Chính quyền TP.Hội An cũng tái khẳng định theo đuổi chủ trương bán vé (cho khách đoàn, khách đi tour) nhằm tạo nguồn đầu tư cho di sản, trùng tu nhà cổ, nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng các chương trình lễ hội… 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.