Thu phí tham quan phố cổ có khả thi?: Chờ tham vấn cộng đồng và điều chỉnh

Mạnh Cường
Mạnh Cường
07/04/2023 07:30 GMT+7

UBND TP.Hội An (Quảng Nam) đang tham vấn ý kiến từ cộng đồng, doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện phương án thu phí tham quan phố cổ.


Nhiều chiều ý kiến

Đã gần 1 tuần kể từ khi có thông tin TP.Hội An (Quảng Nam) sẽ triển khai phương án tăng cường quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan phố cổ Hội An, trong đó bán vé cho tất cả người vào tham quan khu phố cổ từ ngày 15.5, các luồng ý kiến tranh luận vẫn tiếp tục nóng. Nhiều ý kiến đồng tình, nhưng cũng không ít ý kiến phản đối.

Anh Nguyễn Thanh Bình (quê Nghệ An) tỏ ý đồng tình và cho rằng đây là chủ trương hợp lý, nhưng với điều kiện TP.Hội An phải quản lý tốt về vấn đề khai thác du lịch, có những hoạt động cụ thể và nghiêm cấm việc bán hàng rong, chặt chém khách hàng. "Hoạt động du lịch chui và hàng rong ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh du lịch. Nếu thu phí, chính quyền có hướng đầu tư du lịch rõ ràng, hiệu quả hơn và trách nhiệm hơn với từng cá nhân, bộ phận; qua đó để du lịch Hội An có chiều sâu hơn, chứ không đơn thuần khách chỉ đến để ngắm rồi về", anh Bình nói.

Thu phí tham quan phố cổ có khả thi?: Chờ tham vấn cộng đồng và điều chỉnh - Ảnh 1.

Một góc phố cổ Hội An nhìn từ trên cao

NAM THỊNH

Một số du khách cho rằng muốn khai thác, tạo ra nguồn thu thì ngành du lịch cần phải tạo ra những sản phẩm du lịch tương xứng, có sức hấp dẫn, gắn liền với các giá trị di sản. Còn tận thu kiểu "cấm cửa", bán vé vào Hội An với những ai "không phải là người Hội An" thì không thể, không được phép. Có người còn quyết liệt hơn khi cho rằng, buộc người dân (khách nội địa) phải bỏ ra 80.000 đồng để chiêm ngưỡng những di sản mà tổ tiên để lại là phi lý, dù số tiền đó không lớn; chưa kể chính những du khách đó đã góp phần tạo nên linh hồn phố cổ.

Chủ tịch thành phố Hội An: ‘Thu tiền vé là để đảm bảo công bằng cho tất cả du khách’

Ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng nên bán vé tham quan để tạo nguồn thu. Khu vực I phố cổ Hội An là khu vực bảo vệ nguyên trạng, có tổng cộng 1.107 di tích kiến trúc, trong đó 84,18% là sở hữu tư nhân và tập thể, còn lại là sở hữu nhà nước. Hàng trăm di tích đã xuống cấp phải chống đỡ, che chắn. Bài toán đặt ra là làm sao giữ gìn cho được cả quần thể di tích sống, vừa huy động tối đa nguồn lực để tu bổ, sửa chữa nhà cổ; vừa giúp người dân hưởng lợi từ chính di tích. Lâu nay, hầu hết số tiền thu được từ vé tham quan đều dành để trùng tu di tích, chi trả cho các chủ di tích, bảo dưỡng công trình công cộng. Lấy di tích "nuôi" lại di tích là việc cần làm để giữ Hội An tốt hơn.

Phương án này chỉ mới là một cái khung. Trong quá trình trao đổi với người dân và doanh nghiệp lữ hành, chúng tôi sẽ lắng nghe, xem có đề xuất gì hợp lý để điều chỉnh, cố gắng hài hòa lợi ích của tất cả các bên.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An

"LẮNG NGHE VÀ SẼ ĐIỀU CHỈNH"

Trả lời PV Thanh Niên hôm qua 6.4, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An, cho biết địa phương mới đưa ra phương án, còn để hoàn thiện rồi áp dụng vào thực tế thì cần phải có sự tham vấn từ cộng đồng. Cụ thể, từ đây đến ngày 15.4, TP.Hội An sẽ hoàn tất việc lấy ý kiến của tất cả người dân trong khu phố cổ, kể cả cơ sở sản xuất kinh doanh. Tiếp đó, từ ngày 15 - 30.4, địa phương sẽ họp với các đơn vị lữ hành và tổ chức họp báo trong quãng thời gian từ ngày 1 - 15.5 để công bố phương án trước khi thực hiện. "Phương án này chỉ mới là một cái khung. Trong quá trình trao đổi với người dân và doanh nghiệp lữ hành, chúng tôi sẽ lắng nghe, xem có đề xuất gì hợp lý để điều chỉnh, cố gắng hài hòa lợi ích của tất cả các bên. Nếu ý kiến cộng đồng đúng, chính đáng thì sẽ nghe để điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, những nội dung phương án của thành phố đưa ra là vấn đề đã được pháp luật cho phép, có những cái cộng đồng chưa hiểu thì sẽ kiên trì giải thích thêm để họ hiểu", ông Sơn nói.

Travel blogger Đinh Hằng: 'Thu phí vào Hội An sẽ khiến khách du lịch quay lưng'

Thu phí tham quan phố cổ có khả thi?: Chờ tham vấn cộng đồng và điều chỉnh - Ảnh 3.

Đông nghịt du khách đến tham quan phố cổ Hội An dịp lễ

Theo ông Sơn, giai đoạn trước năm 2015, phố cổ Hội An đối diện nguy cơ quá tải du khách, gây tắc nghẽn về giao thông và nguy cơ suy giảm giá trị của di sản. Sau dịch Covid-19, TP.Hội An có nhiều chính sách kích cầu du lịch nên trong năm nay đã tái diễn cảnh ùn ùn khách trong giờ cao điểm từ 17 - 21 giờ. "Bây giờ siết chặt hơn nhằm đảm bảo công bằng giữa những người mua vé và không mua vé, cũng là giải pháp nhằm giảm lượng người vào phố cổ để bảo tồn di sản. Ngoài ra, để kiểm soát các hãng lữ hành không chấp hành nghiêm chỉnh quy định về vé tham quan khu phố cổ Hội An, tránh tình trạng bất công cho các hãng lữ hành, du khách chân chính, có trách nhiệm. Hội An có 64 km2 nhưng đâu có bán vé toàn bộ thành phố, mà chỉ bán vé khu vực được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Có nhiều giải pháp, nhưng giải pháp thu vé là dễ làm nhất để giảm bớt lượng người vào, không để di sản bị quá tải. Hội An thực hiện bán vé theo luật Di sản, luật Du lịch cũng như Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam về mức thu vé", ông Sơn khẳng định.

Trước những băn khoăn của nhiều người dân trên địa bàn Quảng Nam, TP.Đà Nẵng về việc chỉ vào phố cổ ăn uống, ngắm phố liệu có phải mua vé hay không, ông Sơn khẳng định: "Chỉ cần người dân nói lý do chính đáng sẽ được tạo điều kiện cho vào. Ở đây chủ yếu dùng bảng hướng dẫn và lực lượng hướng dẫn viên để nhắc nhở, hướng dẫn chứ không phải như nhiều người nghĩ là đưa barie ra chắn để thu phí". Ông Sơn nói thêm rằng người địa phương sẽ đi tất cả các ngõ vào phố cổ và đi lúc nào cũng được theo biển chỉ dẫn. Riêng đối với du khách sẽ được hướng dẫn đi theo một số tuyến nhất định, để được hướng dẫn đầy đủ chi tiết. Về giải pháp "dùng người Hội An nhận diện người Hội An", theo ông Sơn đây là nội dung do người dân địa phương hiến kế khi tham vấn cộng đồng, nhưng chính quyền thành phố chưa có chủ trương thực hiện theo. 

Chuyên gia du lịch: 'Bán vé tham quan Hội An là phi lý, không bình thường!'

HĐND cấp tỉnh quyết định việc thu phí

Về việc thu phí tham quan phố cổ ở Hội An, chiều 6.4, thông tin từ Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) cho biết, hiện tại việc thu phí tham quan di tích, danh lam thắng cảnh thuộc địa phương quản lý đã được quy định trong luật Phí và lệ phí, trong đó quy định HĐND cấp tỉnh quyết định thu phí tham quan di tích lịch sử đối với công trình thuộc địa phương quản lý. Bộ Tài chính cũng có Thông tư số 85 ngày 29.11.2019 hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND cấp tỉnh (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 106/2021 ngày 26.11.2021).

Đối với Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An, những năm qua, địa phương đã thực hiện việc thu phí tham quan di tích, nguồn thu này được địa phương chi vào việc quản lý, bảo vệ, tu bổ, phát huy giá trị di tích (thông qua quy chế bảo vệ Di sản Văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An).

Vì vậy, việc điều chỉnh thu phí tham quan đối với Di sản Văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An hiện nay cũng căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích để quyết định đối với việc thu phí tham quan cả khu phố cổ Hội An hay thu phí riêng ở các điểm di tích thuộc khu phố cổ Hội An, đảm bảo phù hợp với các yêu cầu quản lý di tích và điều kiện KT-XH ở địa phương, đồng thời đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.

Cục Di sản văn hóa cũng cho biết chưa nhận được văn bản của UBND TP.Hội An và Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An liên quan đến việc này.

Trinh Nguyễn

Hội An từng lập chốt kiểm soát trong phố cổ, nhưng sớm hủy bỏ

Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, cho rằng chủ trương bán vé tham quan là hợp lý và trên thực tế đã triển khai từ năm 1995; nhưng cách đặt vấn đề thu phí trong phương án mới tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau, nhất là vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến người dân, nên chưa nhận được sự đồng thuận trong dư luận. Theo ông Nguyễn Sự, chính quyền TP.Hội An từng vấp phải luồng dư luận phản ứng tương tự hồi năm 2014. Khi ấy, địa phương triển khai các chốt kiểm soát trong phố cổ, nhưng trước phản ứng của dư luận, chính quyền địa phương nhận thấy không hợp lý liền dẹp bỏ chỉ vài ngày sau đó. "Bây giờ, với khách đi lẻ, cứ tiếp tục vận động mua vé, còn họ không mua thì thôi chứ không cần thiết phải có nhiều giải pháp kỹ thuật. Nếu buộc bất cứ ai vào phố cổ mà phải mua vé là không đúng! Còn khách đoàn thì dứt khoát phải mua… Và nếu có phân luồng thì chỉ dành cho khách đoàn, không thể phân luồng người dân Hội An. Lực lượng hướng dẫn nên lưu động trên phố để vừa hướng dẫn vừa kiểm soát", ông Sự gợi ý.

Trên thực tế, gần đây có những đoàn khách được hướng dẫn viên gợi ý "xé" tour, bảo đi lẻ để trốn vé, khiến khách thiệt thòi khi tham quan phố cổ. Trước lo ngại khu đô thị cổ Hội An quá tải (và là một trong những lý do mà chính quyền TP.Hội An nêu ra để xác lập kế hoạch thu phí), ông Nguyễn Sự cho rằng nên sớm tính đến giải pháp giãn bớt lượng du khách ra ngoại vi phố cổ. Theo ông, lâu nay nhiều hoạt động đều tổ chức trong phố cổ, không có hoạt động ở ngoại vi, dễ dẫn đến tình trạng quá tải. Thực tế thì quá tải từ 16 giờ 30 đến 20 giờ 30. 

Hứa Xuyên Huỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.