Haiku tỏa sáng bên dòng Hương Giang

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
06/05/2023 07:25 GMT+7

CLB thơ Haiku Việt - Cố đô Huế không chỉ là nơi gặp gỡ của những người yêu thể thơ truyền thống xứ Phù tang mà còn là cầu nối trong giao lưu văn hóa Việt - Nhật hơn 2 năm qua.


CƠ DUYÊN TRỞ THÀNH NHỮNG HAIJIN

Từ chương trình giao lưu âm nhạc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật (1973 - 2023) diễn ra vào tháng 3 vừa qua tại Trường ĐH Y Dược Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế), lần đầu tiên tôi biết đến CLB thơ Haiku Việt - Cố đô Huế. Tìm hiểu mới biết, mặc dù còn non trẻ vì chỉ mới thành lập hơn 2 năm qua nhưng CLB ngoài quy tụ hàng chục haijin (nhà thơ haiku), cho ra đời hàng trăm tác phẩm cùng nhiều hoạt động sôi nổi trong giao lưu văn hóa Việt - Nhật.

Haiku tỏa sáng bên dòng Hương Giang  - Ảnh 1.

Nhà thơ Lê Bá Đức tặng 2 tập sách về thơ Haiku tại sự kiện giao lưu văn hóa Việt - Nhật vào ngày 28.3 vừa qua

Chủ nhiệm CLB Lê Bá Đức kể tháng 4.2019, tại TP.Huế đã diễn ra cuộc giao lưu thơ giữa Hội thơ Hương Giang và CLB thơ Haiku Việt - Hà Nội. Tại đây, ông Đinh Nhật Hạnh, Chủ nhiệm CLB thơ Haiku Việt - Hà Nội, đã giới thiệu thể thơ Haiku đến đông đảo những người yêu thơ. Là người vốn dĩ làm thơ với các thể truyền thống nhưng khi nghe những bài thơ dẫu cực ngắn nhưng sâu sắc, ông Lê Bá Đức nhanh chóng bị hút hồn.

"Nhà thơ Mai Trinh (tỉnh Bạc Liêu thuộc Ban Biên tập CLB thơ Haiku Việt) là người đầu tiên hướng dẫn những người yêu thơ Haiku Việt - Cố đô Huế tập làm thơ một cách tận tình ngay từ khi tiếp cận thể loại thơ mới này. Hưởng ứng thể loại thơ súc tích này, tôi đã vận động, tập hợp anh chị em yêu thơ Haiku tích cực sáng tác. Kết quả hoạt động bền bỉ, liên tục từ khi tiếp thu tinh thần Haiku - Hà Nội, đến ngày 19.12.2020, nhóm yêu thơ đã được Hội Hữu nghị Việt - Nhật tỉnh Thừa Thiên-Huế đồng ý thành lập CLB thơ Haiku Việt - Cố đô Huế", haijin Lê Bá Đức tiếp lời.

Được tổ chức bài bản, CLB thơ Haiku Việt - Cố đô Huế đã tạo được tiếng vang qua các sự kiện giao lưu. Từ cơ duyên "gặp gỡ" với Haiku vào năm 2019, đến nay, CLB đã có 43 thành viên. Trong đó, nhiều haijin của CLB là những nhà thơ có tiếng đã in nhiều ấn phẩm ở các thể thơ khác, như: Hương dĩ vãng, Gửi tình cho Huế (Lê Bá Đức); Gửi em cô gái đỏng đảnh (Nguyễn Quang Hà); Khúc tình thơ xứ Huế (Tôn Nữ Thanh Xuân)…

Chủ nhiệm CLB thơ Haiku Việt - Hà Nội Đinh Nhật Hạnh cho biết thêm từ năm 2019, nhóm Haiku Cố đô Huế do nhà thơ Lê Bá Đức phụ trách đã sinh hoạt đều đặn, không ngừng nâng cao chất lượng sáng tác. "Chỉ trong vòng một năm đã hội đủ điều kiện ra mắt tác phẩm đầu tay, Haiku Việt - Cố đô Huế vượt kỷ lục thời gian, ấn hành tập thơ Thắp đuốc bên dòng Hương (in năm 2020). Có thể nói, ngoài Huế ra chưa có nơi nào trên đất nước này lại sôi nổi nhiệt tình, đam mê thơ Haiku nồng hậu, thiết tha đến vậy!", haijin Nhật Hạnh nhận xét.

Haiku tỏa sáng bên dòng Hương Giang  - Ảnh 2.

CLB thơ Haiku Việt - Cố đô Huế thường xuyên tham gia giao lưu văn hóa Việt - Nhật

HOÀNG SƠN

TRUYỀN TÌNH YÊU HAIKU ĐẾN NGƯỜI TRẺ

Ngân nga 3 câu thơ Ngày xuân/khơi bếp lửa hồng/Haiku tỏa sáng bên dòng sông Hương đã được in trước đó, haijin Lê Bá Đức cho biết chỉ sau 2 năm thành lập, CLB thơ Haiku Việt - Cố đô Huế đã tập hợp thêm hàng trăm tác phẩm mới vào cuốn sách thơ thứ hai với tựa đề Thơ Haiku - Việt tập 1 (ấn hành vào năm 2021). Để lan tỏa niềm yêu thơ đến với mọi người, ngay từ khi thành lập, CLB thơ Haiku - Cố đô Huế đã lập trang tin trên mạng xã hội Facebook. Đây là nơi đăng nhiều bài thơ của hội viên, bài viết giao lưu thơ, nhạc…

Đóng góp tích cực trong giao lưu Việt - Nhật

Chủ nhiệm CLB Lê Bá Đức cho biết trong chương trình giao lưu âm nhạc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật (1973 - 2023) diễn ra vào tháng 3 vừa qua, lãnh sự Nhật Bản Teramoto Eri đồng ý sẽ hỗ trợ những hoạt động giao lưu giữa CLB với phía Nhật Bản, trong đó có việc giao lưu văn hóa trên chính đất nước Nhật Bản. Với nhiều hoạt động tích cực vào hoạt động chung của Hội Hữu nghị Việt - Nhật, vào ngày 19.12.2022 (đúng kỷ niệm 2 năm thành lập CLB), bà Đỗ Thị Mỹ Châu, Chủ tịch Hội, đã ký giấy khen CLB thơ Haiku Việt - Cố đô Huế.

Theo ông Lê Bá Đức, niềm vui lớn đối với CLB là ngoài những thành viên cơ hữu, thông qua mạng xã hội, số thành viên trực tuyến đã lên đến hàng trăm người. Trong đó có nhiều haijin trẻ tuổi ở khắp các địa phương trên cả nước. Trung bình mỗi tháng có khoảng 6 chùm thơ Haiku và 6 chùm Tanka được đăng tải.

"Thơ Haiku càng ngẫm càng hay, sáng tác rất nhanh; chỉ cần trong một khoảnh khắc nắm bắt được, cảm nghiệm được cuộc sống là có thơ Haiku", haijin Lê Bá Đức phân tích: "Chính bởi thơ Haiku tinh tế, thực tế, súc tích nên tôi cho rằng những người yêu thơ, nhất là người trẻ khi tiếp cận sẽ dễ cảm mến. CLB luôn hướng đến và nỗ lực để truyền cảm hứng cho những bạn trẻ".

Và điều đáng mừng là, trong những cuộc giao lưu thơ Haiku với những trường học trên địa bàn TP.Huế từ bậc THCS cho đến CĐ, ĐH, các em học sinh, sinh viên đều tỏ rõ sự hào hứng với thể thơ ngắn nhất thế giới này. Haijin Tôn Nữ Thanh Xuân, một giáo viên dạy văn cấp 2 đã về hưu, chia sẻ bà đến với thơ Haiku vì cảm nhận được sự sâu sắc trong ít ỏi con chữ. "Haiku là tinh hoa của thi ca Nhật Bản. Tôi cho rằng bên cạnh những dòng thơ truyền thống của nước Việt, thế hệ trẻ hôm nay nên mở lòng đón chào một thể thơ đặc sắc, phong phú và ý nhị như Haiku. Chúng ta đang trên bước đường hội nhập quốc tế, thế hệ trẻ có trách nhiệm mới và cũng nên có những đam mê mới. Thơ Haiku sẽ là một hành trang, một cánh cửa cho những du học sinh Việt trong giao lưu văn hóa với người Nhật…", bà Thanh Xuân trải lòng.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.