Chuyện Nhật trên đất Việt: Ngoại giao… cổ vật

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
05/05/2023 07:18 GMT+7

Những chuyến "giao lưu" cổ vật qua lại giữa chùa Quán Thế Âm (TP.Đà Nẵng) với các chùa tại Nhật Bản trở thành câu chuyện đẹp trong nỗ lực xây đắp mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước trên nền tảng văn hóa Phật giáo.

Tặng tượng "trấn" sóng thần

Bức tượng Quan Thế Âm cưỡi Độc giác long tại Bảo tàng Văn hóa Phật giáo (thuộc chùa Quán Thế Âm, Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) nổi tiếng không phải vì giá trị về chất liệu (bằng đồng nặng khoảng 7 kg, cao 45 cm) cũng như niên đại mà cổ vật này sở hữu mà là câu chuyện "đi ngoại giao" có một không hai. Số là năm 2011, sau thảm họa sóng thần tại bờ biển phía đông bắc Nhật Bản khiến hàng ngàn người chết thì ở VN, bức tượng có ý nghĩa "trấn" sóng thần được tìm thấy tại một vùng quê thuộc H.Thăng Bình (Quảng Nam). Từ đây, bức tượng đã có cuộc chu du vô tiền khoáng hậu tại nhiều tỉnh, thành của Nhật Bản để làm mẫu cho các chùa tạc lại nhằm cầu an cho khu vực gặp sóng thần.

Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm, kể năm 2011, sau thảm họa sóng thần, nhà chùa đã làm lễ tưởng niệm và quyên được một số tiền để san sẻ với nỗi mất mát của đất nước mặt trời mọc. "Không hiểu cơ duyên thế nào mà sau đó, một bà cụ ở Quảng Nam lại đào được tượng Quan Thế Âm cưỡi Độc giác long rồi mang tặng chùa. Bồ tát ngồi trên bệ là lưng của một con cá hóa rồng với một chiếc sừng ở trên đầu, tay phải ngài cầm Định hải châu, tay trái đặt trên lưng rồng. Trong bộ kinh cầu an Pháp hoa, phẩm Phổ môn có nhắc Long ngư chư quỷ nạn/Niệm bỉ Quán âm lực/Ba lãng bất năng một với đại ý: nơi biển lớn có con cá hóa rồng gây nên sóng dữ thì niệm cho thấu Quan Âm sẽ được phù hộ cho lặng sóng. Thần công lực của ngài hiển linh chế ngự con rồng để giúp vượt qua sóng gió. Bởi vậy, sự xuất hiện của bức tượng với ý niệm Bồ tát hàng phục Độc giác long hay còn gọi là con cù đang nổi dậy mang ý nghĩa lớn lao trong việc cầu nguyện đức Phật chế ngự sóng thần", thượng tọa Thích Huệ Vinh nói.

Chuyện Nhật trên đất Việt: Ngoại giao… cổ vật - Ảnh 1.

Cơ duyên đưa đẩy lần nữa khi giữa lúc nhà chùa tính tạc một bức tượng tặng cho một ngôi chùa tại tỉnh Fukushima để cầu an thì một nghị sĩ nước bạn sang Đà Nẵng đã nghe được câu chuyện này. Đáp lại ý định muốn mượn bức tượng của vị nghị sĩ, thông qua Sở Ngoại vụ và Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, chùa Quán Thế Âm đã gói ghém cẩn thận rồi bức tượng lên đường sang Nhật trong vòng 3 tháng để làm mẫu cho các chùa tạc lại.

"Vị nghị sĩ mang bức tượng về nước và đối chiếu với hàng ngàn bức tượng ở Nhật Bản nhưng không có bức tượng nào giống với Quan Thế Âm cưỡi Độc giác long. Biết bức tượng là độc bản mang ý nghĩa nguyện cầu bình an cho vùng đất dễ gặp rủi ro sóng thần, chúng tôi thuê nghệ nhân làng đá Non Nước tạc nguyên mẫu một bức tượng bằng đá, cao khoảng 1,3 m để gửi sang tặng một ngôi chùa ở Nhật Bản. Chúng tôi rất xúc động khi được mời sang chứng kiến việc an vị, khánh thành tượng với nghi thức Phật giáo truyền thống của người Nhật Bản hết sức tôn nghiêm", vị thượng tọa kể.

Nối dài mối lương duyên

Đưa tôi đến tham quan Bảo tàng Văn hóa Phật giáo, vị thượng tọa dẫn tôi đến trước bức tượng Thập nhất diện Quan Âm do Đông Đại Tự (Todaiji, Nhật Bản) tặng chùa để kỷ niệm giao lưu Phật giáo Việt - Nhật. Thượng tọa Thích Huệ Vinh kể vào ngày 30.10.2016, đoàn đại biểu gồm 34 thành viên của Đông Đại Tự do trụ trì đời thứ 222, đại đức Sagawa Fumon dẫn đầu đến thăm và trao tặng bức tượng bằng đồng này (cao 88 cm, nặng 33 kg) cho chùa Quán Thế Âm. Đây là tác phẩm được nhà điêu khắc Mizushima Iwane phiên bản từ bức tượng cùng tên được vị sư Ấn Độ Bodhisena và cao tăng Việt Nam Phật Triết thỉnh từ Ấn Độ qua Nhật Bản cách đây gần 1.300 năm. Phiên bản từ quốc bảo Nhật Bản có giá trị 3,8 triệu yen do người dân, tín đồ Phật tử 2 nước Nhật - Việt và nhà điêu khắc Mizushima Iwane phụng cúng.

Lần giở câu chuyện, tháng 10.2010, thượng tọa Thích Huệ Vinh đã có chuyến hành hương đến thăm các chùa Nhật Bản và đã đến thăm Đông Đại Tự. Biết được ý nghĩa lớn lao của bức tượng Thập nhất diện Quan Âm liên quan đến vị tiền bối Phật Triết, thượng tọa đã ngỏ ý mượn bức tượng về VN để hành lễ trong lễ khánh thành chánh điện mới của chùa Quán Thế Âm. Vì các quy định ràng buộc nên việc mượn cổ vật không thành. Nhưng đoàn hành hương rất phấn khởi vì để tri ân Phật Triết cũng như xây dựng mối quan hệ Phật giáo giữa 2 nước, phía Đông Đại Tự đã nảy ý định tặng phiên bản của bức tượng. Sau 2 lần viếng thăm chùa Quán Thế Âm vào tháng 12.2010 và tháng 4.2014, đến lần thứ 3 vào tháng 10.2016, biết được tiến độ xây dựng chánh điện chùa Quán Thế Âm, trụ trì Sagawa Fumon đã cùng đoàn cao tăng sang thăm và trao tặng phiên bản bức tượng cho nhà chùa.

"Thật sự tôi rất xúc động trước nghĩa cử của Đông Đại Tự. Phiên bản bức tượng là quốc bảo của Nhật Bản không chỉ giá trị khi góp mặt vào Bảo tàng Văn hóa Phật giáo mà đó còn là món quà hết sức đặc biệt nối dài mối lương duyên có từ hơn ngàn năm trước. Bức tượng là minh chứng cho việc giao lưu Phật giáo tốt đẹp có lịch sử lâu đời cũng như góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Nhật đến hôm nay", thượng tọa Thích Huệ Vinh nói và cho biết thêm, từ nhiều năm qua, các nhà sư Đông Đại Tự và chùa Quán Thế Âm thường xuyên tổ chức các đoàn hành hương, thăm hỏi. (còn tiếp) 

Tranh quý hồi hương trong phiên bản

Tháng 2.2010, đoàn tăng sư chùa Jomyo (Nagoya, Nhật Bản) đã trao tặng phiên bản bức tranh vẽ tượng Phật - Thác kiến Quan Thế Âm cho chùa Tam Thai (Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng). Cách đây 400 năm, khi đến yết kiến Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, trước lòng thành kính đức Phật của thương nhân Araki Sataro dòng họ Chaya, Chúa Nguyễn đã ban cho ông bức tranh này và được ông thỉnh về nước. Suốt hàng trăm năm qua, bức tranh này cùng với bức Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ (màu nước, rộng 78 cm, dài 498 cm) được phía chùa Jomyo gìn giữ cẩn thận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.