Gốc huê 'khủng' được canh giữ cẩn mật

27/02/2014 14:30 GMT+7

(TNO) Gốc gỗ huê ở ngầm Troóc, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình đang được canh giữ cẩn mật, chờ đấu giá.

(TNO) Gốc gỗ huê ở ngầm Troóc, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình đang được canh giữ cẩn mật, chờ đấu giá.


Dùng cáp kéo gốc huê lên xe chở về - Ảnh: Trương Quang Nam

Như Thanh Niên Online đã thông tin, gốc gỗ huê đã được trục vớt thành công vào chiều 26.2.

Có thể nói đây là gốc gỗ huê còn nguyên hình dạng lớn nhất từ trước tới nay được biết và có hình ảnh thông tin rộng rãi.

Lực lượng kiểm lâm đo đạc sơ qua  tại hiện trường cho thấy gốc dài 2,1m; chiều rộng ở dưới đáy gốc là 1,1m; trong đó, tính độ dài từ đầu mút rễ bên này sang đến đầu rễ bên kia là 3m. Ước đoán của một thương lái cho biết gốc gỗ nặng chừng 1,3 tấn.

Rất nhiều người quan tâm “số phận” gốc gỗ huê này sẽ được xử lý như thế nào.

Khó khẳng định được giá trị thực

Hiện gốc huê đang được cất giữ tại Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên Online, sau khi tiến hành các quy trình, thủ tục theo đúng quy định, gốc gỗ sẽ được đưa ra đấu giá theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản.

Việc quan trọng nhất đó là xác định giá trị của gốc gỗ để định giá khởi điểm khi đấu giá. Theo Sở Tài chính Quảng Bình, giá trị của gốc huê vừa được phát hiện sẽ định giá theo Thông tư số 137/2010/TT-BTC.

Theo đó, Thông tư này quy định về việc xác định giá khởi điểm của tài sản Nhà nước bán đấu giá và chế độ tài chính của Hội đồng bán đấu giá tài sản. Trong điều 4 về nguyên tắc xác định giá khởi điểm của Thông tư ghi rõ: Giá khởi điểm của tài sản nhà nước bán đấu giá được xác định theo nguyên tắc phải phù hợp với giá bán thực tế của tài sản cùng loại hoặc tương tự ở thị trường địa phương tại thời điểm xác định giá.

Được biết, gỗ huê nguyên khối loại kích cỡ bình thường trên thị trường Quảng Bình có giá dao động từ 12-15 triệu đồng/kg. Như vậy, nếu áp giá vào gốc gỗ thì tương đương khoảng gần 20 tỉ đồng.

Tuy nhiên, như phân tích của một thương lái (Thanh Niên Online đã thông tin), vì gốc gỗ ngâm dưới nước lâu ngày dẫn đến mùi thơm của gỗ bị mất không ít nên giá trị sẽ bị hạ đi rất nhiều; còn chừng trên 5 tỉ đồng.

Người phát hiện có bị hớ?

Trong một diễn biến khác, không ít người tò mò chuyện gia đình ông Thời (người phát hiện gốc gỗ) sử dụng số tiền gần 1 tỉ đồng nhận từ thương lái để “bán cái” việc nhận hỗ trợ từ cơ quan chức năng sau khi đấu giá như thế nào.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, gia đình ông Thời giữ lại 300 triệu đồng, số còn lại được chia cho bà con, anh em họ hàng là những người đã tham gia đào bới, tìm cách lấy gốc gỗ trong 2 ngày đầu.

“Những người này được chia nhiều ít khác nhau, tùy theo công sức, mối quan hệ; người nhiều thì 50-70 triệu đồng, người ít vài triệu đồng”, một người dân sống gần nhà ông Thời kể lại.

Được biết, gia đình ông Thời có hoàn cảnh khó khăn và dính vào một số chuyện tai ương trước đó.

Khi đưa được gốc gỗ lên, trước độ “khủng” của nó, cũng có một vài ý kiến cảm thấy tiếc nuối cho cha con ông Thời vì đã “bán cái” hớ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, không hề hớ trong hoàn cảnh đó. Thứ nhất, lúc đó Nguyễn Quang Huy (con ông Thời, người phát hiện gỗ) và một số anh em họ hàng muốn nhận tiền tươi ngay tại hiện trường mới cho trục vớt, trong khi cơ quan chức năng không thể đáp ứng vì phải làm việc theo quy định, quy trình.

Mặc dù đã được cam kết hỗ trợ sau khi bán đấu giá nhưng tâm lý những người này không thích vì phía trước là cả một quãng thời gian và chưa biết chuyện gì xảy ra. Nhận tiền từ thương lái thì nghiễm nhiên đã cầm chắc và sử dụng được ngay. Thứ hai, lúc đó bản thân họ cũng chưa hình dung hết độ lớn và giá trị của gốc gỗ, ẩn số vẫn đang tù mù dưới nước; ngay cả thương lái cũng chấp nhận đánh cược “lời ăn lỗ chịu”. Thứ ba, họ tránh được những phiền toái có thể nảy sinh trong quá trình xử lý vụ việc.

Trong ngày trục vớt thứ 2 (26.2), hoàn toàn không thấy bóng dáng cha con ông Thời cũng như những người bà con đã tham gia đào bới trước đó. Một người dân theo dõi vụ trục vớt cho hay: “Giờ họ ra đây làm gì cho mệt, ở nhà ăn nghỉ thoải mái rồi”.

 
Nguyễn Quang Huy, người cùng cha đi thả lưới đã xăm trúng gốc huê - Ảnh: Trương Quang Nam


Sau nhiều công sức, gốc huê mới được đưa lên khỏi vị trí nằm dưới lòng suối - Ảnh: Trương Quang Nam


Vì quá lớn nên việc đưa lên xe của không dễ dàng - Ảnh: Trương Quang Nam


Người dân trong vùng nhịn ăn uống, bỏ làm việc, nín thở theo dõi vụ trục vớt - Ảnh: Trương Quang Nam


Gốc huê “khủng” vẫn chưa có lời giải về giá trị - Ảnh: Trương Quang Nam

Trương Quang Nam

>> Những hình ảnh mới nhất về gốc gỗ huê 'khủng' trị giá tiền tỉ
>> Vụ 'gỗ huê tiền tỉ dưới lòng suối': Có thể là một gốc huê đại thụ
>> Vụ 'gỗ huê tiền tỉ dưới lòng suối'': Ngăn suối, mở dòng, kéo gỗ huê
>> Dân phát hiện gỗ huê 'khủng' dưới suối
>> Người phát hiện gỗ huê nhận gần 1 tỉ đồng tiền mặt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.