Truyền hình trực tuyến: Góp ý dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015

22/01/2015 13:30 GMT+7

(TNO) Vào lúc 14 giờ hôm nay 22.1, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình truyền hình trực tuyến 'Góp ý dự thảo quy chế thi THPT quốc gia năm 2015' tại địa chỉ www.thanhnien.com.vn.

(TNO) Vào lúc 14 giờ hôm nay 22.1, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình truyền hình trực tuyến “Góp ý dự thảo quy chế thi THPT quốc gia năm 2015” tại địa chỉ www.thanhnien.com.vn.

Tham dự buổi tọa đàm có lãnh đạo Bộ GD-ĐT, các vụ, cục chức năng của Bộ; đại diện các sở GD-ĐT, trường ĐH, CĐ, THPT tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam.
Đây là chương trình do Bộ GD-ĐT phối hợp với Báo Thanh Niên tổ chức, nhằm ghi nhận ý kiến đóng góp cho dự thảo quy chế thi THPT quốc gia mà Bộ công bố từ tháng 12.2014. Sau khi nhận ý kiến đóng góp của xã hội, dự kiến đầu tháng 2.2015, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy chế chính thức.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và một số khách mời tham gia buổi tọa đàm - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Đúng 14 giờ chương trình bắt đầu, nhà báo Thùy Ngân - Phó ban Thanh Niên Giáo dục Báo Thanh Niên mời GS-TS Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phát biểu khai mạc buổi tọa đàm.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu: "Trước tiên, tôi xin cám ơn báo Thanh Niên đã đồng hành cùng Bộ GD-ĐT trong nhiều hoạt động nhiều năm qua; cám ơn các thầy cô, học sinh các trường, cơ sở đào tạo, đến dự tọa đàm để góp ý cho quy chế thi tuyển sinh sắp tới. Buổi tọa đàm hôm nay liên quan đến nhiều học sinh đang học lớp 12 muốn thi tuyển ĐH. Chúng tôi sẽ cập nhật những thông tin chính thức, kịp thời cụ thể để mọi người nắm rõ".
 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu khai mạc buổi tọa đàm - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết đối với trường đại học quốc gia TP.HCM đến chiều hôm qua vẫn họp về quy chế này. Quy chế này cũng có nhiều cuộc họp lớn, nhiều cuộc hội ý. Khó khăn năm nay về quy chế là ban tổ chức có hai vai đó là các trường tổ chức thi và các trường không tổ chức thi.

Về vấn đề kỹ thuật, ông Nghĩa cho biết đối với cụm thi TP.HCM có đến 8 cụm, trưởng ban chỉ đạo có thể là phó chủ tịch UBND TP, các phó ban là sở giáo dục, các trường. Liệu với quy chế này, ban chỉ đạo kỳ thi ở Hà Nội và TP.HCM có quá to hay không. Đề nghị ban chi đạo trung ương xem xét lại?

Ở điều 8 của quy chế, vấn đề tổ chức phòng thi, lấy số báo danh như thế nào cho hợp lý, làm sao có thể dồn thí sinh vào các phòng thi như thế nào để tiện cho khâu tổ chức. Rồi việc cấp thẻ dự thi thế nào? Một vấn đề nữa là thí sinh tự do đăng kí và dự thi ở đâu? Dự thảo quy định thí sinh tự do đăng ký thi ở địa phương, nơi cư trú.

Các vấn đề liên quan đến chính sách, ông Nghĩa cho biết đăng ký dự thi tối thiểu 4 môn ở điều 3, nên làm rõ hơn về câu chữ kẻo thí sinh không hiểu. Ông Nghĩa còn kiến nghị về cụm thi, ngoại ngữ, về thang điểm, xét tuyển liên thông và vấn đề xét tuyển theo nguyện vọng.

“Vấn đề xét tuyển theo nguyện vọng, cho tới chiều qua các trường thành viên chúng tôi thảo luận với cách như hiện nay thì chỉ nên mỗi giấy xét vào mỗi trường. Cái này cần phải thảo luận kỹ để cho hợp lý”, ông Nghĩa nói.
 Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa đặt vấn đề với Bộ GDĐT - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Tiếp theo là ý kiến của Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai Trương Thị Kim Huệ. Đại diện Sở GD-ĐT Đồng Nai cho biết: Cơ bản nhất trí dự thảo quy chế thi THPT quốc gia 2015, tuy nhiên có 3 vấn đề đề xuất là: Về thang điểm, nên duy trì thang điểm 10, vì học sinh phổ thông đang áp dụng thang điểm này; Về thời gian hạn chót thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển, theo dự thảo là trước 11.4, đề nghị giãn ra hạn chót đến hết tháng 4; Và về cụm thi, đề xuất nên duy trì 2 cụm thi song song, liên tỉnh và ngoài tỉnh.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp đóng góp ý kiến. Sở GD-ĐT Đồng Tháp đồng tình với chủ chương thi tốt nghiệp, dự thảo quy chế thi tuyển sinh. Hồi giữa tháng 12 vừa qua, chúng tôi đã triển khai lấy ý kiến từ đội ngũ phụ huynh học sinh về dự thảo quy chế. Cơ bản mọi người đều đồng tình với dự thảo, và đánh giá cao 2 ý: giảm bớt thi cử và tránh tốn kém.

Tuy nhiên, theo ông Liêm, dự thảo quy chế thi còn gây một số băn khoăn về cấu trúc đề thi, giống nhau thì giống thế nào, khác trước ra sao?

"Thông tin trên trang web các trường cần cụ thể hơn để phụ huynh nắm rõ. Thông tin nguyện vọng ở các trường công bố, nhưng bộ cũng nên công khai để mọi người theo dõi thông tin chính thức. Thi vào đầu tháng 7 là tốt, có thời gian chuẩn bị, thí sinh có thời gian nộp hồ sơ, riêng Đồng Tháp thì có thể từ 15.4 là thí sinh có thể nộp hồ sơ. Nên chọn thang điểm 10 cho ổn định", ông Liêm góp ý.

Đại biểu tên Vinh đến từ Trường Đại học Đà Lạt cho biết kỳ thi này có hai điểm nổi bật là tiết kiệm ngân sách cùng với cách đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả kỳ thi mở ra cơ hội công bằng và ngành nghề tối ưu cho các em học sinh.

Đại biểu Vinh cũng cho biết Trường đại học Đà Lạt rất nhiều năm tổ chức thi tuyển đại học, năm nay nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo giao tổ chức cụm thi, trường sẽ sẵn sàng nhận.
 
Toàn cảnh buổi tọa đàm - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Đại diện Đại học Giao thông vận tải TP.HCM góp ý về những câu chữ chưa rõ trong dự thảo quy chế thi THPT quốc gia 2015, các quy định khá "cứng" về các ban tuyển sinh. Về dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, đại diện Đại học Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng thời gian để xét tuyển 20 ngày là khá ngắn sợ các trường làm không kịp. Đồng thời trong dự thảo này cần quy định rõ về ban chấm phúc khảo, quy định chi tiết về việc xử lý kỷ luật lãnh đạo các trường trong tuyển sinh nhằm tránh những phát sinh khó xử về sau.
Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa Vũng Tàu: "Tôi đồng tình và hoan nghênh những đổi mới trong dự thảo quy chế thi tuyển sinh 2015. Sở chúng tôi đã triển khai thăm dò ý kiến các thầy cô giáo, cơ sở giáo dục, nhà trường, học sinh".

Riêng thông tin dự kiến thi tuyển sinh vào đầu tháng 7 thay vì đầu tháng 6 như mọi năm, ông Giang cho biết: Từ 30.5 các trường kết thúc chương trình, đến 1.7 mới thi. Nếu để thí sinh tự do tự học trong một tháng đó thì các thầy cô không thể yên tâm. Tôi đề xuất vẫn tổ chức cho học sinh ôn luyện để thi tốt. 

Theo ông Giang, việc đổi kỳ thi tuyển sinh sang đầu tháng 7 là tốt, giúp chúng ta không cập rập giữa 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ. 

'Bộ nên gút sớm luôn có cho đem atlat vào phòng thi không để các trường biết cách mà dạy và học cho đúng định hướng", ông Giang nói.

Ông Giang đề xuấ với điều 37 quy định về giáo dục thường xuyên, nếu bỏ điểm khuyến khích tin học, ngoại ngữ, giờ chuẩn bị bước vào học kỳ 2 rồi, các em cũng phấn đấu đạt chứng chỉ này, nếu bỏ thì nên từ năm sau chứ từ năm nay thì Bộ nên giữ như những năm trước để đảm bảo quyền lợi cho các em.

"Còn về thang điểm 10 hay 20, bản chất giống nhau, thang điểm 10 là thói quen tạo sự đồng thuận nhiều hơn là thang 20", ông Giang nêu ý kiến.

Ông Giang nói thêm, các đề thi năm nay cấu trúc thế nào, nên Bộ cần có hướng dẫn cấu trúc đề thi từng bộ môn để các việc dạy và học tự tin hơn.

Đề xuất Bộ nên công bố quy chế sớm để các trường tự tin triển khai. Cái gì có lợi thì làm sớm còn không thì từ từ.
Ông Trần Đức Huyên, Phó hiệu trưởng Trường chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) bày tỏ hoàn toàn đồng thuận với chủ trương thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chủ trương này vừa tiết kiệm lại tránh số ảo vì có em đậu không học. Ông Nguyên cũng kiến nghị nên giữ thang điểm 10 bởi nếu muốn chi tiết có thể chia nhỏ điểm ra vẫn được. Ngoài ra, Bộ cần có quy chế chính thức cho kỳ thi để phụ huynh và các em yên tâm.

Phó hiệu trưởng trường Lê Hồng Phong cho biết theo dự thảo các em thi xong được cấp 4 giấy ghi điểm. Nếu nộp đợt 1 trúng tuyển thì đợt sau không được nộp nữa. Cho nên Bộ nên công bố trường nào trong danh sách đợt 1, trường nào đợt 2 để các em cân nhắc cho hợp lý. Bộ cũng nên có dự thảo quy chế năm 2016-2017 để trường có kế hoạch giảng dạy.
Rất nhiều góp ý được các đại biểu đưa ra tại buổi tòa đàm - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 
Theo thầy Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn thì tổ chức kỳ thi THPT quốc gia có nhiều ưu điểm ai cũng nhận thấy. Tuy nhiên có một số điểm cần điều chỉnh để việc tổ chức thuận lợi, như quy định về danh sách ảnh các phòng thi cần được hướng dẫn rõ hơn, và việc nên quy định thí sinh bỏ thi môn trước vẫn có thể thi môn tiếp theo.
Một ý kiến khác tại buổi tọa đàm cho rằng mỗi năm có 85-90% thí sinh tốt nghiệp THPT thi tuyển sinh, nên nếu quy định tổ chức thêm cụm thi ở các địa phương nữa thì có vẻ mang tính phân biệt. Chúng ta chỉ nên đưa về 1 cụm thi duy nhất.
Tuy nhiên theo ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM việc cụm thi ở địa phương là phù hợp, tiết kiệm cho các em ở tỉnh, không có điều kiện ra thành phố lớn để thi. Điều mà ông Dũng lo chính là việc tổ chức thi, ở đây tập trung vào kết quả chấm phúc khảo, bởi mọi năm điểm số này chênh lệch khá lớn so với lần chấm trước.

“Tôi vẫn muốn bài gom lại, các trường tổ chức điểm chấm riêng. Điểm môn nào nên giao cho các trường có thế mạnh chấm mới yên tâm. Chấm thi môn trắc nghiệm thì không lo nhưng các môn văn sử địa rất khó chấm chính xác nếu không chuyên”, ông Dũng nói.
Đại diện Sở GD-ĐT Long An đề xuất cần có hướng dẫn thêm về chăm lo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; và quy định cụ thể, chi tiết về các hình thức gian lận trong chấm thi.
Ông Trần Đình Lý (Trường ĐH Nông Lâm): Theo ý kiến các thầy cô trong các khoa, thứ nhất, so với những lần dự thảo trước đây bản dự thảo lần này có rất nhiều hoan nghênh của dư luận xã hội, ví dụ về thời điểm thi, tăng vùng dự thi lên. Tất cả đều có lợi cho thí sinh, nâng cao vai trò Sở GD-ĐT, trường THPT trong công tác coi thi và chấm thi.

Ông Lý đưa thêm góp ý: Về thang điểm chấm thi, giữa 10 hay 20 thì các thầy cô trường ĐH Nông Lâm cũng có ý kiến khác nhau, nhưng cần cân nhắc làm sao để hướng đến quyền lợi của thí sinh nhất. Thang 20 thì chính xác hơn, nhưng mệt hơn, chi phí chấm thi nhiều hơn. 

Theo các thí sinh, nếu đợt đầu đăng ký 4 NV trong 1 tờ giấy thì không công bằng cho các em. Bộ nên xem lại nói rõ quy định này để tránh các ngộ nhận có thể gặp phải từ thí sinh.
Nhiều vấn đề thí sinh quan tâm được đưa ra tại buổi góp ý như thang điểm 10, cụm thi ở địa phương... - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Ông Trần Xuân Thanh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH An Ninh cho biết phải làm tốt quy trình kỹ thuật để kỳ thi đảm bảo tốt nhất. Cần xem lại điều 8, 9 của quy chế vì ở đó chưa thấy quy định rõ. Nếu để các trường tự in phiếu báo thi, lập danh sách thi… sẽ có nhiều điểm phức tạp. Cần phải thống nhất thời điểm phát giấy báo thi để thí sinh biết chắc thi ở cụm thi nào, giờ nào.

Theo ông Thanh điều 28 của quy chế quy định về chấm kiểm tra, chấm thẩm định, kết quả được sử dụng như thế nào cũng không thấy quy định trong quy chế. Một điểm nữa trong quy chế là cần xác định rõ mốc thời gian cho mốc cụ thể về thời gian thi, nhập dữ  liệu, để cho các trường tổ chức thật tốt.

“Về quy chế dành cho các trường đại học, cao đẳng, cần nói rõ các loại giấy tờ cho đối tượng ưu tiên. Năm vừa rồi chúng tôi rất vướng điều này bởi không biết căn cứ văn bản giấy tờ nào”, ông Thanh nói.

Một đại diện đến từ ĐH Cần Thơ góp ý Bộ cần xem lại các thời hạn xét tuyển để các trường còn kịp thời gian thực hiện, tránh việc tổ chức gấp rút.
Đại diện Trường ĐH Công nghiệp góp ý vấn đề ở trang 13 dự thảo quy chế tuyển sinh:  Ở phần số 5 chú thích về khoản 3 đối với thí sinh có ghi: ”Thí sinh đã trúng tuyển vào trường ở một đợt xét tuyển sẽ không được tham gia xét tuyển ở các đợt tiếp theo”. Việc này thì nên đưa vào thành quy định độc lập vì nó rất quan trọng chứ không phải chỉ là phần ghi chú. Nếu thực hiện quy định này chúng ta nên dùng phần mềm quản lý trên toàn quốc. Thí sinh nào đã xin xét tuyển 1 trường và được thông báo trúng tuyển rồi thì phần mềm khóa ngay quyền xét tuyển của thí sinh đó vào trường khác. Bộ cũng quy định luôn là nếu trường vi phạm thì xử lý như thế nào.
Nếu thực hiện chặt quy định này thì sẽ giúp bớt đi thí sinh ảo nhiều. Tuy nhiên, quy định này có phần khắt khe hơn so với quy định những năm trước: thí sinh không trúng tuyển NV1 được cấp 3 Giấy chứng nhận điểm. Các em có thể  sử dụng cùng một lần hay nhiều lần để xin xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Trên thực tế một vài năm qua, mặc dù quy định thí sinh đã trúng tuyển NV1 ở một trường thì không có Giấy nhận điểm để xét tuyển vào các trường khác nhưng vẫn có trường xét tuyển và gọi trúng tuyển các thí sinh đã trúng tuyển NV1 ở trường khác chỉ dựa trên kết quả thi được cung cấp từ Cục khảo thí và KĐCL. Các trường này đã vi phạm quy chế tuyển sinh nhưng quy chế không quy định sẽ  xử lý ra sao.
Ông Phạm Vũ Luận phát biểu kết thúc chương trình - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM nói thêm về vấn đề cụm thi tỉnh và liên tỉnh, cần quan tâm làm sao để đảm bảo chất lượng. Và các thí sinh thi ở tỉnh vẫn được xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ vì vậy không nên phân biệt về việc xét tuyển này.
PGS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM  làm nóng buổi tọa đàm bằng nhiều ý kiến quan trọng. Ý kiến đầu tiên là đề cập đến vấn đề cụm thi ở tỉnh và cụm thi do các trường ĐH tổ chức khác nhau thế nào? Nếu thi ở tỉnh thì xét vào trường chỉ xét học bạ trong 3 năm thôi thì được, còn các trường ĐH thì xét tuyển kết quả ngay sau kỳ thi THPT. Nếu thi ở đâu cũng thi được vào các trường ĐH thì các em cứ ở tỉnh thi cho rồi, chứ lên các trường ĐH ở các thành phố thi làm gì.
Ý kiến tiếp theo là về điểm ưu tiên, mã vùng. Theo góp ý của đại diện trường ĐH Luật, diện ưu tiên thì làm hết sức cẩn thận ngay từ đầu, vì sau này nếu các chứng từ không hợp lệ khi gọi lên học thì các em lại gặp trục trặc, mất cơ hội, giải quyết khiếu nại kéo dài rất mệt mỏi. 

Ngoài ra, việc 1 phiếu đăng ký 4 ngành học khác nhau trong 1 trường thì tạo ra thí sinh ảo, gây khó khăn trong tuyển sinh. Ví dụ 1 thí sinh đăng ký từng ấy ngành thì chúng tôi biết gọi họ vào học như thế nào nếu họ trúng tuyển? 

Đại diện trường ĐH Luật nói thêm: Vấn đề gây xôn xao trong thời gian qua là có thông tin sau khi có kết quả THPT, ĐH Luật có tổ chức thi thêm một kỳ thi khác tại trường đối với các thí sinh trúng tuyển. Nay tôi khẳng định là trường chúng tôi không tổ chức kỳ thi thêm nào cả mà đó chỉ là kỳ kiểm tra. Đây là ý tưởng nhà trường đã ấp ủ bao nhiêu năm rồi, năm nay mới có triển khai. Nhưng đó chỉ là để kiểm tra cái tâm của thí sinh đầu vào, đánh giá định hướng, nhận thức, đạo đức nghề nghiệp của các em, nhận thức về lẽ công bằng. Các em không cần luyện thi, không cần chuẩn bị kiến thức, nhưng chúng tôi muốn kiểm tra nhận thức của các em sau 12 năm học. Kiểm tra chứ không phải thi.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết đổi mới này nằm trong lộ trình kiểm tra và đánh giá trong 3-4 năm nay. Việc đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh nhằm thay đổi cách dạy cách học, nâng cao chất lượng dạy và học. Lấy quyền lợi, lợi ích căn bản của học sinh để làm trung tâm, tiêu chí căn bản của tuyển sinh.

“Chúng ta giành phần khó về nhà trường, về cơ quan quản lý để giúp việc dạy và học được tốt. Khi có sự thay đổi sẽ có sự xáo trộn trong quản lý, nhà trường và kể cả kế hoạch của Chính phủ. Chiều qua họp Chính phủ xong, Thủ tưởng cũng có hỏi tôi về chủ trương này”, Bộ trưởng Luận khẳng định.

Theo Bộ trưởng Luận, đây là hình hài phương án cho đến khi có lứa học sinh học sách giáo khoa mới. Cho nên phương án này sẽ phải ổn định chứ không thay đổi từng năm. Các năm sau nếu có điểm mới sẽ bổ sung nhưng tổng thể giữ nguyên. Cho nên lần này Bộ Giáo dục và Đào tạo phải làm kỹ để sau này ít phải bổ sung hơn.

Về thang điểm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay bản chất vấn đề không thay đổi gì cả. Trên thực tế trước đây đã sử dụng thang điểm lớn ở một số kì thi. Nhưng ban đầu sẽ rất bỡ ngỡ, chấm xong rồi phải quy đổi thang điểm. Do đó Bộ sẽ tiếp thu theo hướng thang điểm 10 để tránh có những băn khoăn của dư luận, xã hội.

Về cấu trúc đề thi, sẽ có câu dễ, khó, câu vừa vừa, từ đó làm cơ sở cho hai việc là xét tốt nghiệp và tuyển sinh. Về mô hình đề thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đưa lên mạng để các em học sinh nắm rõ, dễ hình dung.

Trả lời câu hỏi có được mang Atlat vào phòng thi hay không, ông Luận khẳng định sẽ sửa theo tinh thần cho học sinh mang Atlat vào phòng thi.

Bộ trưởng Luận cũng cho biết về các đợt xét tuyển, đợt 1 sẽ cho tất cả các trường xét tuyển. Trường nào cũng có quyền xét tuyển ngay từ đầu, còn sau đó chưa đủ chi tiêu sẽ xét tuyển tiếp.
Về quyết định hội đồng phúc khảo, xét kỷ luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét bổ sung điều này vào quy chế.

Thời gian chính thức công bố quy chế này dự tính vào 10 ngày đầu của tháng 2.2015 sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo nghe ý kiến góp ý từ nhiều phía.

Kết thúc buổi tọa đàm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cảm ơn các thầy các cô đã có ý kiến góp ý. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ghi chép, lắng nghe đầy đủ để xử lý các thông tin có được để cân nhắc hoàn thiện phương án.
Mời các bạn xem clip:
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.