‘Sóng gió’ bất thường ở một công ty dệt tơ tằm

01/09/2015 19:15 GMT+7

Ngày 30.8, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết đang điều tra làm rõ những vụ việc bất ổn tại Công ty TNHH Dệt tơ tằm Việt Silk (Công ty Việt Silk), P.2, TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Ngày 30.8, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết đang điều tra làm rõ những vụ việc bất ổn tại Công ty TNHH Dệt tơ tằm Việt Silk (Công ty Việt Silk), P.2, TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Nhà máy Công ty Việt SilkNhà máy Công ty Việt Silk - Ảnh: LV
Thuê vệ sĩ ngăn công nhân vào nhà máy làm việc
Như thường lệ, từ 6 giờ công nhân làm ca sáng đến nhà máy Công ty Việt Silk chuẩn bị thay ca. Điều bất ngờ, sáng 10.8, tại cổng nhà máy xuất hiện 6 vệ sĩ và anh Đoàn Hải Ngọc (không thuộc Công ty), con trai của ông Đoàn Trọng Tẩm, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), Phó Tổng giám đốc (TGĐ) thường trực phụ trách tài chính Công ty Việt Silk đã khống chế bảo vệ, khóa cổng, ngăn cản công nhân vào làm việc dù trời đang mưa tầm tã. Khi ông Nguyễn Tiến Dũng và ông Phạm Xuân Sanh (TGĐ và Phó TGĐ Việt Silk) đến nhà máy cũng bị chặn lại. Nhóm vệ sĩ còn dán thông báo và căng băng rôn “Công ty tạm ngừng hoạt động từ ngày 10.8” do ông Tẩm ký, với lý do “Bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Tiến Dũng, đang tiến hành thủ tục giải thể, giải quyết tranh chấp nội bộ giữa các thành viên Công ty…”. Điều này khiến hàng trăm công nhân hoang mang lo lắng vì sợ mất việc làm.
Công an TP.Bảo Lộc, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng như Phòng LĐ-TBXH, LĐLĐ TP.Bảo Lộc… phải đến can thiệp, sau khoảng 2 giờ giằng co, công nhân buộc phải phá cổng vào làm việc thì các vệ sĩ mới chịu rút lui. Xung quanh vụ việc này, ông Đoàn Trọng Tẩm cho biết: “Tôi là người góp vốn nhiều hơn, nhưng ông Dũng lại đuổi gia đình tôi ra khỏi nhà xưởng, cắt điện, cắt nước, ông Dũng cư xử không đàng hoàng nên tôi quyết đóng cửa nhà máy không cho hoạt động nữa”. Biên bản làm việc của các cơ quan chức năng TP. Bảo Lộc ghi rõ “Việc ông Tẩm ngăn cản người lao động vào làm việc ảnh hưởng quyền lợi của công nhân và gây mất an ninh trật tự địa phương”. Ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết, trong nhiều năm qua ông Tẩm cùng gia đình (từ TP.HCM lên) ở trong nhà xưởng là vi phạm Điều 8, Nội qui công ty, Ban giám đốc nhiều lần đề nghị ông Tẩm và gia đình ra ngoài thuê nhà ở, Công ty sẽ chi trả tiền nhưng ông Tẩm không nghe. Còn ông Hồ Duy Mậu, Chủ tịch UBND P.2 (Bảo Lộc) cho rằng “Việc ông Tẩm thuê vệ sĩ khóa cổng không cho công nhân vào làm việc là sai, rất may hôm đó không xảy ra ẩu đả giữa vệ sĩ và công nhân”. Khi tiếp xúc với PV, nhiều công nhân (CN) của Công ty Việt Silk vẫn chưa hết hoang mang, chị Đỗ Thị Dậu nói: “Là người lao động, chúng tôi chỉ mong việc làm của mình được ổn định, có thu nhập để chăm lo cuộc sống gia đình. Thế nhưng, thời gian gần đây, trong Công ty đã xảy ra một số vụ việc bất thường khiến chúng tôi hết sức hoang mang”.
Đến đòi tài sản cho mượn
Theo ông Tẩm, Công ty TNHH Dệt tơ tằm Việt Silk được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 2.2012, gồm 3 thành viên góp vốn: ông Đoàn Trọng Tẩm góp 8 tỷ đồng (chiếm 40%), ông Nguyễn Tiến Dũng góp 6 tỷ đồng (30%) và ông Nguyễn Xuân Sanh góp 6 tỷ đồng (30%). Sau hơn 2 năm hoạt động bắt đầu xảy ra mâu thuẫn giữa các thành viên góp vốn, ngày 7.10.2014, ông Tẩm xin tự rút vốn góp khỏi Công ty (nhưng chưa thực hiện). Tiếp đó từ ngày 9.10.2014 đến nay, ông Tẩm với tư cách Chủ tịch HĐTV Công ty Việt Silk đã 3 lần gởi văn bản đến các ngân hàng để nghị phong tỏa tài sản của Việt Silk, cản trở việc nhập khẩu nguyên liệu, xuất khẩu sản phẩm qua Nhật Bản. Vào ngày 22.7.2015, ông Nguyễn Tiến Dũng với tư cách là TGĐ công ty đuổi ông Tẩm ra khỏi nhà xưởng, cắt điện, cắt nước. Ngày 5.8.2015, ông Tẩm ra thông báo về việc Công ty tạm ngưng hoạt động; mâu thuẫn đỉnh điểm xảy ra vào sáng 10.8.2015, ông Tẩm thuê vệ sĩ khóa cổng ngăn cản công nhân và Ban giám đốc vào nhà máy làm việc, cùng ngày ông Tẩm ra thông báo gởi Công ty Việt Silk đòi lại tài sản cho mượn. Theo ông Tẩm, khi góp vốn ông chỉ góp vốn bằng nhà xưởng, còn các hạng mục còn lại như nhà làm việc, nhà phơi tơ, nhà để xe, hàng rào… ông chỉ cho mượn.
Làm việc với PV, ông Nguyễn Tiến Dũng và Phạm Xuân Sanh khẳng định ông Tẩm là người góp vốn 40%, đồng thời cung cấp Giấy chuyển nhượng giá trị tài sản để góp vốn thành lập công ty giữa ông Đoàn Trọng Tẩm và ông Phạm Xuân Sanh, cụ thể ông Tẩm chuyển nhượng cho ông Sanh một phần giá trị nhà xưởng tại số 11 Quang Trung, P.2 (Bảo Lộc) hơn 2 tỉ đồng vào ngày 5.2.2012 (mà trước đó ông Tẩm đấu giá trúng với giá 4,3 tỉ đồng). Do đó, ngày 10.2.2012 ông Dũng với tư cách TGĐ Công ty Việt Silk cấp giấy chứng nhận góp vốn cho ông Phạm Xuân Sanh.
Ông Nguyễn Đỗ Liêm, Chủ tịch Công đoàn Công ty Việt Silk thay mặt công nhân có văn bản, đề nghị ông Đoàn Trọng Tẩm cần đưa ra những quyết định phù hợp, hợp pháp, chú trọng quan tâm đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, liên quan đến việc làm và đời sống của người lao động...”. Sau “sự kiện 10.8”, tập thể lao động của Công ty Việt Silk đã đồng loạt ký vào một văn bản nêu rõ: “Những việc làm của ông Chủ tịch HĐTV là cố tình làm cho người lao động mất việc làm và sẽ gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, an ninh khu vực. Vì vậy, tập thể người lao động kính đề nghị HĐTV, Ban TGĐ Công ty Việt Silk tạo điều kiện cho ông Đoàn Trọng Tẩm rút vốn khỏi Công ty càng sớm càng tốt để Công ty tiếp tục duy trì sản xuất, đảm bảm cuộc sống tinh thần, vật chất cho người lao động, an ninh khu vực, đoàn kêt nội bộ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.