Nhìn trẻ con mà người lớn xấu hổ

20/08/2012 09:21 GMT+7

“Nhìn trẻ con chúng nó lo lắng cho tương lai, nghĩ cách bảo vệ môi trường mà người lớn chúng mình xấu hổ”- một phụ huynh thốt lên như thế khi dự lễ trao giải cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ 2012.

Lễ trao giải diễn ra tại Hà Nội hôm 18-8.

 Nhìn trẻ con mà người lớn xấu hổ
Cậu bé Quang Anh giới thiệu ý tưởng và mô hình “Máy điều hòa lòng đất” - Ảnh: TH.H.

 

250.000 ý tưởng

Cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ được khởi xướng vào năm 2002 tại Nhật Bản, và năm năm nay, Việt Nam với Thái Lan là những nước tiếp theo tổ chức cuộc thi này. Năm đầu tiên 2008 mới có 8.000 ý tưởng thể hiện qua 8.000 bức tranh của các học sinh tiểu học dự thi, năm nay đã lên đến 250.000 ý tưởng.

“Em nghĩ trái đất cũng như cơ thể con người, khi con người bị sốt cao sẽ co giật cần phải hạ nhiệt độ. Trái đất cũng vậy, nếu nhiệt độ lòng đất quá cao núi lửa sẽ hoạt động, băng sẽ tan và nhiều biến đổi khí hậu sẽ xảy ra. Trái đất rất cần một chiếc máy làm mát cho lòng đất”. Từ suy nghĩ đó, ý tưởng “Máy điều hòa lòng đất” của cậu bé Trần Lộc Quang Anh, lớp 3A5 Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn đã ra đời và vượt qua hơn 250.000 ý tưởng của hơn 250.000 học sinh tiểu học khắp cả nước để vào vòng thực hiện mô hình cùng 30 bạn nhỏ khác. Rồi cuối cùng, “Máy điều hòa lòng đất” của Quang Anh đã giành giải nhất khối lớp 1-3 trong cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ 2012 mang tên gọi “Chuyến du hành đến tương lai”.

Không chỉ ý tưởng của Trần Lộc Quang Anh mà có quá nhiều ý tưởng độc đáo, ngộ nghĩnh, ngây thơ nhưng cực kỳ sâu sắc mà những cô bé, cậu bé tham gia cuộc thi đã mang đến từ mọi miền đất nước. Mơ ước, khao khát và sáng tạo không phải là đặc quyền của riêng ai; lo lắng một cách đầy trách nhiệm cho tương lai của đất nước, của nhân loại lại càng không phải đặc quyền của người lớn. Nhiều ý tưởng giản dị đến cảm động được đưa ra đã làm ban giám khảo ngỡ ngàng.

“Một lần khi xem tivi em thấy các bạn ở miền núi phải đi học trên chiếc cầu tre rất sợ, có lúc đi học bằng thuyền, mùa mưa lũ có khi còn bị lũ cuốn trôi. Nhiều hôm có mưa to, lũ lụt, các bạn không đến trường được phải nghỉ học. Em ước có một chiếc xe vừa chở các bạn đi học trên đường, vừa có thể bay đến trường được. Chiếc xe cũng chạy được ở thành phố vì em thấy thành phố hay bị tắc đường và còn lũ lụt nữa. Em rất thích con ong vì con ong chăm chỉ và có ích, nó vừa đi được lại vừa có cánh bay được nên em đã làm chiếc ôtô con ong. Chiếc xe lấy điện từ mặt trời nên sẽ rất thân thiện với môi trường” - bé Lê Vũ Hà Phương, học lớp 1 Trường tiểu học Lê Văn Tám, đã trình bày mô hình ôtô con ong ngộ nghĩnh của mình như vậy.

Dù chỉ lọt vào vòng chung kết mà không đoạt giải chính thức, nhưng những suy nghĩ của cô bé lớp 1 không khỏi làm nhiều người lớn giật mình vì khả năng quan sát và sự quan tâm đến cuộc sống rộng lớn quanh mình của con trẻ.

Có thể các em còn nhận được sự trợ giúp cả về tinh thần lẫn vật chất của cha mẹ, thầy cô, bạn bè, nhưng những ý tưởng, mô hình các em mày mò tự làm, hầu hết bằng nguyên vật liệu tái chế, và nhất là cách các em thuyết trình và trả lời chất vấn của ban giám khảo đã cho thấy một thế hệ tương lai thật sự biết lo nghĩ và biết hành động.

Các giải pháp môi trường của các em độc đáo và tràn đầy tình nhân ái như: máy điều hòa lòng đất, nhà vệ sinh con nhện, guồng lọc nước thiên nga, xe buýt bảo vệ môi trường, quạt mát sông Hàn, côn trùng phân hủy rác, ôtô tự lái cho người khiếm thị, máy sạc pin hoa hướng dương... Các nhà sáng chế tí hon hồn nhiên thuyết minh về những ý tưởng có vẻ như không tưởng của mình bằng những kiến thức sinh vật, vật lý, hóa học, địa lý... nhiều hơn gấp bao nhiêu lần chúng ta vẫn hình dung về một học sinh tiểu học.

Nói như một phụ huynh ở Hà Nội, không có con dự thi, chỉ đi xem “con người ta thi thố thế nào”: “Nhìn trẻ con chúng nó lo lắng cho tương lai, nghĩ cách bảo vệ môi trường mà người lớn chúng mình xấu hổ”.

Theo Thu Hà / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.