Điểm xung đột: Ukraine phá đường sắt chiến lược Nga; Israel sẽ diệt thành viên Hamas bất cứ đâu?

Điểm xung đột: Ukraine phá đường sắt chiến lược Nga; Israel sẽ diệt thành viên Hamas bất cứ đâu?

02/12/2023 23:46 GMT+7

Ukraine hé lộ việc nước này đã tiến hành một vụ tấn công tuyến đường sắt nối Nga với Trung Quốc, tức là nằm cách chiến tuyến đến hàng nghìn km. Trong khi đó, Israel tuyên bố sẽ tấn công thành viên Hamas ở bất cứ đâu trên thế giới.

"Địa ngục trần gian đã quay trở lại Gaza". Đó là phát biểu của người phát ngôn Jens Laerke thuộc văn phòng nhân đạo Liên Hợp Quốc, sau khi Hamas và Israel nối lại xung đột sau thời gian dừng bắn 7 ngày ngắn ngủi.

Trong hôm 2.12, Israel tiếp tục ném bom Dải Gaza. Hãng tin Al Jazeera dẫn lời các quan chức Palestine cho biết 184 người đã thiệt mạng và ít nhất 589 người đã bị thương trong cuộc không kích của Israel.

Trước đó thì quân đội Israel đã thả truyền đơn xuống TP.Gaza và các khu vực phía nam của vùng đất này hôm 1.12, kêu gọi dân thường sơ tán để tránh giao tranh. Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền đã nhiều lần cảnh báo rằng vào lúc này, không còn nơi nào an toàn ở Gaza.

Không còn nhiều bệnh viện còn hoạt động tại dải đất này. Tại những cơ sở y tế còn hoạt động, vốn đã rất quá tải, hiện đang phải tiếp tục đón làn sóng người bị thương khi xung đột tái bùng phát.

Bà Catherine Russell, giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) kêu gọi "tất cả các bên cần đảm bảo rằng trẻ em được bảo vệ và hỗ trợ" đồng thời kêu gọi "lệnh ngừng bắn nhân đạo lâu dài".

Theo bà Russell, Dải Gaza "một lần nữa là nơi nguy hiểm nhất trên thế giới đối với trẻ em" và "nhiều đứa trẻ chắc chắn sẽ chết" nếu giao tranh tiếp diễn.

Iran hôm 1.12 đã quy trách nhiệm cho Israel và Mỹ về việc không thể tiếp tục thỏa thuận ngừng bắn. Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian viết trên mạng xã hội X: "Việc tiếp tục cuộc chiến tranh của Washington và Tel Aviv đồng nghĩa với một cuộc diệt chủng mới ở Gaza và Bờ Tây. Dường như họ không nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng của việc quay trở lại chiến tranh".

Trên thực tế thì cả hai bên đều đã sẵn sàng nối lại giao chiến trong giai đoạn thực thi lệnh ngừng bắn. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã khẳng định sẽ hoàn thành mục tiêu của chiến dịch, bao gồm xóa sổ Hamas, giải cứu con tin và đảm bảo Dải Gaza sẽ không còn là nguy cơ đe dọa Israel nữa.

Trong một đề xuất về kế hoạch hậu chiến được gửi đến các nước Ả Rập, Israel đã nêu ý kiến sẽ tạo một vùng đệm bên trong Dải Gaza giáp với Israel, để ngăn chặn những cuộc tấn công trong tương lai.

Ông Netanyahu cũng đã nói rõ rằng việc tấn công vào các thành viên Hamas sẽ không dừng lại ở bên trong Dải Gaza, mà sẽ được tiến hành ở bất cứ đâu trên thế giới.

Sau khi kết thúc thời gian ngừng bắn để trao đổi con tin và tù nhân, phát ngôn viên quân đội Israel Daniel Hagari ngày 1.12 cho biết Hamas hiện còn giữ 136 con tin, trong đó có 17 phụ nữ và trẻ em.

Ông nói đã xác định thêm 5 con tin bị giữ ở Gaza đã chết, trong đó thi thể một người đã được đưa về.

Israel chưa xác minh được thông tin do lực lượng Hamas đưa ra đầu tuần này, theo đó gia đình con tin nhỏ tuổi nhất đã thiệt mạng, gồm người mẹ Shiri, hai con trai nhỏ Ariel, 4 tuổi và Kfir 10 tháng tuổi.

Theo Hamas, ba mẹ con Shiri thiệt mạng trong vụ ném bom của Israel trước khi lệnh ngừng bắn bắt đầu ngày 24.11. Tuy nhiên, Israel đã phủ nhận thông tin này.

Sau khi Israel nối lại chiến dịch tấn công vào Gaza, một quan chức Mỹ giấu tên nói với hãng tin Reuters rằng Washington đang gây sức ép để Israel hạn chế gây thương vong dân thường ở miền nam Gaza.

Quan chức Mỹ cho hay quân đội Israel có thể sẽ không mở chiến dịch tấn công tổng lực nhắm vào hai đô thị Khan Younis và Rafah ở phía nam Dải Gaza.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn kêu gọi Israel giới hạn vùng tác chiến, quy định rõ khu vực an toàn cho dân thường Palestine ở phía nam Gaza.

Về tình hình cuộc xung đột tại Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Nga hôm 1.12 tuyên bố lực lượng Nga đang "giành được các vị trí thuận lợi hơn và mở rộng vùng kiểm soát trên mọi hướng".

Ông cho biết quân đội Nga "sẽ tiếp tục phòng ngự chủ động". Chiến lược phòng ngự chủ động của Nga coi tiến công là một cách phòng thủ, với mục tiêu khiến lực lượng Ukraine phải căng mình trên chiến tuyến hơn 1.000 km và không thể chi viện cho nhau. Chiến lược này còn giúp Nga phát hiện và tận dụng điểm yếu trong tuyến phòng thủ của Ukraine.

Theo Bộ trưởng Shoigu, cuộc phản công bắt đầu từ tháng 6 của Ukraine đã khiến lực lượng Kyiv tổn thất "hơn 125.000 binh sĩ và 16.000 đơn vị vũ khí các loại", làm suy giảm năng lực tác chiến của Ukraine.

Kyiv chưa có bình luận về phát biểu của ông Shoigu. Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (có trụ sở tại Mỹ) cho rằng khi ông Shoigu dùng cụm từ "phòng thủ tích cực", ông đang muốn giảm bớt kỳ vọng về khả năng của quân đội Nga trong việc đạt được các mục tiêu tác chiến quan trọng.

Trong khi đó, hôm qua Ukraine cũng hé lộ một thông tin quan trọng về việc nước này đã tiến hành hai vụ tấn công phá hoại liên tiếp vào các tuyến đường sắt của Nga trong đó có một tuyến đường sắt nối Nga với Trung Quốc qua Mông Cổ, tức là nằm cách chiến tuyến đến hàng nghìn km.

Vào hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh tăng 15% quân số Nga nhằm đáp lại điều mà Bộ Quốc phòng Nga cho là "mối đe dọa" liên quan đến chiến dịch ở Ukraine và sự mở rộng của NATO.

Theo sắc lệnh, quy mô mới của lực lượng vũ trang Nga là 2.209.130 quân nhân, trong đó 1.320.000 người là lực lượng chiến đấu.

Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 1.12 nói Moscow không thấy dấu hiệu nào cho thấy Kyiv sẵn sàng hướng tới một giải pháp chính trị và không có lý do gì để Nga thay đổi mục tiêu của "hoạt động quân sự đặc biệt" của mình.

Trong khi đó, hãng tin AP hôm 1.12 công bố một bài phỏng vấn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Trong đó, ông Zelensky nhận định cuộc xung đột Nga - Ukraine đã bước vào một giai đoạn mới, mùa đông dự kiến sẽ làm phức tạp thêm giao tranh trong bối cảnh thế giới đã chuyển hướng quan tâm sang cuộc xung đột Hamas-Israel.

Ông thừa nhận rằng cuộc phản công mới nhất của Ukraine đã không đạt được những gì mong đợi do thiếu vũ khí và binh sĩ. Nhưng ông nhấn mạnh "điều này không có nghĩa là nên bỏ cuộc hay đầu hàng".

Ông Zelensky nói bất chấp mọi trở ngại, Ukraine đã cố gắng giành lại nhiều lãnh thổ do Nga kiểm soát và làm suy giảm sức mạnh của Nga ở biển Đen.

Để chuẩn bị cho chiến sự vào năm tới, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Ivan Havryliuk cho hay nước này có kế hoạch tăng cường sản xuất nhiều lần tên lửa, vũ khí và các thiết bị quân sự khác, và đặc biệt tập trung vào khả năng phòng không.

Ông Havryliuk cho biết thêm việc sản xuất hệ thống phòng không sẽ bao gồm từ hệ thống phòng không di động đến vũ khí có tầm bắn hơn 100 km.

Về tình hình bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc vào hôm qua đã phóng thành công vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của nước này hôm 1.12. Vệ tinh bay lên quỹ đạo trái đất từ một cơ sở không gian ở bang California của Mỹ, bằng tên lửa đẩy Falcon 9 được sản xuất bởi công ty SpaceX.

Vụ phóng diễn ra một tuần sau khi Triều Tiên phóng thành công vệ tinh do thám đầu tiên của nước này vào ngày 21.11. Những ngày sau đó, Bình Nhưỡng tiết lộ vệ tinh này đã truyền về hình ảnh chụp các cơ sở quân sự trên lãnh thổ chính của Mỹ, Nhật Bản và lãnh thổ Guam của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Khi được hỏi liệu Washington có khả năng làm gián đoạn các hoạt động do thám của vệ tinh Triều Tiên hay không, một phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ cho biết Mỹ có thể ngăn cản khả năng không gian của đối phương bằng nhiều phương tiện khác nhau.

Ngày 2.12, Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đã đăng tuyên bố của một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Triều Tiên, cho biết Bình Nhưỡng sẽ đáp trả bất kỳ hành vi can thiệp nào của Mỹ trong không gian bằng cách vô hiệu hóa các vệ tinh do thám của Mỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.