Điểm xung đột: Ukraine đã dùng tên lửa ATACMS mạnh nhất; UAV Mỹ 'mất sóng' trước Nga?

Điểm xung đột: Ukraine đã dùng tên lửa ATACMS mạnh nhất; UAV Mỹ 'mất sóng' trước Nga?

25/04/2024 23:05 GMT+7

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24.4 (giờ Mỹ) đã ký thông qua các khoản viện trợ nước ngoài, bao gồm gói hỗ trợ 61 tỉ USD cho Ukraine, sau khi dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua.

Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Biden nói dự luật viện trợ “mang lại sự hỗ trợ quan trọng cho các đối tác của Mỹ, để họ có thể tự bảo vệ trước các mối đe dọa đến chủ quyền”. Theo Đài ABC News, tổng thống Mỹ cho biết các lô vũ khí sẽ bắt đầu được chuyển đến Ukraine “trong vài giờ tới”.

Gói viện trợ gần 61 tỉ USD cho Ukraine cũng đánh dấu lần đầu tiên sau hơn một năm, Quốc hội Mỹ nhất trí về dự luật hỗ trợ vũ khí cho Kyiv. Trước khi dự luật được thông qua, các quan chức Mỹ nói rằng chính quyền Tổng thống Biden đã chuẩn bị gói hỗ trợ quân sự trị giá 1 tỉ USD và sẵn sàng chuyển đến Ukraine.

Đài CNN cho hay gói viện trợ mới có thể bao gồm đạn pháo, tên lửa phòng không và xe bọc thép chiến đấu, bên cạnh các thiết bị hậu cần.

Ngoài ra, như Báo Thanh Niên đã đề cập, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay Mỹ đã chốt kế hoạch gửi thêm tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine. ATACMS lần đầu tiên được chuyển giao cho Ukraine vào năm ngoái, và cả hai bên đều cho rằng tên lửa này sẽ giúp tăng cường khả năng của Kyiv trên chiến trường.

ATACMS có tầm bắn tối đa khoảng 300km, tùy thuộc vào loại đạn được cung cấp. Những phiên bản ATACMS trước đây được gửi cho Kyiv có tầm bắn giới hạn ở mức 165km. Tuy nhiên, theo một quan chức Mỹ, nước này đã âm thầm gửi tên lửa tầm xa ATACMS với tầm bắn 300km cho Ukraine vào tháng 3 và vũ khí này đã được trong các cuộc tấn công gần đây.

Tướng Apty Alaudinov, chỉ huy lực lượng Akhmat của Chechnya đồng thời là quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nga, hôm 25.4 cho rằng Ukraine sẽ sử dụng các tên lửa ATACMS để tấn công các vùng lãnh thổ của Nga, cũng như cầu Crimea, theo hãng tin TASS.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cáo buộc việc chuyển giao tên lửa ATACMS tầm xa của Mỹ cho Ukraine đã làm tăng mối đe dọa an ninh đối với bán đảo Crimea và các khu vực khác của Nga.

Đại sứ Antonov tỏ ra hoài nghi về lời hứa của Kyiv rằng sẽ không sử dụng tên lửa do Mỹ cung cấp để chống lại các mục tiêu ở Nga. Ông nhắc lại rằng lực lượng Nga đã bắn hạ một số tên lửa ATACMS và sẽ tiếp tục làm việc này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba mới đây viết trên mạng xã hội X rằng: “Ukraine đang có xung đột... Việc đang sinh sống ở nước ngoài không làm giảm bớt nghĩa vụ của một công dân đối với quê hương”.

Giọng điệu gay gắt của ông Kuleba dường như phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng ở Kyiv đối với những người Ukraine sống ở nước ngoài và không đóng góp cho nỗ lực chiến đấu tại quê nhà. Quân đội Ukraine đang chật vật bám giữ tiền tuyến một phần vì thiếu binh lực.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW, Mỹ) phân tích quân đội Nga đang tìm cách khai thác khoảng trống thiếu nhân lực của Ukraine, trước khi viện trợ của Mỹ xuất hiện.

Ukraine đang tìm những giải pháp để tăng cường thanh niên nhập ngũ. Reuters ngày 24.4 cho biết Ukraine đã quyết định ngừng cung cấp dịch vụ lãnh sự đối với công dân nam trong độ tuổi nhập ngũ từ ngày 23.4 đến ngày 18.5, nhằm ép những người này về nước để tham gia quy trình tuyển quân.

Hồi đầu tháng 4, Ukraine cũng đã hạ tuổi tối thiểu nhập ngũ từ 27 xuống 25. Ngoài ra, Quốc hội Ukraine cũng đã thông qua dự luật quân dịch, trong đó có nội dung loại bỏ quy định xuất ngũ.

Cơ sở dữ liệu Eurostat ước tính khoảng 4,3 triệu người Ukraine đang sống ở các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) tính đến tháng 1.2024, trong đó có khoảng 860.000 người là nam giới trưởng thành.

Kính mời quý vị dón xem bản tin cập nhật tình hình tại các điểm nóng xung đột thế giới ngày 25.4.2024 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.