Đến lớp nào các trò ơi!

07/09/2015 05:15 GMT+7

Có một người thầy đã tìm mọi cách để ngăn dòng học sinh bỏ học . Điều hạnh phúc giản đơn ở ông là giúp học sinh học lực yếu kém vươn lên đạt trung bình và từ trung bình lên khá, rồi từ khá lên giỏi, thế là mãn nguyện.

Có một người thầy đã tìm mọi cách để ngăn dòng học sinh bỏ học. Điều hạnh phúc giản đơn ở ông là giúp học sinh học lực yếu kém vươn lên đạt trung bình và từ trung bình lên khá, rồi từ khá lên giỏi, thế là mãn nguyện.
 
Thầy Tấn (giữa) và các học sinh nhận thưởng cuối năm - Ảnh: nhân vật cung cấp
Thầy Tấn (giữa) và các học sinh nhận thưởng cuối năm - Ảnh: nhân vật cung cấp
Trả lời câu hỏi: “Thầy hiệu trưởng thì phải làm gì nếu học sinh (HS) của mình bỗng dưng… bỏ học?”, ông Ngô Đình Tấn, Hiệu trưởng Trường THCS Hoài Hương (xã Hoài Hương, H.Hoài Nhơn, Bình Định) nói: “Cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Trước hết phải tìm hiểu hết ngọn ngành vì sao học trò lại không đến lớp rồi từ đó gỡ từng cái khó một. Khó nhất là ở chỗ là mọi người có đồng lòng gỡ khó với mình hay không. Giải được bài toán lớn đó thì việc kéo HS đến lớp không còn là việc không thể”.
Giúp học sinh yếu kém vươn lên trung bình
Nếu như những năm học trước 2009, tỷ lệ HS bỏ học ở xã bãi ngang Hoài Hương tại Trường THCS Hoài Hương là 1,8% thì đến nay giảm xuống còn gần 0,8%. Ngoài lý do đây là xã nghèo, phần đông các gia đình đều làm biển hoặc làm nông không có điều kiện cho con đến lớp, các trường học ở đây còn phải vất vả lôi kéo HS trở lại trường từ những quán nét, sân trượt patin, quán bi da… Và với ông Tấn, đây là một cuộc chiến lâu dài, cần có thật nhiều các phương pháp sáng tạo để khiến các em thực sự yêu thích việc đi học chứ không phải đi cho có.
Để các em hứng thú với việc học lâu dài, điều cần nhất là những bài giảng chất lượng, đổi mới và thu hút sự quan tâm của các em. Các em bây giờ là tâm điểm để giáo viên hướng tới
Thầy Ngô Đình Tấn - Hiệu trưởng Trường THCS Hoài Hương
Theo ông Tấn, lý do lớn nhất khiến HS bỏ học là học yếu, sợ thầy cô quở trách nên dễ nản chí và lơ là việc đến trường rồi dần dần nghỉ luôn. Chính vì vậy, ông cho xây dựng mô hình “Mỗi giáo viên đăng ký giúp đỡ HS học yếu”, hướng dẫn các em phương pháp học tập, tổ chức phụ đạo miễn phí giúp HS yếu kém vươn lên trung bình, vươn lên khá và từng tháng, học kỳ đều báo cáo kết quả.
Tổ chức học nhóm, phân chia HS giỏi kèm HS yếu. Nhà trường còn phát động nhiều phong trào, tạo sân chơi lành mạnh để các em thấy được mỗi ngày đến trường là mỗi ngày vui. Nhờ giải pháp này mà số lượng HS yếu hằng năm của trường giảm đáng kể, khi HS vươn lên được học lực trung bình, học khá thì tỷ lệ bỏ học cũng sẽ giảm đi.
“Để các em hứng thú với việc học lâu dài, điều cần nhất là những bài giảng chất lượng, đổi mới và thu hút sự quan tâm của các em. Các em bây giờ là tâm điểm để giáo viên hướng tới”, ông Ngô Đình Tấn nhận định.
Đến sự chung tay của nhiều người
Ông Tấn kể: “Tôi đến Hoài Hương giảng dạy từ năm 1982 cho đến nay có rất nhiều thế hệ học trò thành đạt và cũng có nhiều HS trước đây vì ham chơi bỏ học đi làm biển và bây giờ là những phụ huynh. Khi gặp lại tôi, nhiều em tâm sự lúc trước vì điều kiện kinh tế gia đình, vì chưa hiểu hết nên bỏ học sớm, giờ đây nhìn bạn bè cùng trang lứa đã thành đạt nên muốn cho con mình học đến nơi đến chốn, nhưng vì phải ra khơi bám biển để mưu sinh nên ít có thời gian ở gần con, nhiều lúc ở ngoài khơi xa nhưng lại lo con mình học tập như thế nào, có tư tưởng bỏ học không, nếu có thì nó sẽ khổ mãi như mình. Với những tâm sự đó nên khi được bổ nhiệm làm hiệu trưởng vào năm 2004, bản thân tôi luôn tự nhủ rằng mình phải làm gì để hạn chế tình trạng bỏ học để giúp các em khỏi phải ân hận khi trưởng thành”.
Điều trăn trở ấy của ông hiệu trưởng được sự chung tay của đông đảo mọi người. Đó là hình ảnh các anh trưởng thôn chở từng em HS bỏ học trở lại trường, là giáo viên chủ nhiệm chở từng HS trốn tiết đi chơi game về trường, là những giáo viên tập trung HS yếu kém dưới sân trường để kiểm tra việc học của các em trước khi có tiết kiểm tra 1 tiết hay kiểm tra học kỳ để giúp các em nắm chắc kiến thức tự tin và không còn bỏ học nữa…
Đối với ông thầy hiệu trưởng ở ngôi trường còn nhiều khó khăn, hạnh phúc giản đơn là khi nhìn vào kết quả từ những HS học lực yếu kém vươn lên đạt trung bình và từ trung bình lên khá, rồi từ khá lên giỏi, kết quả thi vào lớp 10 hệ A, kết quả các hội thể thao, văn nghệ, kể chuyện… của mỗi HS là mãn nguyện. Cũng từ đó, số học trò bỏ học ít dần, mỗi buổi đến trường với bao hân hoan.
 
Học sinh trường đập heo đất phong trào “Giúp bạn vượt khó” - Ảnh: nhân vật cung cấp
Học sinh trường đập heo đất phong trào “Giúp bạn vượt khó” - Ảnh: nhân vật cung cấp 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.