'Đầu độc' dân bằng khói lò cao su

21/08/2015 11:25 GMT+7

Khoảng 3 năm nay, hàng trăm hộ dân xã Thượng Kiệm (H.Kim Sơn, Ninh Bình) phải chịu cảnh ô nhiễm khói bụi và nguồn nước từ việc chưng cất dầu FO của Công ty CP gạch Kim Chính (Công ty Kim Chính).

Khoảng 3 năm nay, hàng trăm hộ dân xã Thượng Kiệm (H.Kim Sơn, Ninh Bình) phải chịu cảnh ô nhiễm khói bụi và nguồn nước từ việc chưng cất dầu FO của Công ty CP gạch Kim Chính (Công ty Kim Chính).

'Đầu độc' dân bằng khói lò cao su
Lốp cao su nguyên liệu tại Công ty cổ phần gạch Kim Chính - Ảnh: Đinh Dụng
Công ty Kim Chính đóng trên địa bàn xã Kim Chính nhưng lại nằm cách xã Thượng Kiệm chỉ một con sông rộng chừng 30 m. Từ năm 2012, công ty này bắt đầu thực hiện việc chưng cất dầu FO, một loại nguyên liệu đốt sử dụng cho các lò đốt công nghiệp trong các nhà máy xi măng, kính, cán thép từ lốp cao su cũ.
Theo phản ánh của người dân xã Thượng Kiệm, Công ty Kim Chính chưng cất dầu FO đã gây ô nhiễm nguồn nước và không khí, ảnh hưởng đến môi trường sống tại đây. Ông Nguyễn Xuân Tùng (ngụ xóm 9, xã Thượng Kiệm) cho biết: “Việc “nấu” dầu FO thải ra mùi khét lẹt, gây khó thở. Có khi họ đốt vào ban đêm, bà con đang ngủ phải bật dậy vì khó thở”. Có mặt tại xã Thượng Kiệm đúng lúc công ty này đang chưng cất dầu FO, PV Thanh Niên cũng hít phải mùi khét lẹt của cao su bị cháy.
Theo ông Nguyễn Văn Tiêu (ngụ xóm 9, xã Thượng Kiệm), nguồn nước mưa người dân sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày cũng bị ô nhiễm do việc chưng cất dầu FO. “Bụi bẩn bám trên mái nhà, ngọn cây nên chúng tôi phải đợi mưa to nhiều giờ, có khi cả ngày, rồi mới dám hứng để dùng, nhưng vẫn không yên tâm vì nước có cặn đen và bốc mùi khó chịu”, ông Tiêu nói. Theo chỉ dẫn, PV Thanh Niên đã múc một xô nước mưa trong bể của gia đình ông Tiêu để quan sát. Khoảng 15 phút sau đã thấy xuất hiện cặn đen li ti ở đáy xô nước.
Ông Nguyễn Tú Khới, Trưởng xóm 9, xã Thượng Kiệm cho biết, cả xóm có 147 hộ dân, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu là nước mưa và nước giếng khoan. Việc doanh nghiệp đốt lốp xe không chỉ gây mùi khét mà còn ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, nhất là cặn thải sau khi đốt lốp cao su tập kết sát bờ sông, nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sông rất cao.
Đốt “chui”
Làm việc với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Tú, Phó giám đốc Công ty cổ phần gạch Kim Chính cho biết, công ty mua lốp cao su từ các đầu nậu thu gom ở Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Hà Nội, Nam Định.... để chưng cất dầu FO từ cuối năm 2012. Lượng lốp nguyên liệu tùy thuộc vào từng thời điểm, nhưng khi cao điểm, công ty sử dụng 20 tấn lốp/ngày.
Vẫn theo ông Tú, công ty sản xuất dầu FO từ lốp cao su cũ bằng hệ thống chưng cất khép kín. Lốp cao su được bỏ vào trong một lò kín bưng và công nhân dùng củi để đốt lò. “Sản phẩm thu được là dầu FO, chúng tôi bán cho các nhà máy công nghiệp, tanh sắt tận dụng từ lốp cũ bán cho các lò đúc sắt thép, còn bột tro đốt cao su chảy ra bể được trộn với đất để làm gạch. Chúng tôi không thải ra môi trường cái gì cả. Tất cả đều là tiền cả”, ông Tú nói.
Tuy nhiên, ông Tú thừa nhận, mùi khét gây khó thở như người dân phản ánh là có. “Không phải như bà con nói lúc nào cũng có mùi khét đâu. Có thể vài ba tháng hoặc 1 tháng có 1 lần do đốt ở nhiệt độ cao, một số gioăng bị hỏng anh em công nhân không thay thế kịp thời thì phát sinh ra thôi”, ông Tú phân trần.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, dù đã chưng cất dầu FO gần 3 năm, nhưng đến nay, Công ty Kim Chính vẫn chưa được cấp phép cho hoạt động này.
Ông Lê Khắc Khoa, Phó giám đốc Sở TN-MT Ninh Bình, cho biết: “Hiện tại công ty mới đang trong quá trình xin cấp phép chứ chưa được phép chưng cất dầu FO. Họ có thuê quan trắc môi trường nhưng về các thủ tục pháp lý là chưa có”. Cũng theo ông Khoa, năm 2014, Sở TN-MT đã lập biên bản yêu cầu công ty dừng hoạt động chưng cất dầu. “Chúng tôi sẽ chỉ đạo Phòng TN-MT và UBND H.Kim Sơn giám sát chặt chẽ và yêu cầu công ty thực hiện nghiêm túc việc dừng hoạt động trưng cất dầu FO”, ông Khoa nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.