Đạo diễn Trương Dũng và những điều chưa kể về 'Mẹ con Đậu Đũa'

06/09/2017 09:49 GMT+7

Hơn 20 năm làm nghề, đạo diễn Trương Dũng đã tạo nên nhiều tác phẩm nghệ thuật nức lòng khán giả như Tóc ngắn, Hạnh phúc muộn màng, Đường về, Chuyện của lính, Gấu cổ trắng và đáng chú ý nhất là Mẹ con Đậu Đũa .

Với cách làm nghề nghiêm túc, chắt chiu và vun vén tròn trịa từng chi tiết, từng tình huống dù nhỏ nhất, Trương Dũng đã tạo nên Mẹ con Đậu Đũa sống mãi với thời gian bằng sự chân chất, giản dị, gần gũi của các nhân vật. Với anh, khi nhắc về Mẹ con Đậu Đũa, nó như một kỷ niệm ngọt ngào, vẫn vẹn nguyên cảm xúc. Anh cho biết Mẹ con Đậu Đũa không chỉ tạo nên tên tuổi Trương Dũng, mà tác phẩm này còn ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống gia đình của anh sau này.
Làm Mẹ con Đậu Đũa bằng nỗi nhớ quê
Tác phẩm Mẹ con Đậu Đũa ra mắt khán giả lần đầu tiên vào năm 1998. Bộ phim dài 100 phút, dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyên Hương (kịch bản: Ngụy Ngữ). Câu chuyện nói về mẹ của bé Ðậu Ðũa qua đời khi vừa sinh con ngay trong rừng. Cha Đậu Đũa lâm vào cảnh “gà trống nuôi con”. Câu chuyện đã gây xúc động mạnh trong lòng khán giả về tình cha con.
Hình ảnh Công Ninh trong phim Ảnh tư liệu
Đạo diễn Trương Dũng tâm sự khi đọc truyện của Nguyên Hương, anh cảm thấy mình nên làm và cần phải làm tác phẩm này. Vì tuổi thơ của tác giả truyện ngắn cũng từng gắn bó với vùng Tây nguyên nắng gió, còn Trương Dũng cũng là người con vùng cao nguyên Đà Lạt (Lâm Đồng), nên anh cảm được cái hồn của cuộc sống, tình người vùng cao mà tác giả truyện ngắn đã gửi gắm.
Từ đó, anh bắt tay vào việc, quyết làm nên một tác phẩm “tròn trịa”. Đầu tiên, Trương Dũng chọn ngay Công Ninh là diễn viên chính (cha bé Đậu Đũa), vì theo anh, Công Ninh có đôi mắt sâu, gương mặt góc cạnh, thể hiện được tính cách nhân vật chính trong phim.
Nhưng đến khi tìm diễn viên cho nhân vật Đậu Đũa, Trương Dũng gặp rất nhiều khó khăn. Vì theo anh có nhiều em nhỏ xinh, phù hợp với nhân vật, nhưng vẫn không thoát khỏi cái vẻ thành thị nên không thể hóa thân vào “Đậu Đũa” của vùng rừng núi được. Ròng rã mấy tháng trời, rồi cuối cùng anh cũng may mắn tìm được diễn viên ưng ý nhất cho vai Đậu Đũa.
Đoàn phim di chuyển lên Bảo Lộc để khởi quay. Những tưởng mọi chuyện suôn sẻ, nào ngờ ngay cảnh đầu tiên, ba Công Ninh ẵm Đậu Đũa lên hôn thì… Đậu Đũa khóc như mưa. “Có thể Đậu Đũa bị râu cằm của Công Ninh đâm, đau quá nên khóc thét, không thể đóng tiếp được. Làm nhiều cách từ trấn an tâm lý, đến mua kẹo ngọt “dụ dỗ”, tạo điều kiện cho Công Ninh và Đậu Đũa gần gũi nhau hơn, nhưng tất cả đều không khả thi, Đậu Đũa cứ thấy Công Ninh là sợ, đòi phải có mẹ bên cạnh”, Trương Dũng cho biết.
Cuối cùng, đoàn phim phải cử người đi tìm diễn viên thay và may mắn tìm được Thiên Tú. “Có chi tiết thú vị là Thiên Tú sẽ không quay quá 12 giờ trưa và phải được ngủ một giấc trưa. Mỗi khi ai làm Thiên Tú giận là phải để Thiên Tú cắn mới hết buồn. Và trong quá trình quay, tôi cũng từng phải để cho Thiên Tú cắn nhiều lần. Đây cũng là một kỷ niệm thú vị với “Đậu Đũa” Thiên Tú”, Trương Dũng kể lại.
Dù rất thành công, Mẹ con Đậu Đũa vẫn chưa có phần hai
Đạo diễn và thiết kế thay nhau mua đạo cụ “nhạy cảm”
Chưa hết, trong kịch bản phim, có một cảnh mẹ Đậu Đũa sinh trong rừng và Trương Dũng muốn quay cận cảnh, đặc tả bụng bầu của mẹ Đậu Đũa nên không thể độn bụng bầu như các phim khác được. Thế là đạo diễn Trương Dũng và Mã Phi Hải (thiết kế mỹ thuật) phải lên Bảo Lộc trước một tuần để nghiền ngẫm cách làm… bụng bầu.
“Vì hồi đó không có điều kiện như bây giờ, công việc thiết kế đạo cụ cũng thiếu đủ thứ nên phải nghĩ cách mà làm. Và rồi, tôi và Mã Phi Hải vào khách sạn suy nghĩ, chọn cách mua bao cao su về đổ nước vào, để dùng làm đạo cụ cho bụng bầu mẹ Đậu Đũa”, Trương Dũng kể lại.
Ban đầu, đạo diễn và thiết kế dùng một bao cao su, đổ nước vào, nhưng bị bể. Tiếp đến là lồng hai cái vào nhau, nhưng vẫn tiếp tục bị bể. “Thí nghiệm này tốn nhiều công sức và lượng bao cao su đến mức Mã Phi Hải ngại quá, không dám đi mua nữa. Vậy là tôi phải đi mua. Khổ nỗi, cô bán thuốc cứ nhìn tôi như quái vật, vì cô ấy không hiểu: hai người đàn ông ở chung khách sạn, liên tục mua bao cao su không biết để làm gì?”, Trương Dũng hài hước kể lại.
Đạo diễn Trương Dũng Ảnh: Thanh Tâm
Giờ đây, khi nhắc về chuyện làm phim Mẹ con Đậu Đũa Trương Dũng cho biết hồi xưa, làm phim cực lắm. “Tôi cám ơn ê-kíp làm phim sống như một gia đình, đoàn kết, có tiến chứ không lùi. Thiết bị, đồ đạc muốn đưa vào buôn làng quay, phải vận chuyển bằng xe công nông, trời mưa sình lầy lút gần hết bánh xe. Nếu không có sự đồng lòng, vượt khó của anh em thì cũng không có Mẹ con Đậu Đũa", Trương Dũng tâm sự.
Theo Trương Dũng, câu thoại đắt nhất trong phim mà anh cũng lấy nó vận hành cho cuộc sống của mình, trong những tháng ngày làm nghề, là: “Hạnh phúc giống như một cỗ máy. Càng đơn giản, càng dễ sửa”.
"Ngay sau khi làm xong phim, tôi khao khát có một đứa con gái. Và may mắn, thời gian sau, vợ tôi sinh con gái. Tôi thương con gái như tình yêu của cha dành cho con trong Mẹ con Đậu Đũa”, anh nói.
Khi được hỏi vì sao anh không làm phần hai, Trương Dũng nói: “Tôi chỉ muốn duy nhất Mẹ con Đậu Đũa. Tôi tôn trọng tác giả Nguyên Hương. Nếu Nguyên Hương có sáng tác phần hai, tôi sẽ làm phần hai. Tôi tôn trọng tác giả, không muốn tự tay viết thêm phần mới”.

tin liên quan

Công Ninh - "Mẹ con Đậu Đũa"
Một người đàn ông có gương mặt khắc khổ, người gầy, mà ông bà mình hay nói “không phát tướng”. Ấy nhưng đó lại là một "của quý" trong làng điện ảnh. Bởi những vai nghèo nàn, khổ sở, thân phận, không lẽ lại chọn diễn viên tròn trịa, bụng phệ! Cho nên đạo diễn cứ tìm đến người đàn ông gầy gò này, và anh ta đã làm khán giả bao nhiêu phen nghẹn ngào...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.