Đã đến lúc người Việt cần được 'tắm mát'

17/08/2014 14:10 GMT+7

Những năm gần đây ở Việt Nam, tần suất các vụ án giết người ngày càng cao. Tội phạm giết người 'lan sang' thành phần trí thức ngày càng nhiều.

Những năm gần đây ở Việt Nam, tần suất các vụ án giết người ngày càng cao. Tội phạm giết người "lan sang" thành phần trí thức ngày càng nhiều.


Hai bị cáo trong vụ án giết người, chặt xác gây chấn động dư luận, xảy ra tại Đồng Nai ngày 25.12.2012. Cả hai nhận án tử hình - Ảnh: Hải Hà

Điển hình các vụ: Nguyễn Đức Nghĩa (nam sinh viên đại học Ngoại thương), Trần Nhật Duy (nam sinh viên đại học Hoa Sen) giết người, chặt xác phi tang. Ngay cả nữ sinh viên Đặng Gia Linh yểu điệu thục nữ cũng không có gì sợ hãi khi giúp bạn trai Trần Nhật Duy phi tang xác. Ngoài ra còn có vụ án liên quan đến chết người do bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường gây ra...

Lý do giết người ngày càng đơn giản. Điều đó có nghĩa là tội phạm giết người đôi khi chỉ vì mâu thuẫn nhỏ: vụ tài xế taxi Nguyễn Văn Dũng giết người vì va chạm giao thông xảy ra ở quận Tây Hồ (Hà Nội); vụ tài xế taxi Nguyễn Hồng Vinh giết người vì giành nhau chỗ đậu xe trước công viên Thảo Cầm Viên... Thậm chí giết người vì lý do trời ơi: vụ người phát cơm từ thiện bị đâm chết chỉ vì anh ta phát cơm chậm.

Có phải người Việt Nam có sẵn “dòng máu nóng” trong người? Khi xưa dòng máu ấy đã tạo khí phách anh hùng cho người Việt biết bao lần đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi đất nước. Ngày nay “dòng máu nóng” ấy vẫn hừng hực trong con người Việt Nam mà thay vì đem dòng máu ấy “sưởi ấm” cho nhau thì lại “sử dụng” sai mục đích.

Tôi thuộc thế hệ được sinh ra trong thập niên 70 của thế kỷ trước nên được hưởng nền giáo dục với những áng văn, những trang sử rất hào hùng. Cám ơn một nền giáo dục đã đem lại cho tôi “dòng máu nóng” giúp tôi chưa hề biết lùi bước trước khó khăn.


Nguyễn Đức Nghĩa tại phiên tòa sơ thẩm (trái) và tại phiên phúc thẩm (phải). Vụ án giết, chặt xác người yêu mà Nguyễn Đức Nghĩa là hung thủ cũng gây chấn động dư luận - Ảnh: Anh Nguyễn - Ngọc Thắng

Mặc dầu vậy, đôi khi tôi đã “tắm mát” cho mình bằng những bản nhạc du dương, những ca khúc trữ tình mang đầy ý nghĩa tình người (không phải những bản nhạc bi lụy theo xu hướng thị trường ngày nay), là những lời ca cổ mang ý nghĩa triết lý như là bài vọng cổ Ông lão chèo đò, là các câu hò điệu lý mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam, là những câu chuyện xúc động về cách đối nhân xử thế giữa con người với con người và ngay cả giữa con người với con vật...

Đành rằng giết người thì phải đền tội bằng các hình phạt theo luật nhưng điều đó chỉ ngăn được kẻ phạm tội tái phạm mà không ngăn được những người phạm tội mới. Và liệu người bị phạt tù sau khi mãn hạn tù có tái phạm hay không?

Xem ra các biện pháp trừng phạt theo luật hiện hành không còn răn đe được con người để tránh việc phạm tội hay tái phạm mà dường như cần có sự giáo dục “tắm mát” (bằng cách này hay cách khác) con người trong phạm vi toàn xã hội thì mới mong giảm bớt các vụ án giết người.

Tidoo Nguyễn (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một kỹ sư đang sống và làm việc tại TP.HCM

>> Người Việt 'sống' với smartphone
>> Người Việt đang rất xấu
>> Người Việt nhập cảnh vào Thái phải xin thị thực

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.