Cứu nạn giữa trùng khơi: Người hùng thầm lặng

01/01/2015 11:45 GMT+7

Bất chấp sóng to, gió lớn, hễ có yêu cầu, Trung tâm cấp cứu TP.Đà Nẵng đều “cắt quân” theo tàu SAR ra biển cứu nạn, giành giật sự sống cho ngư dân từ tay tử thần, trong đó có cả thuyền viên TQ.

Bất chấp sóng to, gió lớn, hễ có yêu cầu, Trung tâm cấp cứu TP.Đà Nẵng đều “cắt quân” theo tàu SAR ra biển cứu nạn, giành giật sự sống cho ngư dân từ tay tử thần, trong đó có cả thuyền viên TQ.

 
115 Đà Nẵng đưa ngư dân Si vào bờ cấp cứu115 Đà Nẵng đưa ngư dân Si vào bờ cấp cứu - Ảnh: Nguyễn Tú
Từ cõi chết trở về
Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, Phó giám đốc Trung tâm cấp cứu TP.Đà Nẵng (115 Đà Nẵng), cho hay ngoài y sĩ Nguyễn Ngọc Tứ, bác sĩ  (BS) Tôn Thất Tuấn quen với sóng gió, đội ngũ còn lại mặc dù cũng đã quen cấp cứu trên tàu xe, máy bay, một số cũng từng đi biển nhưng đa phần các tình huống cấp cứu trên vùng biển động, sóng to, gió lớn, nên tất cả phải gồng mình vượt qua cơn say sóng để hoàn thành nhiệm vụ. Mới đây nhất, lúc 18 giờ 30 phút ngày 14.12, Đà Nẵng MRCC nhận tin tàu cá BĐ 97154 đang ở cách Đà Nẵng 70 hải lý do ông Nguyễn Tấn Đồng (ngụ xã Hoài Hương, H.Hoài Nhơn, Bình Định) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng có ngư dân Nguyễn Nguyên Minh (58 tuổi) bị nôn mửa, đi ngoài mất kiểm soát. BS Hồng nhận định bệnh trạng nguy kịch nên cử y sĩ Nguyễn Minh Dũng (50 tuổi) với kinh nghiệm 24 năm tại 115 Đà Nẵng cùng điều dưỡng thực tập Huỳnh Văn Hưng theo tàu SAR 412.
“Lúc này gió cấp 6-7 giật cấp 8, sóng biển cao 3-4m khiến mình với Hưng say sóng tè le mặc dù đã uống thuốc, cả hai ngồi miết trong nhà vệ sinh vì sợ nôn ra ngoài, không dám ăn uống, chỉ uống một ít sữa để cầm sức”, y sĩ Dũng kể. Say sóng điên đảo là vậy, nhưng khi tiếp cận tàu cá và đưa nạn nhân sang SAR 412 lúc 23 giờ 10 phút ngày 14.12, cả 2 đều vùng dậy cứu người. Lúc này ông Minh hôn mê, mất phản ứng, huyết áp cực cao 250/100, nguy cơ vỡ mạch máu não tử vong. Xác định nạn nhân bị tai biến nên y sĩ Dũng cho truyền dịch, dùng thuốc hạ áp, lợi tiểu... Khi tàu về gần bờ thì huyết áp của nạn nhân giảm còn 180/90, y sĩ Dũng tiếp tục cho nạn nhân dùng thêm 1 ống lợi tiểu, giảm huyết áp từ từ và đến 1 giờ 45 phút ngày 15.12 về đến Đà Nẵng đưa vào phòng cấp cứu, huyết áp lúc này còn 160/80. Từ cõi chết, ông Minh hồi tỉnh, có phản ứng và đến nay đã bình phục hoàn toàn.
Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn nhận định: “Hôm đó nếu không nhờ 115 Đà Nẵng xử lý nhanh thì nạn nhân đã chết, mặc dù cả y sĩ và điều dưỡng say sóng nặng vì tàu rung lắc dữ dội trong biển động”.
Vượt sóng vì ngư dân
Y sĩ Nguyễn Như Kính, sau 9 năm về công tác tại 115 Đà Nẵng mới có dịp cưỡi sóng theo SAR 412 ra tận Hoàng Sa cứu nạn vào ngày 13.3.2013. Lần đầu tác nghiệp trong biển động, y sĩ Kính say sóng đứ đừ, hồi hộp khi SAR 412 hạ xuồng cao su tựa như cái lá giữa sóng gió cấp 6-7 đưa anh sang tàu cá. Do tàu cá chật chội và lắc như con lật đật nên lực lượng phải đưa nạn nhân qua tàu SAR. Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn cho SAR 412 phải cho tàu chạy chậm, giảm rung lắc để dễ lấy ven mở đường truyền dịch cho bệnh nhân. Lúc này ngư dân Lê Tuấn Si (23 tuổi) đã hôn mê, huyết áp không đo được, mạch yếu, suy hô hấp, bị nhiễm trùng huyết rất nặng do bệnh đã chuyển sang ngày thứ 4 mà tàu cá không báo tin sớm. “Trong bờ kíp cấp cứu phải 5-6 người mới cứu nổi 1 ca suy hô hấp nặng, nhưng lúc này chỉ có 1 mình nên nhờ thuyền viên bóp bóng hỗ trợ ô xy, rồi nhồi tim, dùng thuốc nâng huyết áp...”, y sĩ Kính nói.
Anh Kính nhớ lại, khi tiếp cận bệnh nhân, chúng tôi xác định đây là ca rất nặng nếu không đưa vào bờ cấp cứu sớm chỉ có chết. Vậy mà tàu chạy giữa đường thì bị tàu TQ cản trở, may mà thuyền trưởng Sơn kiên quyết tăng tốc, kịp thời về Đà Nẵng. “Đây là tàu cứu nạn đang chở người mà còn bị cản trở thì đúng là quá nhẫn tâm, lúc đó mình rất nóng ruột, hoang mang vì nếu bị cản trở mà bệnh nhân tử vong thì oan ức cho bà con ngư dân...”, y sĩ Kính chia sẻ.
Nhiều thuyền viên trên tàu TQ được cứu sống
BS Phạm Thị Ánh Hồng nhớ lại, hôm 29.11.2014, tàu Cosco Prince Rupert (Trung Quốc) có thuyền viên bị toác mặt, vết thương thái dương phức tạp, trọng thương 1 mắt trong khi không thể điều máy bay trực thăng theo yêu cầu vì ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4, gió cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 10-11. “Phòng nạn nhân ở tầng 7, thang máy nhỏ nên không đưa cán vào được, 2 thuyền viên SAR 412 cùng 4 thủy thủ Cosco vừa khiên vừa đỡ nạn nhân nặng hơn 100 kg bằng thang bộ, việc đưa người qua tàu cũng kỳ công do 2 tàu lắc lư dữ dội, phải lựa sóng lựa gió dìu sang”, ông Phan Xuân Sơn, thuyền trưởng tàu SAR 412 kể. Lúc này BS Hồng và điều dưỡng trẻ Lê Thị Kim Cúc còn thê thảm hơn, mặc dù đây là chuyến thứ 3 BS Hồng theo tàu SAR ra biển cứu người nhưng chị chỉ trụ được 3 giờ đầu. Khi tiếp cận tàu Cosco thì nôn thốc nôn tháo vì sóng quá dữ, còn với chị Cúc, chuyến biển đầu tiên này quả là đáng nhớ khi “nhiều ngày sau vẫn phải ăn cháo”. Thế nhưng khi tiếp cận bệnh nhân, dù bị nôn thốc nôn tháo, chị Cúc vẫn nhanh nhẹn phụ BS Hồng đo huyết áp, tiêm thuốc, cứu nạn nhân. Đó là chuyến cứu nạn mà thuyền trưởng SAR 412 Phan Xuân Sơn nói ngắn gọn “kinh hoàng” khi sóng phủ 4-5m, thuyền viên ra ngoài có thể bị sóng gió hất tung xuống biển bất cứ lúc nào.
Theo 115 Đà Nẵng và Đà Nẵng MRCC, có không ít lần lực lượng cứu nạn của VN đã tham gia cứu nạn tàu và cứu sống nhiều thuyền viên TQ như ngày 12.11.2007 tàu SAR 412 cứu 1 thuyền viên tàu XINJUN 01; Ngày 3.11.2009 cứu 8 thuyền viên TQ, 4 thuyền viên Myanmar trên tàu Lucky Dragon; Ngày 29.11.2014, cứu thuyền viên TQ trên tàu Cosco Prince Rupert...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.